Một trong các sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trong tuần này là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS - tập hợp các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Hội nghị dự kiến sẽ có nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác nam bán cầu; giúp khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của BRICS và định vị vai trò của nhóm trong thế giới nhiều biến động.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 nhóm BRICS diễn ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực hướng tới trật tự thế giới đa cực, mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và tăng tỉ trọng trong GDP toàn cầu.
Ông Anil Sooklal - Nhà ngoại giao Nam Phi: "Hội nghị thượng đỉnh này đang diễn ra vào thời điểm rất quan trọng khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức toàn cầu rất to lớn. Vì vậy, có nhiều kỳ vọng rằng BRICS sẽ thể hiện sự tích cực trong ứng phó những thách thức toàn cầu và xem xét hợp tác cùng nhau để giải quyết cấu trúc toàn cầu hiện tại quá lỗi thời và không công bằng".
Ngoài các vấn đề về địa chính trị, an ninh sẽ được thảo luận trong phiên họp kín dự kiến diễn ra ngày 23/8, các nhà lãnh đạo cũng dự kiến thảo luận về việc cải thiện hợp tác kinh tế giữa các nước, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực từ năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng đến nền kinh tế kỹ thuật số và thị trường việc làm. Bên cạnh đó, 1 nội dung quan trọng là việc tăng cường huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ trong Ngân hàng Phát triển mới, hay còn gọi là Ngân hàng BRICS.
Ông Andrey Spartak - Chủ tịch Hội đồng kinh tế đối ngoại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga: "BRICS có tiềm năng trở thành một tổ chức quan trọng trong việc đình hình sự phát triển toàn cầu. Tiềm năng của nó không chỉ nằm ở kinh tế mà còn ở các sáng kiến khác. Theo quan điểm của tôi, các nước BRICS đã sẵn sàng thiết lập một chương trình cải cách cho trật tự kinh tế toàn cầu hiện nay".
Với chủ đề "BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm", Hội nghị BRICS năm nay còn có hai sự kiện quan trọng là Hội nghị BRICS - châu Phi và đối thoại BRICS mở rộng với sự tham gia của đại diện hơn 70 nước, trong đó có Việt Nam.
Giáo sư Anthony Black - Khoa Kinh tế, Đại học Cape Town, Nam Phi: "Đây là một bước phát triển mới đối với BRICS, bởi vì tôi muốn thấy hệ thống đa phương hiện có được củng cố với nhiều ảnh hưởng hơn đối với các nước đang phát triển. Từ góc độ châu Phi, mối quan tâm chính phải là về phát triển kinh tế. Và tôi nghĩ rằng Hội nghị thượng đỉnh BRICS này sẽ có một chủ đề khá quan trọng về châu Phi".
Việc mở rộng khối cũng là ưu tiên trong chương trình nghị sự. Theo giới chức Nam Phi, hiện có trên 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, trong đó có 23 quốc gia đã chính thức đệ đơn xin gia nhập khối, trong đó có các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Iran và Indonesia.
Nhu cầu mở rộng BRICS
Một trong các vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này là vấn đề mở rộng khối. Trước khi bàn luận thêm về vấn đề này, cùng điểm qua một số thông tin đáng chú ý về khối BRICS.
Thuật ngữ khối BRIC do ông Jim O'Niel - Giám đốc ngân hàng Goldman Sach đưa ra lần đầu năm 2001 để chỉ nhóm các nước gồm Brazil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc. Tới năm 2009, lần đầu tiên 4 nước tổ chức Hội nghị thượng đỉnh chính thức. Năm 2010, khối kết nạp thêm thành viên thứ 5 là Nam Phi và từ đó đến nay có tên gọi là khối BRICS.
Chính vì thế mà việc mở rộng BRICS được rất nhiều nước quan tâm, thể hiện sự lớn mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của khối. Ngay trước khi hội nghị khai mạc, Tổng thống Nam Phi bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng BRICS và cho rằng điều này đại diện cho một nhóm các quốc gia đa dạng chung mong muốn có một trật tự thế giới cân bằng hơn. Trong khi lãnh đạo, giới chức, chuyên gia các nước cũng ủng hộ quan điểm này.
Tổng thống Brazil Lula da Silva: "Tôi nghĩ điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi cho phép các quốc gia khác đáp ứng các điều kiện của BRICS được phép tham gia nhóm".
Bà Busi Mabuza - Chủ tịch chi nhánh Nam Phi Hội đồng Kinh doanh BRICS: "Các nước đến đàm phán với chúng tôi sẽ không chỉ giúp tăng cường hợp tác Nam – Nam, mà còn giúp xây dựng một tương lai bền vững. Vì vậy, tôi vô cùng vui mừng khi các nước đã đến gõ cửa BRICS".
Thách thức đối với việc mở rộng BRICS
Có thể thấy các ý chí chính trị và nhu cầu thực tế với việc mở rộng nhóm BRICS là rất lớn và được rất nhiều nước quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, việc mở rộng BRICS không phải là không có các thách thức.
Trang web của Quỹ "Observer Research Foundation" nhận định, thách thức mà BRICS phải đối mặt về việc mở rộng khối là sự bất đồng giữa các nước thành viên hiện tại về các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình của một nhóm mở rộng sẽ như thế nào. Theo trang báo này, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng BRICS nhưng Ấn Độ thì kiên quyết phản đối, trong khi Brazil thì lo ngại việc mở rộng có thể làm giảm ảnh hưởng của các thành viên hiện tại. Ấn Độ nhấn mạnh, điều trước hết là cần xác định nguyên tắc đối với quá trình mở rộng và cho rằng đây vẫn là "công việc đang tiến hành".
Tờ Tribune India thì nhận định, BRICS là một nhóm hợp tác tương đối trẻ, có sự chênh lệch lớn về quy mô, triển vọng và nhận thức của các thành viên về một thế giới đa cực. Do đó, nếu nhóm phát triển quá lớn sẽ khiến việc ra quyết định trở nên phức tạp và tốn thời gian. Tờ báo cho rằng việc mở rộng nên diễn ra dần dần và dựa trên cách các quốc gia mới sẽ đóng góp vào sự bổ sung lẫn nhau, củng cố và hoạt động lâu dài của nhóm mà không làm sâu sắc thêm sự chia rẽ về ý thức hệ và các vấn đề khác.
Tờ The Conservation trích dẫn nhận định từ các nhà khoa học chính trị thì cho rằng, việc mở rộng BRICS là không hề dễ dàng khi mà nhóm tập trung vào việc hài hòa tầm nhìn của các quốc gia thành viên, trong khi điều này khó có thể dễ dàng thực hiện đối với các thành viên tiềm năng mới. Tờ báo thậm chí còn cho rằng, một số quốc gia có nhu cầu gia nhập BRICS có thể sẽ gây ra sự mất ổn định cho nhóm với 5 thành viên hiện tại.
Trong bối cảnh hiện tại, khi cạnh tranh các nước lớn ngày càng gay gắt, cục diện thế giới càng phân cực do các vấn đề phức tạp từ xung đột Nga - Ukraine cho đến tình hình bán đảo Triều Tiên, các chuyên gia nhận định sự trỗi dậy của BRICS đang cho thấy khả năng chuyển dịch quyền lực từ Bắc Bán cầu sang Nam Bán cầu và sự lớn mạnh hơn của các quốc gia mới nổi, các nước đang phát triển. Sự mở rộng BRICS có thể tạo ra một cán cân quyền lực mới, giúp cân bằng hơn với ảnh hưởng của các nước phương Tây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là các nước cần tăng cường các giải pháp xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác thay vì gia tăng cạnh tranh và đối đầu.
Nguồn VTV