Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp; nhiều thể chế chính trị tại châu Phi thay đổi; các nhóm vũ trang cực đoan, khủng bố trỗi dậy; cùng sự ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng như biến đổi khí hậu – đang đặt hàng triệu người dân châu Phi vào tình huống nguy hiểm, hàng triệu người phải di cư.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã mất đà và lạm phát đang tăng cao hơn. Do đó, các Quốc gia châu Phi cần phải hành động, không chỉ đưa ra các lựa chọn con đường kinh tế của riêng mình mà cần đoàn kết nội bộ châu Phi để phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế nội khối. Ông kêu gọi các quốc gia thành viên không nên “khoanh tay đứng nhìn” các cuộc binh biến vi phạm hiến pháp, không nên đứng ngoài cuộc chiến chống khủng bố của toàn khu vực.
Còn Thủ tướng nước chủ nhà Ethiopia, Abiy Ahmed, kêu gọi các nước châu Phi tiếp tục hỗ trợ, để giúp nước này tìm ra giải pháp hòa bình với các nhóm vũ trang nổi dậy. Ông đồng thời nêu bật vai trò của châu Phi trên trường quốc tế trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi cần có 1 quốc gia thành viên châu lục nắm giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đồng tình một phần với quan điểm này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, các nước đang phát triển đang cần được “lắng nghe” nhiều hơn trong các tổ chức toàn cầu, trong đó có cả trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các tổ chức tài chính quốc tế. Ông cho rằng, hệ thống tài chính toàn cầu không công bằng và kém hiệu quả khi bỏ mặc các nước đang phát triển, tình trạng bất bình đẳng sâu sắc cũng như nguồn lực để phục hồi sau đại dịch Covid-19 ít ỏi là những thách thức chính mà châu Phi đang phải đối mặt.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh các ngân hàng phát triển đa phương cần chuyển đổi mô hình kinh doanh và áp dụng cách tiếp cận mới để giúp thu hút thêm dòng vốn tư nhân vào lục địa châu Phi. Về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ông cũng lưu ý rằng các quốc gia châu Phi chịu ít trách nhiệm nhất đối với các cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra, nhưng người dân trên khắp lục địa này lại đang phải hứng chịu những tác động tàn khốc nhất với các trận lũ lụt, các đợt hạn hán và nạn đói.
“Châu Phi cần hành động vì khí hậu. Sự bất công tàn bạo của biến đổi khí hậu được thể hiện đầy đủ với mọi trận lũ lụt, hạn hán, nạn đói và nắng nóng phải chịu đựng trên lục địa này. Các quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất về cuộc khủng hoảng này đang cảm thấy những tác động tàn khốc nhất của nó. Hiện một số quốc gia châu Phi đang thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ về khí hậu”, ông Guterres nhấn mạnh.
Ai Cập cũng muốn thúc đẩy vai trò của châu Phi trong hành động khí hậu quốc tế. Theo Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, đồng thời là Chủ tịch COP27 mong muốn đặt các mối quan tâm của châu Phi vào trung tâm của hành động khí hậu quốc tế.
Ngoại trưởng Shoukry nhấn mạnh đến các kết quả khác của COP27 nhằm hỗ trợ các ưu tiên về khí hậu của châu Phi, bao gồm kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế xem xét các chính sách tài chính của mình với các nước đang phát triển, cũng như đưa ra kế hoạch hành động cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng có tính đến điều kiện kinh tế-xã hội của các nước khác nhau.
Trong bối cảnh châu Phi chịu tác động lớn của cuộc khủng hoảng lương thực, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Phi cũng đã kêu gọi sự chủ động trong việc huy động nguồn lực để phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Theo Ủy viên Liên minh châu Phi về nông nghiệp, bà Sacko, trung bình cứ 4 người ở châu Phi thì có một người phải đối mặt với nạn đói trầm trọng khi đại dịch Covid-19 tấn công mạnh vào lục địa này vào năm 2021. Các nước châu Phi cần phải chuyển đổi nền nông nghiệp và nuôi sống người dân của mình trong thời kỳ khó khăn này bằng cách đầu tư ít nhất 10% ngân sách quốc gia của họ vào nông nghiệp bao gồm phát triển chăn nuôi, thủy sản và cây trồng. Tuy nhiện, hiện phần lớn các quốc gia thành viên vẫn chưa đầu tư đủ và đang “đứng ngoài cuộc chơi này”./.
Đình Nam/VOV1