Chưa có cứ liệu khoa học để khẳng định thời điểm ra đời chính xác của lễ hội rằm tháng Bảy ở nước ta, chỉ biết rằng, trong văn hoá dân gian cũng như cõi tâm linh sâu xa của người Việt, đó là một ngày lễ mà hầu hết chúng ta đều coi trọng, giữ gìn. Dân gian ta có câu: “Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng”, đủ thấy hội rằm tháng Bảy quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần người Việt. Thậm chí, ở một số tộc người thiểu số (người Tày, Nùng ở huyện Lục Yên), đây còn là một trong 3 dịp lễ tết rất quan trọng, thậm chí với nhiều người nó còn quan trọng hơn cả dịp Tết Nguyên đán.
Thả đèn hoa đăng trong ngày Lễ Vu Lan. Ảnh: thanhnien
Lễ rằm tháng Bảy thể hiện những nét đẹp trong văn hoá Việt Nam, mà trong đó nét đẹp của văn hoá tín ngưỡng, văn hoá ứng xử, văn hoá ẩm thực… là tiêu biểu hơn cả.
Văn hoá tín ngưỡng
Qua hàng ngàn năm, hội rằm tháng Bảy luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam và đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống. Việc thực hành lễ rằm tháng Bảy là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, mà trước hết là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tất nhiên, việc thờ cúng tổ tiên của người Việt chúng ta không chỉ có mỗi dịp rằm tháng Bảy. Hầu hết rong mỗi gia đình Việt đều có ban thờ gia tiên, việc thế hệ cháu con có thể thắp hương lễ lạt ông bà cha mẹ, gia tiên vẫn diễn ra thường xuyên vào ngày mồng 1 hay rằm mỗi tháng, thậm chí có gia đình giữ thói quen thắp hương cho gia tiên vào mỗi bữa ăn như một lời mời và tưởng nhớ thường trực trong lòng. Thờ cúng tổ tiên chính là nét văn hoá đặc trưng của người Việt, đúng như tác giả P.Ory đã viết: “Đối với người An Nam, cái có tính chất truyền thống nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất chính là đạo thờ cúng tổ tiên”. Thờ cúng tổ tiên của người Việt là một biểu hiện của tính cộng đồng trong văn hoá Việt Nam, bắt nguồn từ lòng biết ơn, đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ. Đạo nghĩa truyền thống tốt đẹp đó như một mạch ngầm chảy mãi chưa hề vơi cạn, đến khi bắt gặp đạo Hiếu trong tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, đã hoà thành một dòng chảy mạnh mẽ trong tâm thức con người Việt Nam. Đặc biệt, nghi thức tôn giáo của Phật giáo trong hội rằm tháng Bảy đã được đại đa số nhân dân ta thực hành. Theo Kinh Vu lan, một bản kinh rất phổ biến trong Phật giáo Đại thừa, Lễ Vu Lan báo hiếu bắt nguồn từ câu chuyện báo hiếu với mẹ của Đức Mục Kiền Liên Bồ Tát. Tôn giả Mục Kiền Liên có người mẹ là bà Thanh Đề, khi còn sống là người xa hoa, tham lam, độc ác và không có lòng tôn kính Tam Bảo, khi chết rơi vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục. Thương xót cho mẹ, muốn cứu mẹ khỏi kiếp đọa đày, ngài đã thỉnh cầu Phật Tổ và được đức Phật chỉ dạy: ngày 15 tháng Bảy âm lịch - là ngày Tự Tứ của chư Tăng (ngày chư Phật hoan hỷ sau 3 tháng an cư kiết hạ tu học, rèn luyện, thúc liễm thân tâm, tăng trưởng đạo hạnh...), mời các chư Tăng mười phương chú nguyện để hồi hướng cho mẹ, cứu bà khỏi kiếp bị đọa đày nơi địa ngục. Mẹ Mục Kiền Liên cùng nhiều ngạ quỷ và tội nhân trong địa ngục đã được sinh thiên. Từ đó, ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm trở thành ngày tri ân, báo hiếu trong Phật giáo - ngày Vu Lan (gọi đầy đủ là Vu Lan Bồn).
Bên cạnh đó, lễ rằm tháng Bảy cũng thể hiện một tín ngưỡng khác trong một bộ phận người dân Việt Nam: họ tin rằng, tháng Bảy là tháng cô hồn, gắn liền với tích Diêm Vương cho mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 âm lịch hàng năm để quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Có những nơi, người ta gọi quỷ đói là “anh em tốt”, “thần cửa sau” để lấy lòng những linh hồn quỷ đói này. Từ niềm tin này, họ nảy sinh tâm lý e sợ, kiêng dè “tháng ma quỷ”, không đem lại may mắn, nên hầu hết các công việc hệ trọng của đời người như cưới hỏi, xây nhà, mua sắm, đi xa, buôn bán làm ăn… đều tránh tháng Bảy Âm lịch. Quan niệm này nếu thái quá dẫn đến mê tín dị đoan, vì vậy, chỉ tồn tại trong tư duy của một bộ phận người, nhìn chung không được đại đa số người trong xã hội đồng tình, ủng hộ.
Văn hoá ứng xử
Rằm tháng Bảy thể hiện ứng xử nhân văn của người Việt trong các mối quan hệ giữa con người với gia đình, với xã hội. Trong mối quan hệ gia đình, như đã nói ở trên, với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, rằm tháng Bảy thể hiện nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Việt đó chính là đạo hiếu. Từ một nghi lễ tôn giáo mang đậm màu sắc văn hóa Phật giáo ấy, Vu Lan dần trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Hội rằm Tháng Bảy trở thành ngày hội của lòng hiếu thảo. Ngày Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con, dịp để chúng ta hồi hướng đến ông bà, Tổ tiên đã mất, cầu chúc cho linh hồn họ được siêu sinh tịnh độ, cầu cho cha mẹ mình được hưởng phúc an lành.
Những năm gần đây, trong nhiều ngôi chùa, Vu Lan còn được tổ chức với lễ Bông hồng cài áo. Người được bông trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên cha mẹ đã khuất. Người được bông hồng sẽ thấy sung sướng rằng mình còn cha, còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng những đấng sinh thành.
Nói Rằm tháng Bảy thể hiện nét đẹp văn hoá ứng xử trong gia đình còn bởi vì đây là dịp để mỗi gia đình được sum họp, đầm ấm, con cháu hỏi han và chia sẻ với ông bà, cha mẹ những niềm vui, nỗi buồn. Trong nhịp sống hiện đại xô bồ, con người có khi quên đi những tình cảm gia đình, thiếu quan tâm cha mẹ, mùa Vu Lan chính là dịp để ta sống chậm lại, lắng lòng hơn và bày tỏ tình cảm biết ơn, thành kính với đấng sinh thành, cũng là cơ hội để gắn kết tình thân với anh chị em trong gia đình, họ hàng gia tộc. Văn hoá gia đình người Việt vì thế càng được giữ gìn, phát triển trong mỗi mùa Vu Lan.
Trong mối quan hệ xã hội, rằm Tháng Bảy thể hiện nét đẹp trong ứng xử đầy nhân văn, nhân ái của người Việt. Từ quan niệm về tháng cô hồn với nỗi ám ảnh từ ngạ quỷ nói trên, bằng tinh thần nhân ái, bao dung, nhân dân ta đã có một ứng xử đẹp đối với cô hồn, ngạ quỷ.
Lễ rằm tháng Bảy, ở nước ta còn được gọi là lễ “Xá tội vong nhân” - lễ cầu siêu cho những cô hồn lang thang không nơi nương tựa. Đến rằm tháng Bảy, nhà nhà làm lễ cúng, mời linh hồn người thân đã khuất trở về nhà hưởng thụ cơm canh, nhận quần áo mới, tiền bạc… để an ủi vong hồn. Khi chuẩn bị mâm quả cúng gia tiên, người Việt cũng không quên thêm lễ muối, gạo rải ra lối đi chung để an ủi những linh hồn tội lỗi cũng được tha tội.
Vào dịp này, ngươi Việt hạn chế sát sinh các con vật và tăng cường phóng sinh… Những nghi thức này mang hàm ý nhắc nhở mỗi người về tình yêu thương, về lòng nhân ái, không chỉ thương cha mẹ, anh em mình mà thương yêu mọi người trong xã hội, thương yêu đồng loại nói chung.
Không dừng lại ở đó, nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Việt qua hội rằm tháng Bảy còn thể hiện ở chỗ: Ngày lễ Vu Lan nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện. Vào dịp rằm Tháng Bảy, nhiều địa phương còn dâng lễ để cầu siêu cho các Anh hùng Liệt sỹ, như một cách bày tỏ lòng tri ân với những con người dũng cảm xả thân vì dân tộc, đem lại thái bình no ấm cho các thế hệ mai sau. Mở rộng ra ngày lễ Vu Lan còn làm rạng rỡ đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Văn hoá ẩm thực
Hội rằm tháng Bảy là ngày hội trọng đại trong năm, với người dân mà sinh kế gắn liền với nghề nông trồng trọt thì đây đúng dịp nông nhàn, cũng là lúc họ muốn tự thưởng cho mình một dịp nghỉ ngơi, ăn chơi trọn vẹn. Lúc này nhà nhà tụ hội, cùng nhau chuẩn bị những món ngon để cúng gia tiên và để quây quần cùng nhau trong bữa cơm gia đình mà những món ăn là thành quả của quá trình lao động sản xuất nhọc nhằn của họ. Vì thế, mâm cỗ truyền thống cũng như văn hoá ẩm thực của người Việt vừa là cách thích nghi với điều kiện tự nhiên, đồng thời là sự thể hiện tâm hồn, khí chất, quan niệm của người Việt về thế giới.
Khó có thể nói hết về văn hoá ẩm thực của người Việt, nhất là về hội rằm tháng Bảy, bởi đây vừa là nghi lễ tâm linh, vừa là ngày hội tình người, các món ăn của mỗi vùng miền, dân tộc cũng rất đa dạng. Hơn nữa, ngoài mâm cỗ cúng gia tiên, còn có lễ dâng ban thờ Phật, lễ xá tội cô hồn. Mỗi mâm cỗ có một yêu cầu khác biệt. Chẳng hạn, mâm cúng dường phải đảm bảo lễ chay. Món cho vong nhân chỉ gạo, muối để tránh khơi dậy tham sân si dục vọng của vong hồn. Còn mâm cỗ gia tiên thì vô cùng phong phú và linh hoạt. Tuy nhiên, nhìn chung có thể thấy, đặc trưng trong văn hóa ẩm thực ở Việt Nam, tất cả các món ngon phải có hương vị, cân bằng âm dương, đã có món khô thì phải có món canh, đã có món giàu đạm thì phải có món giàu vitamin. Các món ăn chi phối thành quan hệ âm dương trong ẩm thực, đối lập nhau, vừa có màu sắc, hợp khí hậu, vừa có độ đạm, vừa có các vị, chua, cay, mặn, ngọt, mát nên được mọi người lựa chọn làm lễ vật cúng rằm tháng Bảy.
Mỗi mùa Vu Lan, mọi người dường như đều dành cho mình một khoảng lặng để nghĩ về đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Trước tác động từ những mặt trái của quá trình toàn cầu hoá, kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hoá trong gia đình cũng như ngoài xã hội đang có sự biến đổi và có nguy cơ mai một. Việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, xá tội vong nhân, cầu siêu cho vong linh anh hùng liệt sĩ, phóng sinh vạn vật… là những ứng xử đẹp, đầy nhân văn để con người giữ lấy những gì là thiện căn trong tâm thức chính mình, cũng là giữ gìn những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Quang Hoa