Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2020), nguyên Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII; một trí thức lớn đầy tâm huyết với cách mạng; một nhà hoạt động chính trị - xã hội có uy tín và tài năng; người chiến sĩ cộng sản kiên định, tận trung với nước, tận hiếu với dân, vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chủ trì Hội thảo
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Phuông - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Văn Rạnh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An.
Dự Hội thảo có đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Thọ; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, Hội thảo khoa học đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An được tổ chức trong không khí nhân dân cả nước đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, Hội thảo khoa học nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, nhà lãnh đạo tài năng, người học trò trung thành và kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có thêm nhiều ý nghĩa thiết thực. Tấm gương đạo đức của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên to lớn cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên Việt Nam học tập và noi theo.
Các đại biểu dự Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Trải qua gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, trên mọi cương vị công tác, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, làm việc tận tụy, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đồng chí là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương đạo đức mẫu mực: tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - một nhân cách lớn, tiêu biểu cho giới trí thức Việt Nam. Đồng chí là hiện thân của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng; có tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn; suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và công lao to lớn đối với Đảng và dân tộc ta của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng được ghi nhớ, tôn vinh, học tập và noi theo bởi các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hội thảo là hoạt động thiết thực thể hiện sự tôn vinh, biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đối với những hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ. Đây là một dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ; đồng thời có ý nghĩa giáo dục về truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo
Với hơn 50 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, của tỉnh Long An - quê hương của Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và một số tỉnh, thành phố ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu sau: (i) Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - tấm gương một trí thức yêu nước nhiệt thành; (ii) Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam; (iii) Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Người học trò trung thành và kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; (iv) Người con ưu tú của quê hương Long An.
Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh là Ba Nghĩa) sinh ngày 10-7-1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An). Xuất thân trong một gia đình công chức trung lưu, với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quê hương Long An cùng nhiệt huyết yêu nước, với mong muốn học hành thành tài để phục vụ quê hương, phục vụ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã lên đường sang Pháp du học. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng ưu, với tài năng và trí tuệ vượt trội, ông được nhiều trường đại học và văn phòng luật sư danh tiếng ở Pháp mời làm việc. Nhưng với mong muốn đem kiến thức giúp dân, giúp nước, ông đã quyết định trở về Tổ quốc, hoạt động luật sư và trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã sớm tham gia vào phong trào yêu nước đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ trong những năm 1940 - 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Luật sư tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức, tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp Nam Bộ. Kể từ đây, mọi hoạt động, cống hiến không mệt mỏi của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đều gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Bằng tinh thần yêu nước nhiệt thành, trí tuệ, tài năng, phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành “một nhà trí thức yêu nước vĩ đại”, là người "tiêu biểu cho lòng yêu nước nồng nàn và dũng cảm của trí thức miền Nam"[1].
Năm 1954, miền Bắc được hòa bình, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam đòi thi hành Hiệp định Genève, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 2/1962, tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội bầu giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước: Phó Chủ tịch nước (tháng 7/1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tháng 7/1981), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tháng 6/1987).
Tháng 11/1988, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng (năm 1993) và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội thảo
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn kiên định lập trường cách mạng; kiên quyết đấu tranh với kẻ thù để bảo vệ công lý, lẽ phải, bảo vệ nhân dân. Trong những năm tháng bị địch bắt, tra tấn, đày ải trong các nhà tù, trại giam của thực dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn thể hiện rõ tinh thần trung kiên, bất khuất, một lòng một dạ trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng, giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Hoạt động và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc là rất to lớn. Bằng tài năng và uy tín đặc biệt với giới trí thức, trên cương vị Chủ tịch Mặt trân Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là ngọn cờ tập hợp, quy tụ các lực lượng yêu hòa bình, dân chủ ở miền Nam, đoàn kết đấu tranh chống đế quốc và tay sai, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trên các cương vị lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí luôn nêu cao tinh thần làm việc dân chủ, tận tụy, trách nhiệm, sâu sát, hiệu quả. Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, với tầm nhìn xa, trông rộng, với tư duy sắc bén của một trí thức uyên bác và tâm trong sáng, hết lòng vì nước, vì dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có công lao to lớn trong việc chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1992 và có nhiều ý kiến, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương đổi mới đất nước, đổi mới hoạt động của bộ máy Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận trong thời kỳ mới.
Là một người con của vùng đất Long An giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, những phẩm chất cao đẹp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được nuôi dưỡng bởi truyền thống trung dũng, kiên cường của quê hương. Đồng thời, tên tuổi, sự nghiệp và nhân cách cao đẹp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cũng góp phần tô đậm, làm rạng danh thêm những trang sử hào hùng của vùng đất Long An trung dũng, kiên cường. Với Đảng bộ và nhân dân Long An, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn là niềm tự hào, là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nói về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người đồng chí, một người con của Nam Bộ thành đồng đã khẳng định: "Đồng chí là sự kết hợp tuyệt vời giữa phẩm chất hiên ngang, hào hiệp và giản dị của người con vùng đất Nam Bộ với đức tính cần trọng, khiêm nhường của một nhà trí thức chân chính". Trải qua gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, trên mọi cương vị công tác, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, làm việc tận tụy, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đồng chí là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương đạo đức mẫu mực: tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - một nhân cách lớn, tiêu biểu cho giới trí thức Việt Nam. Đồng chí là hiện thân của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng; có tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn; suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và công lao to lớn đối với Đảng và dân tộc ta của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng được ghi nhớ, tôn vinh, học tập và noi theo bởi các thế hệ hôm nay và mai sau.[1].
[1] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ
[1] Đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, in trong sách: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, tr.376.