Trong quá trình thực hiện đề tài Công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh trong các nhà tù, trại giam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Đoàn cán bộ Viện Lịch sử Đảng do PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Liên lạc tù chính trị Thành phố Hồ chí Minh. Tham dự tọa đàm có cựu tù nhân Côn Đảo Nguyễn Văn Nớp (Chín Nớp), Phó Ban Liên lạc tù chính trị Quận 5. Ông đã kể cho chúng tôi những hồi ức xung quanh tổ chức Đảng trong nhà tù Côn Đảo và mối liên hệ với bên ngoài
"Tháng 10-1969, sau một thời gian bị giam giữ và hoàn thành hồ sơ tại đất liền, tôi mới bị địch đày đày ra Côn Đảo và tới ngày 23-7-1973, tôi có tên trong danh sách trao trả tù chính trị theo Nghị định thư của Hiệp định Paris về trao trả tù chính trị và các nhân viên dân sự hai bên bị bắt.
Ở trong tù, tôi có một cái may mắn là được cũng sinh hoạt với một số đồng chí nguyên là lãnh đạo của Đảng ta, trong đó có đồng chí Phạm Khải tức Ba Ca, nguyên là Bí thư Khu ủy Sài Gòn (1954-1958).
Trong thời gian ở Côn Đảo, chúng tôi có một cái Radio mà chính tôi là người nghe và ghi tin. Tôi ghi toàn văn về Hiệp định Paris và Nghị định thư về trao trả tù chính trị. Sau này, khi được trao trả theo tinh thần Hiệp định Paris, tôi bó cái nghị định thư vào chân về tới trong chiến khu, đem so sánh với văn bản chính thức của Hiệp định thì hầu như là đúng với văn bản luôn.
Tôi nghĩ rằng tổ chức Đảng trong nhà tù chắc chắn có nhưng mà không chính thức công khai chỉ kêu gọi đồng chí nào ngoài đời là đảng viên tập hợp và sinh hoạt theo tinh thần Đảng, tức là khác những anh em chưa phải là đảng viên.
Thường là trong tù có các nhóm lãnh đạo chứ không công nhận chi bộ tên gì, trực thuộc Đảng bộ nào, ai làm Bí thư .. không nêu rõ cái đó, chỉ tập hợp lại làm công việc mà rất cần thiết đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ. Bởi vì thứ nhất, trong tù, một nguyên tắc bất di bất dịch là không ai kể cho ai nghe về đời tư, hoạt động của mình cả, bởi vì địch thường cài tay chân của chúng vào nội bộ tù để kai thác tin tức. Thường thì chỉ sau một thời gian ngắn là tay chân của chúng bị lộ diện và cô lập ngay, thậm chí có những tên bị cho ăn đòn, bị tiêu diệt. Thứ hai, nếu không phải tay chân của địch cài vào thì việc lộ tin tức về tên tuổi, gia đình, tổ chức cách mạng với bạn tù cũng rất nguy hiểm vì trong cuộc dt quyết liệt, dại dẳng có khi kéo dài, không phải ai cũng luôn giữ được phẩm chất trung kiên đến lúc cuối cùng, nên việc cảnh giác với bạn tù không phải thừa. Tuy vậy, trong quá trình đấu tranh, ai là bạn, ai là thù, ai trung kiên, bất khuất sẽ dần lộ ra và bằng sự cảm phục, cùng chung chí hướng, những người bạn tù sẽ hiểu nhau và xác định rõ việc đứng chung đội ngũ.
Thứ hai, nói về đường dây Côn Đảo, tức là đường dây liên lạc giữa tổ chức Đảng bên ngoài nhà tù với tổ chức Đảng bên trong nhà tù, thì lâu nay tôi cũng chỉ biết mang máng là có. Sau này, khi miền nam hoàn toàn giải phóng, tôi cũng hỏi các chú, các anh, tổ chức của mình đưa hay biệt phái ai ra làm việc ở các phòng ban quản đốc hay các cơ sở y tế, kinh tế bên ngoài nhà tù của địch, nhưng rất ít người biết, vì đây là đường dây bí mật.
Nhà tù Côn Đảo, nơi giam cầm, đày ải hàng chục nghìn chiến sỹ cộng sản và đồng bào yêu nướcVề những người cùng tù ngục, tôi biết đồng chí Trần Văn Hiếu, bây giờ đang sinh sống tại Củ Chi, đồng chí chế cái radio này có thể gắn vào áo của mình để nếu có bị khám xét phòng thì cũng dễ cất giấu.
Đồng chí Hoàng Trung Tiếu là một luật gia người miền Bắc, tôi được biết đồng chí nắm được nhiều sự kiện, tư liệu, bởi trình độ học vấn của đồng chí đó cao hơn anh em.
Gần đây, anh Bùi Văn Toản có xuất bản một số cuốn sách về nhà tù Côn Đảo, đồng thời anh cũng làm luận cán tiến sĩ về đề tài Nhà tù Côn Đảo. Tôi đọc một số quyển sách của anh Bùi Văn Toản, tôi thấy chỗ hay thế này này, anh ấy nói rõ mình có một đường dây chắp nối liên lạc giữa tổ chức Đảng ở bên ngoài với tổ chức Đảng bên trong các nhà lao, trong đó có Nhà tù Côn Đảo. Sau này được biết, đường dây đó thường là Thành ủy Sài Gòn chủ trương hoặc Trung ương Cục miền Nam chủ trương. Bởi vậy, có những lúc anh em tù nhân ở đảo nhận được thư và quà của đất liền gởi ra. Cũng có cuộc đấu tranh ở đảo, quyết liệt vô cùng, nhưng địch ngoan cố không chịu nhượng bộ. Nếu kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa, thiệt hại về phía ta cũng không nhỏ. Lúc này, vai trò của đường dây mới đặc biệt quan trọng. Những tin tức về cuộc đấu tranh của tù nhân Côn Đảo rò rỉ về đất liền, đã gây lên những “cơn bão” của dư luận, nhất là ở Sài Gòn, buộc chính quyền miền Nam phải xem xét, giải quyết yêu sách của tù nhân trong cuộc đấu tranh đó hoặc cải thiện chế độ lao tù hà khắc, tàn bạo.
Chính vì có những đường dây đó, sau giải phóng, tôi thấy mấy “thằng cha” này, hồi đó làm việc mặc áo trắng, làm việc cho địch, mà tại sao giờ giải phóng lại làm lãnh đạo mình, trong đó có ông Trương Văn Hỏi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5, bây giờ mất rồi nhưng mà sau này đọc cái quyển của anh Toản, mới biết đó là người mình cử ra. Anh Đỗ Đăng Đằng, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận 10 cũng làm việc ngoài đó. Đường dây này nó hay lắm. Như vậy là có hình thành và có một sự chỉ đạo từ bên ngoài vào và tù nhân chúng tôi đấu tranh không đơn độc, kể cả tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo xa xôi, biệt lập giữa biển khơi. Và một điều rất hay là suốt một thời gian dài, hầu như không có lộ gì cả. Cũng có đôi lúc do địch chuyển đổi, xáo trộn các vị trí của tù nhân nên đường dây cũng bị gián đoạn một thời gian. Cũng có lần địch lần ra đầu mối, bắt một số anh em tra tấn dã man, nhưng anh em kiên quyết không khai, nên đường dây vẫn an toàn dù có bị gián đoạn.
Trước và sau Hiệp định Paris, đường dây vẫn hoạt động thông suốt, nên ta đã ghi chép đầy đủ danh sách tù nhân tại Nhà tù Côn Đảo để làm chứng cớ pháp lý đấu tranh đòi chính quyền miền Nam trao trả tù chính trị đang bị địch bắt giam. Chính nhờ những tài liệu mà đường dây đưa lại, các tổ chức và phong trào đấu tranh công khai tại Sài Gòn có tài liệu để đấu tranh mạnh mẽ, phản đối chế độ lao tù tại miền Nam Việt Nam.
Tôi cho rằng đường dây Côn Đảo là một điểm đặc biệt, là một thành công của ta trong bối cảnh cuộc đấu tranh ác liệt giữa ta và địch trong một cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là những người tù chính trị không một tấc sắt trong tay, chỉ có gông cùm với một bên là chế độ bạo tàn với đầy đủ công cụ, con người, bộ máy, phương pháp cai quản tù nhân hiện đại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhưng cuối cùng, những đảng viên cộng sản và người yêu nước miền Nam đã chiến thắng".
Nguyễn Văn Nớp (Chín Nớp) kể - Nguyễn Bình ghi