Tại diễn đàn, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phân tích: Sau giai đoạn phát triển nhanh nhờ lợi thế về nhân công giá rẻ, tài nguyên và những chính sách thu hút đầu tư, các quốc gia đang phát triển sẽ đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình".
Trước thách thức này, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới, bền vững, tạo giá trị gia tăng dựa trên nền tảng sáng tạo. Bởi, nếu đi theo “đường ray” cũ là cải tiến chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thêm đường ray, tăng thêm tốc độ ở mức giới hạn. Và với sự phát triển của công nghệ, AI, ông Thông cho rằng sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi trong tổ chức, vận hành để tạo nhiều đột phá.
Còn ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT cho biết, doanh nghiệp này luôn liên tục cải tiến và cải cách để tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm, doanh nghiệp có hàng ngàn sáng kiến, cải tiến, riêng năm 2023 có 2.700 sáng kiến, cải tiến.
Chiến lược cải cách của doanh nghiệp dựa trên những chỉ số thực tế về hiệu quả và sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Mức tăng trưởng của doanh nghiệp trong 2-3 năm chỉ 1 con số dưới 10% thì doanh nghiệp phải xem lại hoạt động đổi mới, sáng tạo của mình.
FPT đưa ra KPI (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động), tăng trưởng các dịch vụ sản phẩm mới phải đóng góp ít nhất 20% tổng doanh thu trong 3 năm. KPI là chỉ số rất rõ để doanh nghiệp đo quản trị hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, doanh nghiệp phân lãnh đạo cải cách, công nhân viên thì cải tiến, cải tiến thì hàng ngày, hàng tuần, lãnh đạo thì cải cách hàng quý, hàng năm. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp xây dựng chiến lược thì xây dựng chiến lược chỉ có 3 năm nhưng hàng năm thì FPT đều rà soát lại chiến lược để đảm bảo sự thích ứng với thay đổi. Doanh nghiệp làm sao cho toàn bộ nhân viên đều có tinh thần cải tiến.
Bà Phạm Thị Bích Huệ - Nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị Western Pacific, doanh nghiệp logistics cho biết, với mô hình cũ khi cải cách có những giới hạn, nút thắt không giải quyết được. Trước đây, doanh nghiệp làm logistics phụ thuộc nguồn hàng, khách hàng, xây dựng hệ thống kho và chờ khách hàng… Khi doanh nghiệp cải cách thực hiện mô hình mới áp dụng công nghệ theo hướng kinh tế chia sẻ, tạo sân chơi mới, hệ sinh thái mới và đã thành công trong 5 năm qua.
Giờ doanh nghiệp đưa vào liên kết ngành giữa các khu công nghiệp và logistics và để vận hình mô hình này thì mình phải có sân chơi mới. Với mô hình kinh tế chia sẻ thì mọi người cùng liên kết ngành, doanh nghiệp cùng tham gia trong hệ sinh thái đó đều được chia sẻ quyền lợi, lợi tức với nhau, đó là mô hình phát triển bền vững mà Western Pacific đang hướng tới.