Vùng Vịnh là khu vực có vị trí địa chính trị rất quan trọng, nơi đứng đầu về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, có các trung tâm tài chính, công nghệ hàng đầu thế giới và là một trong những khu vực phát triển năng động, với những quốc gia có nền kinh tế rất phát triển, có thu nhập đầu người cao hàng đầu thế giới, đang chuyển đổi mạnh mẽ mô hình phát triển theo hướng đa dạng hóa nền kinh tế và đón đầu các xu thế phát triển mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trong đó, ba quốc gia mà Thủ tướng đến thăm lần này là UAE, Saudi Arabia và Qatar là những nước có vị thế, vai trò quan trọng nhất và đều là những quốc gia thịnh vượng, có nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất tại vùng Vịnh.
Cả UAE, Saudi Arabia và Qatar đều có quan hệ bạn bè hữu nghị và là những đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam với ba quốc gia này đang trên đà phát triển tốt đẹp, hợp tác ngày càng toàn diện, đi vào thực chất hơn. Tuy nhiên, hợp tác giữa Việt Nam với ba nước này và với khu vực vùng Vịnh nói chung còn khá hạn chế, chưa được chú ý phát triển đúng mức, tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp cũng như vị thế, tiềm năng, thế mạnh của hai bên. Vì vậy, dư địa hợp tác giữa Việt Nam với các nước này còn rất to lớn, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, năng lượng, lao động, du lịch và trên những lĩnh vực, xu hướng phát triển mới.
Ba nước mà Thủ tướng đến thăm lần này và các nước vùng Vịnh nói chung đều có lịch sử quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Trong các cuộc gặp và tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo các nước khu vực đều bày tỏ sự yêu mến và ngưỡng mộ lịch sử hào hùng cũng như đánh giá cao thành tựu, tiềm năng phát triển của Việt Nam trong đổi mới và phát triển đất nước. Trong một thế giới đầy bất ổn và đang chuyển mình mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam và các nước vùng Vịnh đều chia sẻ tầm nhìn và khát vọng về hòa bình và thịnh vượng. Ba nước mà Thủ tướng đến thăm đều khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, xác định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á trong chính sách “Hướng Đông” của họ.
Cùng với nền tảng quan hệ chính trị rất tốt đẹp, quan hợp tác giữa nước ta với UAE, Saudi Arabia, Qatar và các nước vùng Vịnh nói chung rất giàu tiềm năng phát triển bởi nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau rất cao. Các quốc gia vùng Vịnh này đều là những nước phát triển, có thu nhập rất cao, là thị trường rất tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản và hàng tiêu dùng. Khu vực này cũng là thị trường lao động rất giàu tiềm năng và là nguồn đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho sự phát triển của nước ta. Với nguồn lực tài chính rất mạnh, có những quỹ đầu tư công rất lớn và uy tín, sở hữu những trung tâm tài chính, thương mại, trung tâm về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu thế giới, các nước này cũng là những nhà đầu tư, đối tác hợp tác KHCN, đổi mới sáng tạo đầy tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, với vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng, hội nhập sâu rộng với thế giới, quy mô dân số trên 100 triệu người, Việt Nam là thị trường đầu tư và thương mại quan trọng và có thể đóng vai trò là cửa ngõ vào Đông Nam Á cho chính sách “hướng Đông” của các nước vùng Vịnh. Với thế mạnh của mình, Việt Nam cũng là đối tác lý tưởng, đầy tiềm năng cho chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, nguồn cung lao động cho nhu cầu ổn định và phát triển của các nước này trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều bất ổn.
Về quan hệ thương mại, đầu tư: tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, trong khi Saudi Arabia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch song phương đạt 2,68 tỷ USD năm 2023. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Qatar còn khiêm tốn, nhưng đang tăng trưởng nhanh những năm gần đây, đạt 497,2 triệu USD năm 2023. Từ tiềm năng và thế mạnh có tính bổ sung cho nhau, chuyến thăm của Thủ tướng có thể tạo xung lực cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với ba nước này phát triển mạnh mẽ, trong đó Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như nông thủy sản, giày dép, dệt may, vật liệu xây dựng ... trong khi tăng cường nhập khẩu các sản phẩm chủ lực như dầu khí, năng lượng, hóa chất từ các nước này để đảm bảo an ninh năng lượng và phục vụ nhu cầu phát triển.
Về đầu tư, đến tháng 6/2024, UAE mới có 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 71,6 triệu USD. Trong khi đó, đầu tư của Saudi Arabia và Qatar vào Việt Nam cũng rất khiêm tốn. Với khả năng và tiềm lực tài chính rất hùng mạnh của các doanh nghiệp ba nước này cùng với nhu cầu, tiềm năng và lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, việc thu hút đầu tư từ các nước này vào nước ta những năm tới được kỳ vọng sẽ có những bước đột phá sau chuyến công du lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Về hợp tác năng lượng: là những quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thê giới, thúc đẩy hợp tác với UAE, Saudi Arabia, Qatar trong lĩnh vực năng lượng có tầm quan trọng chiến lược giúp Việt Nam đảm bảo nguồn cung ổn định các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất, nhất là khí hóa lỏng để phục vụ phát triển các ngành kinh tế quan trọng và tăng cường khả năng tự chủ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia những năm tới. Bên cạnh đó, với trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính mạnh, tiềm năng hợp tác giữa nước ta với các nước này trong thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, năng lượng tái tạo cũng đầy triển vọng.
Hợp tác về nguồn nhân lực: đây là lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn bởi Việt Nam có khả năng trong khi ba nước vùng Vịnh có nhu cầu lớn và hai bên cũng đã triển khai hợp tác trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, số lượng lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại UAE khoảng 4.500 người, tai Saudi Arabia khoảng 4.000 người và tại Qatar chỉ dưới 1.000 người, những con số rất nhỏ bé so với tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại các nước này hàng năm. Với dân số hơn 100 triệu người, đang ở giai đoạn dân số vàng, với nhiều lao động trẻ, cần cù, tay nghề cao, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lao động của các nước này trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như khách sạn, nhà hàng, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, dầu khí, xây dựng, giao thông vận tải, chăm sóc sắc đẹp… Từ kết quả chuyến thăm của Thủ tướng và nhu cầu tiếp nhận của phía các đối tác, sắp tới hàng trăm ngàn lao động Việt Nam có thể sang các nước này làm việc trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề đa dạng.
Hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh cũng rất tiềm năng. Cùng với sự khác biệt, độc đáo về văn hóa, tôn giáo, quan hệ chính trị tốt đẹp và quan hệ kinh tế được đẩy mạnh, nhu cầu hợp tác, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh sẽ ngày càng phát triển. Với quan hệ kinh tế phát triển, đi lại giữa Việt Nam với các nước này ngày càng thuận tiện, nhu cầu về hợp tác về giáo dục, trao đổi học thuật cũng ngày càng gia tăng. Những năm gần đây, các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu và học tập tại UAE, Saudi Arabia, Qatar ngày càng nhiều. Là những quốc gia có nền kinh tế rất mạnh, tầng lớp giàu có ngày càng đông đảo, nhu cầu du lịch lớn, nhất là dòng khách cao cấp với mức chi tiêu hào phóng, các nước này cũng được xem như “mỏ vàng” tiềm năng cho du lịch Việt Nam khai thác trong những năm tới nếu chúng ta quan tâm đúng mức và có chính sách đồng bộ, phù hợp, nắm bắt đúng nhu cầu, thị hiếu từ thị trường khổng lồ nhưng đặc thù này.
Hợp tác giữa Việt Nam và ba đối tác vùng Vịnh trong những lĩnh vực, xu hướng mới như công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, đổi mới sáng tạo và phát triển ngành Halal... cũng mở ra triển vọng lớn sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính bởi đây là những lĩnh vực, hướng đi quan trọng mà cả hai bên ưu tiên và các nước vùng Vịnh có điều kiện về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để mở rộng hợp tác.
Với lịch trình dày đặc gồm 60 hoạt động song và đa phương, Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới ba nước UAE, Saudi Arabia và Qatar đã đạt những kết quả toàn diện, phong phú, thực chất với 33 văn bản hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó, những dấu ấn nổi bật là Việt Nam và UAE đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện và ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ trong thời gian tới. Việt Nam và Qatar cũng ra Thông cáo chung, trong đó hai bên nhất trí sớm nâng cấp quan hệ song phương lên một khuôn khổ đối tác hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn; nỗ lực nâng kim ngạch thương mại song phương; nghiên cứu thành lập Tổ công tác chung về thương mại; xem xét khả năng xây dựng Trung tâm trưng bày sản phẩm của Việt Nam tại Qatar… Với Saudi Arabia, hai bên cũng nhất trí thúc đẩy sớm nâng quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới; nhất trí đàm phán nhanh một FTA song phương tương tự CEPA; thống nhất mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD; thúc đẩy việc đưa Saudi Arabia trở thành một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam…
Chuyến thăm ba nước UAE, Saudi Arabia và Qatar của Thủ tướng Chính phủ là bước triển khai mạnh mẽ, sinh động đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đại hội XIII của Đảng. Những kết quả đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng sẽ tạo nền tảng và xung lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với UAE, Saudi Arabia và Qatar ngày càng phát triển toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả, đồng thời, tạo đòn bẩy để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khác ở khu vực vùng Vịnh. Chuyến công du của Thủ tướng đã thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo ta, mở ra hướng đi mới trong đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, trong việc khai thác những nguồn lực mới góp phần đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TS Ngô Chí Nguyện