Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được gìn giữ trên thế giới bao gồm rất nhiều loại, từ lễ nghi truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ tới nghệ thuật biểu diễn, văn hóa dân gian như nhạc reggae của Jamaica, kuş dili - ngôn ngữ huýt sáo của Thổ Nhĩ Kỳ, đến Tahteeb - một trò chơi dùng gậy của Ai Cập...
Thật may mắn, sự ra đời của công nghệ số đã giúp cung cấp giải pháp kỹ thuật để bảo tồn những di sản đó, đặc biệt là những di sản đang đứng trước nguy cơ mất đi khi đời sống cộng đồng ngày càng hiện đại hóa.
Một trong những dự án đáng chú ý về số hóa di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO đề cập trong thời gian gần đây là AniAge - do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ - để lưu giữ loại hình múa rối dân gian và múa truyền thống của Đông Nam Á. Với kinh phí hơn 1,7 triệu euro, dự án có sự tham gia của Trung tâm hoạt hình máy tính quốc gia, Đại học Bournemouth (Anh), Trung tâm nghiên cứu công nghệ thông tin, Đại học CNRS Artois (Pháp) cùng sự phối hợp của các trường đại học của Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Mục đích tổng thể của AniAge gồm 2 phần. Thứ nhất là phát triển kỹ thuật và công cụ mới để giảm chi phí sản xuất và nâng cao mức độ tự động hóa trong phần việc của các nghệ sĩ hoạt hình, vốn được lập trình để thể hiện các điệu múa dân gian. Thứ hai là thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm và phổ biến kiến thức giữa các đối tác EU và Đông Nam Á, nhằm khuyến khích các chuyên gia công nghệ tăng cường hợp tác, phát triển kỹ thuật và sáng tạo trong công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể.
Giáo sư điều phối dự án Jian Jun Zhang giải thích: "Mặc dù công nghệ hoạt hình máy tính đã được sử dụng rộng rãi cho phim ảnh và trò chơi, nhưng vẫn đòi hỏi sức lao động và tốn kém. Những bộ phim bom tấn gần đây (ví dụ như Avatar, Gravity) tiêu tốn khoảng 1 triệu USD mỗi phút cảnh quay. Tập trung vào múa rối dân gian và múa truyền thống của Đông Nam Á, dự án đã phát triển các kỹ thuật và công cụ mới để tái tạo dữ liệu chuyển động 3D từ các cảnh quay nghệ sĩ thật biểu diễn, sau đó chèn thêm các chú thích cũng như hướng dẫn nhằm giúp truy xuất thông tin một cách hiệu quả. Khi hoàn thành, mỗi bản lưu trữ có thể coi như một bài giảng trực quan về điệu múa kèm theo các đoạn quay thực tế để người xem có thể dễ dàng hiểu và hình dung.
Nhìn chung, đây là một quá trình rất tốn kém và mất thời gian. Để vượt qua rào cản này, các đồng nghiệp trong lĩnh vực khoa học máy tính và hoạt hình đã sử dụng thế mạnh chuyên môn về hoạt hình và trực quan hóa để đưa ra các biện pháp hiệu quả giúp bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống liên quan đến các chuyển động”.
Với công nghệ tương tự, Học viện Đôn Hoàng (Trung Quốc) đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo ra một “đại sứ” ảo của quần thể hang động Mạc Cao ở tỉnh Cam Túc. Với tên gọi Jia Yao, nữ “đại sứ” ảo được tạo hình dựa trên cảm hứng từ Flying Apsaras - nữ thần nước trong văn hóa Phật giáo - với phụ kiện tóc và trang phục truyền thống của Trung Quốc có thể giúp giới thiệu và quảng bá về lịch sử đời sống tôn giáo, nghệ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội của vùng đất này. Ngoài việc giới thiệu một cách sinh động những câu chuyện liên quan tới vùng đất gắn liền với lịch sử Phật giáo, Jia Yao có thể thể hiện những điệu nhảy có nguồn gốc từ nghìn năm trước.
Theo Giám đốc Học viện Đôn Hoàng Su Bomin, một trong những hang động trong quần thể Mạc Cao được chú ý là hang Thư viện, nơi có tới 50.000 di vật văn hóa. Đây cũng là một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án số hóa đang được thực hiện bởi Học viện Đôn Hoàng và Tencent - “gã khổng lồ” internet của Trung Quốc. Thông qua nguồn tư liệu quan trọng này, dự án số hóa tìm cách tái tạo lịch sử của hang động thông qua công nghệ quét laser và tái tạo ảnh kết hợp với công nghệ tạo nội dung theo quy trình và công nghệ kết xuất vật lý. Những công nghệ này có thể khôi phục chi tiết các bức tranh cổ trong hang động và các di tích văn hóa khác với độ chính xác đến từng milimet theo tỷ lệ 1:1.
Bên cạnh đó, số sách có niên đại thời nhà Tống (960 - 1279) được tìm thấy trong hang sẽ giúp xây dựng hình ảnh về truyền thống, phong tục dân gian của Đôn Hoàng - một kho tàng nghệ thuật và văn hóa lớn nằm dọc theo Con đường tơ lụa cổ đại.
Theo Hà Nội mới