Thế trận chiến tranh nhân dân trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc đã góp phần đánh bại không lực Hoa Kỳ. Phối hợp với bộ đội phòng không, lực lượng dân quân miền Bắc đã chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, ghi lại những trang sử oanh liệt, trong số đó, chúng ta không thể không nhắc đến những nữ dân quân Lam Hạ anh hùng
Địa bàn chiến lược quan trọng
Trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, Phủ Lý có vị trí chiến lược quan trọng. Trên địa bàn Thị xã có các đường giao thông huyết mạch chi viện chiến trường miền Nam, đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1… Phủ Lý (lúc bấy giờ là thị xã Hà Nam, tỉnh Nam Hà) được xác định là một trong những mục tiêu trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Đầu năm 1965, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã nhanh chóng chuyển hướng mọi hoạt động phù hợp với điều kiện có chiến tranh.
Nhiều đơn vị phòng không được gấp rút xây dựng, trang bị vũ khí và huấn luyện. Thị xã đã tổ chức một đại đội cao xạ 12,7mm, và xây dựng cụm chiến đấu bảo vệ thị xã gồm lực lượng thị xã và các huyện lân cận: Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên, do Thị xã làm cụm trưởng.
Thực hiện chủ trương đó, các địa phương đẩy mạnh xây dựng các đơn vị dân quân tự vệ để sẵn sàng chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu.
Xã Lam Hạ (lúc đó là xã Tiên Hồng thuộc huyện Duy Tiên, từ năm 1967 đổi tên thành Lam Hạ, năm 2013, được sáp nhập vào thành phố Phủ Lý) là địa bàn quan trọng, được Quân khu 3 lựa chọn xây dựng 3 trận địa pháo phòng không (37 mm, 57 mm, 100 mm), trong đó trận địa pháo 37 mm là trận địa quan trọng nhất của dân quân phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ cầu Phủ Lý.
Những nữ dân quân anh hùng
Ngày 5/8/1965, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập gồm 02 trung đội (01 trung đội nam và 01 trung đội nữ). Trung đội nữ có 24 đồng chí, là những người con sinh ra và lớn lên ở quê hương Lam Hạ, tuổi còn rất trẻ (trong đó có hai chị em pháo thủ Nguyễn Thị Thu 17 tuổi và Nguyễn Thị Thi 15 tuổi).
Các nữ dân quân được huấn luyện kĩ các vị trí pháo thủ từ số 1 đến số 6, sẵn sàng phối hợp và thay thế các đồng chí bộ đội chính quy bị thương vong, đồng thời tham gia làm nhiệm vụ tiếp đạn, cứu thương, phục vụ chiến đấu.
Ngay sau khi thành lập, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đã tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ.
Một khẩu đội súng phòng không 14,5 mm của dân quân Lam Hạ (Ảnh tư liệu)
Từ trận đánh đầu tiên của máy bay Mỹ vào địa bàn Phủ Lý, ngày 25/9/1965 đến tháng 9/1967, không quân Mỹ đánh vào Thị xã 55 trận với 559 lần chiếc máy bay, ném 3.140 quả bom các loại, hòng san phẳng Thị xã.
Với tinh thần dũng cảm, kiên cường, sự phối kết hợp giữa quân và dân Thị xã đã bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo đảm giao thông thông suốt.
Nổi bật trong số những trận chiến đấu phối hợp đó có sự tham gia chiến đấu và hy sinh của Trung đội nữ dân quân phòng không Lam Hạ trong các trận đánh ngày 1/10/1966, ngày 9/10/1966 và ngày 7/7/1967.
6 giờ 15 phút sáng ngày 1/10/1966, 12 máy bay Mỹ lao xuống ném bom cầu Phủ Lý. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, những cán bộ, chiến sĩ dân quân nhanh chóng ra trận địa làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Chỉ trong giây lát, pháo phòng không của dân quân đã nổ giòn giã.
Nhận được tin trại chăn nuôi thôn Đình Tràng cách đó 800m bị oanh tạc, điện cao thế bị đứt, không chần chừ đợi lệnh, đơn vị Hòa Lạc đã điều ngay 01 tổ cứu thương và 02 cáng lao vào tuyến lửa, đồng thời xã đội cử ngay 01 tổ dân quân lên gác phía đầu nơi điện cao thế bị đứt bảo đảm an toàn cho xe và nhân dân qua lại.
Trên mâm pháo, các đồng chí dân quân, các nữ pháo thủ như các chị: Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Đinh Thị Tâm, Vũ Thị Thanh Phương, Phan Thị Tuyết cung các chiến sĩ tiếp tục dũng cảm “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, không để lỡ thời cơ tiêu diệt địch.
Trận đánh thứ nhất kết thúc chưa đầy 15 phút, 10 máy bay Mỹ lại tiếp tục lao đến, trút bom và đạn rốc-két xuống một số địa điểm trong xã và cạnh cầu Phủ Lý. Trên các trận địa, súng lại nổ giòn giã. Một máy bay bị trúng đạn bốc cháy và lao về hướng Tây Nam. Những chiếc còn lại vẫn ngoan cố nhào lộn bắn phá. Trong khói lửa mù mịt, các chiến sĩ dân quân vẫn băng băng tiếp đạn vào ụ pháo và tổ chức ngụy trang trận địa.
Lần thứ 3 trong ngày, 8 máy bay Mỹ lại lao vào bắn phá mục tiêu cầu Phủ Lý và trận địa Đình Tràng. Nữ dân quân Nguyễn Thị Tình, Vũ Thị Thanh Phương cùng đồng đội quyết tâm bám trận địa, chiến đấu với lũ giặc nhà trời Mỹ.
Ba trận chiến đấu ác liệt diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ, tiếng súng trên các trận địa đã ngừng, bộ đội và dân quân tranh thủ sửa sang công sự, lau chùi vũ khí và bổ sung đạn dược.
Đúng 10 giờ, kẻng báo động lại vang lên, từ bên kia sông vọng lại tiếng chỉ huy hô dõng dạc “Hướng 32”, rồi trên các trận địa dân quân cũng vang lên các khẩu hiệu đông, tây, nam, bắc…, súng của ta lại nổ phủ đầu mãnh liệt. 18 máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá và trút bom bừa bãi. Trận địa pháo bị oanh tạc, một số cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương, phải chuyển ngay ra ngoài để kịp thời cứu chữa.
Căm thù biến thành sức mạnh, tổ cứu tải thương của các thôn: Hòa Lạc, Đường Ấm được tăng cường làm nhiệm vụ chuyển thương binh, tử sĩ ra ngoài. Các đồng chí: Vũ Thị Ngoan, Trần Thị Bình, Chu Thị Vinh vừa lao ra thì bom đạn nổ bên cạnh, đất phủ kín người, các chị vùng dậy bò vào ụ pháo lấy khăn vuông buộc vết thương cho thương binh rồi cõng họ ra để cứu chữa.
Đồng chí Nguyễn Thị Thi, dù bị thương nặng khi khiêng qua trận địa, gặp anh ruột là xạ thủ trung liên, đồng chí nói với anh: “Em bị thương nhẹ thôi, anh đừng lo, cứ về vị trí chiến đấu để trả thù cho em”.
Đồng chí Phương là giáo viên được Ty giáo dục cho đi Tam Đảo nghỉ mát đã tình nguyện ở lại phục vụ chiến đấu, tuy bị thương nặng nhưng đồng chí vẫn không kêu la, để các đồng chí yên tâm tiếp tục chiến đấu.
Các đồng chí Mùi, Phách biết tin anh ruột mình đã hy sinh, vẫn giữ vững vị trí chiến đấu đến phút cuối cùng.
Trong trận đánh ngày 1/10/1966 có 6 nữ chiến sĩ: Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Thanh Phương, và 2 chị em ruột Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi đã hy sinh trên trận địa pháo 37 mm.
10 nữ dân quân Lam Hạ anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương
Ngày 9/10/1966, máy bay Mỹ tấn công bắn phá cầu, đường, ga xe lửa. Tại các trận địa phòng không của 2 thôn: Hòa Lạc, Đường Ấm (Tiên Hòa) bảo vệ cầu chìm, các chiến sĩ trận địa pháo 100 mm của Trung đoàn 250 đã sớm phát hiện máy bay địch. Các đơn vị súng máy cao xạ 14,5 mm, 12,7mm của dân quân xã Tiên Hòa tập trung hỏa lực chiến đấu dũng cảm, cản phá hiệu quả nhiều tốp máy bay địch tới đánh phá khiến hầu hết bom đạn địch đều ném trượt xuống lòng sông.
Địch thay đổi thủ đoạn vừa đánh phá mục tiêu, vừa chế áp hỏa lực phòng không của ta, trọng tâm là trận địa pháo của Trung đoàn pháo phòng không 250 ở thôn Đường Ấm. Các chiến sĩ bộ đội phòng không và dân quân chiến đấu ngoan cường bám trận địa không cho địch phá cầu. Nhưng nhiều tốp máy bay địch nối đuôi nhau bắn phá làm một số pháo thủ vốn là tự vệ của Nhà máy dệt Nam Định theo đơn vị lên chiến đấu bị thương. 5 chiến sĩ dân quân Đường Ấm (có 3 nữ chiến sĩ của Đại đội Dân quân Phòng không Lam Hạ: Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh ngã xuống tại trận địa pháo 100 mm), 20 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 233 Quân chủng phòng không không quân đã anh dũng hy sinh.
Bước sang năm 1967, thị xã Hà Nam tiếp tục là trọng điểm không quân Mỹ tập trung đánh phá hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Liên tiếp từ ngày 22 đến ngày 28/6/1967, địch đánh phá nhiều nơi trong tỉnh. Riêng thị xã Hà Nam có 34 lần chiếc đánh phá 3 trận vào 9 địa điểm, trong đó có 2 trận đánh lớn. Địch đã ném xuống 156 quả bom phá, 4 bom bi “mẹ”, khoảng 1.400 quả bom bi “con” hình cầu và 140 quả rốc-két.
Vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 7/7/1967, Mỹ cho nhiều máy bay đánh phá thị xã Hà Nam và các vùng xung quanh, Trung đội nữ dân quân phòng không Lam Hạ tiếp tục tham gia chiến đấu.
Trong trận đánh ngày 7/7/1967, Đặng Thị Chung là nữ dân quân Lam Hạ thứ 10 hy sinh. Các chị đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với quyết tâm bảo vệ vùng trời tổ quốc, giữ vững huyết mạnh giao thông, góp công bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái.
Trong 3 trận đánh tiêu biểu, với sự góp sức vô cùng quan trọng của các nữ pháo thủ, Đại đội pháo phòng không Lam Hạ đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, bắt sống 2 giặc lái, bảo vệ an toàn mục tiêu được giao.
Các chị đã chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng, anh dũng hy sinh, cùng đồng đội góp phần đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, viết lên bản anh hùng ca về tinh thần yêu nước và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Hà Nam!
Năm 2016, Trận địa pháo phòng không Lam Hạ được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Duy Hạnh - Thanh Hương