Livestream xúc phạm người khác là làm phiền, gây chia rẽ xã hội
Giờ đây, Internet và mạng xã hội trở thành công cụ giúp các cá nhân chưa bao giờ có nhiều quyền năng đến thế trong việc thể hiện bản thân mình trước xã hội. Nhưng cũng chưa bao giờ nảy sinh nhiều vấn đề về xã hội và pháp lý đến thế trong việc quản lý thông tin trên không gian mạng.
Điển hình là trường hợp hơn 1 năm qua, cộng đồng mạng dậy sóng bởi một nữ doanh nhân hoạt ngôn, giàu có thường xuyên livestream bình luận về các vấn đề xã hội. Những nội dung livestream đó phần nào đã cung cấp thông tin hữu ích cho cộng đồng đối với 1 số vụ việc. Nhưng bên cạnh đó là vô vàn những phát ngôn phản cảm, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.
Người phụ nữ này bị bắt dựa trên đơn tố cáo của 1 số nghệ sỹ, nhưng thực tế số người bị miệt thị, xúc phạm trong các livestream lớn hơn nhiều.
Nữ doanh nhân liên tục có những phát ngôn phản cảm, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác
Bình luận về cá nhân này trong chương trình Vấn đề hôm nay, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: "Người ta sẽ rất ngạc nhiên vì đây là một con người khá thành đạt về vật chất, về danh vọng. Người ta đã có hết mọi thứ nhưng phải chăng đối với họ vẫn là thiếu. Có thể những con người như vậy tìm một giá trị khác như sự nổi tiếng chẳng hạn và họ đã thành công. Nổi tiếng nhiều khi đi liền với tai tiếng. Người ta cứ thích biến mình thành một nhân vật xã hội. Rõ ràng có yếu tố mất kiểm soát ở đây".
Dư luận có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về hiện tượng này, thậm chí đã hình thành những cuộc khẩu chiến, đấu tố trên mạng, rồi các cuộc tấn công phá hoại cả vào cơ quan truyền thông nhà nước.
Về ảnh hưởng xã hội của hiện tượng này, luật sư Nguyễn Tiến Lập phân tích: "Thứ nhất, những nhóm người mà trực tiếp mà bà ấy đã tấn công là một sự tổn thương cá nhân. Nhưng đối với xã hội, quan điểm của tôi là xã hội bị làm phiền, bị mất thời gian và tâm trí, xã hội bị chia rẽ. Điều này rất nguy hiểm về về tác động xã hội, chia rẽ thành hai phe, đấu khẩu lẫn nhau, chia rẽ trong từng nhóm, trong từng gia đình và phạm vi lớn hơn là trong tương tác, không gian công cộng, trên mạng nữa. Thậm chí, nó còn chia rẽ về đánh giá cả về hệ thống, về đạo đức, xã hội... Rất nhiều người đã bị thay đổi bản thân mình mà mình không biết, trở nên vô cảm với nỗi đau của con người, không phân biệt được phải trái, đúng sai, lành mạnh, không lành mạnh nữa. Tóm lại tác động của xã hội khá tiêu cực".
Trên không gian mạng, lời nói gió không bay
Chừng hơn 10 năm trở lại đây, khi mạng xã hội phát triển bùng nổ tại Việt Nam, số người dùng ngày càng tăng vọt, hiện đã chiếm khoảng gần 74% dân số. Thực tế, nó đã trở thành một đời sống thứ 2 của hầu hết mọi người. Những phát ngôn phản cảm, bôi nhọ xúc phạm người khác giống như 1 thứ rác đã tồn tại từ rất lâu, chỉ là gần đây được nhận diện và lên án mạnh mẽ hơn.
Chửi thề khi bình luận trò chơi, chửi bới khi livestream bán hàng, thậm chí, người nổi tiếng như doanh nhân, ca sỹ, diễn viên… cũng cuốn theo vòng xoáy phát ngôn tục tĩu, gây thù ghét.
Phát ngôn tục tĩu, gây thù ghét xuất hiện nhiều trên mạng xã hội
Quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ, kể cả trên không gian mạng. Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biểt: "Quyền tự do ngôn luận bắt nguồn từ quyền cơ bản là quyền tự do của con người, tự do suy nghĩ, tự do hành động. Nhiều người đòi hỏi tự do đấy là thế nào? Pháp luật không đưa ra một quy định cụ thể, tuy nhiên có một nguyên lý chung. Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của cách mạng tư sản Pháp ra một định nghĩa về tự do của con người là: Anh có quyền làm bất cứ việc gì, đấy là tự do của anh, miễn không xâm phạm quyền tương tự của người khác. Mỗi người văn minh đều phải hiểu khái niệm tự do đó để mình tự xác định không gian, giới hạn của các hành vi của mình đến đâu. Khi tương tác trên môi trường mạng ở Việt Nam bây giờ đang rất khó phân biệt ranh giới đấy… Chúng ta còn phải bàn và phải học cách tương tác trên không gian như vậy".
"Lợi dụng quyền tự do dân chủ là một khái niệm rất chung nhưng có 2 tầng cụ thể ở đây. Đầu tiên là vi phạm bí mật về đời tư của người khác. Thứ hai là các hành vi bằng ngôn ngữ mang tính xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm" - Luật sư Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh.
Chúng ta đã có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được hơn nửa năm qua. Nhưng ranh giới giữa bày tỏ quan điểm với nói xấu, hạ bệ người khác đôi khi cũng rất mong manh, và chỉ những ai là nạn nhân mới thấm thía sức tàn phá của những lời nói sát thương trên không gian mạng.
Năm 2021 Bộ Thông tin tuyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính 210 đối tượng với tổng số tiền hơn 1.8 tỷ đồng vì hành vi phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Các biện pháp quản lý cũng ngày càng được siết chặt hơn.
Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên ở bất kỳ quốc gia nào, tự do ngôn luận cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, đạo đức xã hội. Bởi trên không gian mạng, lời nói gió không bay, hệ quả có thể còn lưu lại mãi mãi. Đúng như các cụ từng nói: "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".
Nguồn VTV