Mục đích của ông Zelensky nhằm thuyết phục chính quyền và quốc hội Mỹ hậu thuẫn giúp Ukraine chấm dứt cuộc chiến với Nga theo cách mà Kiev mong muốn.
Ngoài ra, ông Zelensky còn gặp Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, người đã cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine, và cả cựu Tổng thống Donald Trump, dù ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa này và đảng của ông vừa có nhiều lời đi tiếng lại khá gay gắt với chính Tổng thống Ukraine.
3 điểm chính
Theo báo The Times và truyền thông quốc tế, "kế hoạch chiến thắng" mà ông Zelensky mang đến Washington gồm 3 điểm chính mà Ukraine mong muốn nhận được từ Mỹ và đồng minh.
Đó là: (i) Tăng viện trợ quân sự (mà trọng tâm là những tên lửa tầm xa hiện đại có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga) để giúp Ukraine có thể đàm phán với Nga trong thế mạnh; (ii) Bảo đảm sẽ tiếp tục (cung cấp viện trợ kinh tế và tài chính) sát cánh cùng Ukraina trong giai đoạn tái thiết đất nước sau này; và (iii) Washington có tiếng nói để Ukraine có thể được mời gia nhập NATO trong vài tháng tới. Đồng thời với đó, Ukraine khẳng định sẽ tiếp tục tấn công vào vùng Kursk của Nga và mong muốn Mỹ và các đồng minh/đối tác của mình tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ và toàn diện để Nga không thể thành công.
Báo Kyiv Independent cho biết trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden cảm ơn ông Zelensky đã chia sẻ "kế hoạch chiến thắng" trong cuộc xung đột với Nga; tuyên bố "chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các bạn trong từng bước đi". Ông Biden cho rằng điều quan trọng là "củng cố vị thế của Ukraine trên chiến trường" bằng cách cung cấp tất cả khoản viện trợ đã được quốc hội Mỹ phê duyệt nằm trong gói viện trợ quốc phòng bổ sung mà ông đã ký thành luật vào đầu năm nay (tổng trị giá là 7,9 tỷ USD như công bố sau đó), và sẽ được chuyển đến Kiev trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào tháng 1/2025. Ngoài ra, ông Biden cũng nói với ông Zelensky về tầm quan trọng của việc hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, bao gồm cả tư cách thành viên EU và NATO.
Theo tiết lộ của báo Wall Street Journal ngày 26/9, chính quyền của Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao phương Tây đã bày tỏ lo ngại về "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Ukraine khi cho rằng kế hoạch này thiếu một chiến lược toàn diện, không có nhiều tình tiết mới và chủ yếu xoay quanh việc yêu cầu cung cấp thêm vũ khí. Không chỉ vậy, các quan chức Nhà trắng còn thấy "kế hoạch chiến thắng" không đưa ra được các bước đi rõ ràng, khả thi để ông Biden có thể hỗ trợ trong 4 tháng còn lại mà ông tại vị ở Nhà trắng.
Bên cạnh đó, nhiều quan chức Mỹ và châu Âu cũng thấy không được thuyết phục vì cho rằng kế hoạch này không đưa ra một con đường rõ ràng để Ukraine có thể giành chiến thắng, đặc biệt trong bối cảnh Nga vẫn đang tiến bước vững chắc trên chiến trường.
Nga hạ thấp giá trị kế hoạch của Ukraine
Về phía Nga, Moscow hẳn là rất quan tâm đến chuyến đi Mỹ lần này của ông Zelensky, nhất là phản ứng của chính quyền Biden đối với "kế hoạch chiến thắng". Tuy vậy, ngày 26/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã hạ thấp giá trị kế hoạch đó khi nói rằng Ukraine không đưa ra được kế hoạch thực tế nào nhằm giải quyết xung đột với Nga; và Moscow "không coi đấy là một mối đe dọa".
Dù Ukraine đã tập trung tuyên truyền, vận động rất tích cực và rộng khắp suốt thời gian qua cho nỗ lực ngoại giao này, nhất là ở Mỹ mà trọng tâm là chính quyền và các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ, nhưng kết quả thu được dường như là khá khiêm tốn và thấp nhiều so với kỳ vọng. Theo các nhà quan sát, điểm cốt lõi nhất của kế hoạch chính là việc đề nghị Mỹ và các đồng minh tăng cường cung cấp và nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế đối với các loại tên lửa tầm xa để Ukraine được sử dụng tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden nhiều tháng qua đã từ chối yêu cầu đó, bất chấp áp lực từ phía Anh và một số đồng minh châu Âu, đồng thời vẫn giữ chủ trương đó tại cuộc tiếp đón ông Zelensky ở Nhà trắng vừa rồi. Nguyên nhân chính khiến Washington có thái độ trên không chỉ là lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột trực tiếp với Nga mà còn vì kế hoạch của Kiev thiếu tính toàn diện, thiếu các chi tiết cụ thể về các yếu tố chính trị, kinh tế và quân sự cần thiết để đưa Ukraine đến chiến thắng.
Thực ra, như báo New York Times mới công bố, tình báo Mỹ đã kết luận rằng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga sẽ chỉ dẫn tới sự đáp trả mạnh mẽ của Moscow mà không làm thay đổi gì đáng kể cục diện xung đột. Còn như một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đúc kết ngắn gọn nhưng tương đối xác đáng, đó là: Nội dung chính của kế hoạch chỉ là những yêu cầu liên quan đến vũ khí, trong khi các yếu tố khác lại mơ hồ và không rõ ràng.
Vì vậy, kế hoạch chiến thắng có lẽ chỉ là tên gọi được Tổng thống Zelensky cường điệu hóa để tranh thủ Mỹ và đồng minh. Thực tế là cuộc chiến đã kéo dài gần 3 năm và ưu thế đang nghiêng về Moscow mà nổi bật là việc các lực lượng Nga đang tiến gần đến trung tâm hậu cần quan trọng Pokrovsk ở phía Đông Ukraine, cùng với các thành phố như Vuhledar và Toretsk. Ngoài ra, Nga cũng đã tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến có lúc một nửa lưới điện của nước này bị ảnh hưởng khiến nước này đứng trước nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng trong mùa Đông sắp tới.
Bên cạnh đó, Nga cũng đã tiến hành các cuộc phản công ngày càng mạnh hơn tại khu vực Kursk, nơi lực lượng Ukraine đã bất ngờ đột kích vào từ tháng 8 vừa rồi. Trong bối cảnh đó, Kiev cầm cự được đã là thành công, chứ ít ai nghĩ đến chiến thắng trước Nga vào lúc này như ông Zelensky, kể cả những người lạc quan nhất.
Trong khi đó, Mỹ và các nước Tây Âu ít nhiều đã cảm thấy mệt mỏi vì gánh nặng từ cuộc chiến của Ukraine với Nga, từ đó bắt đầu tính toán những cách thức và bước đi mới, kể cả đàm phán hòa bình trong đó mỗi bên phải sẵn sàng có những thỏa hiệp cần thiết như báo Pháp Le Figaro vừa qua đã đưa tin.
Còn tại nước Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống hiện đang đi vào giai đoạn nước rút, mà kết cục của nó có thể ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến Ukraine bởi 2 ứng viên tổng thống có cách nhìn hoàn toàn khác nhau về cách xử lý cuộc chiến này. Trong bối cảnh đó, đưa ra kế hoạch chiến thắng, Tổng thống Zelensky đã nuôi hy vọng muốn tận dụng thời điểm thuận lợi cuối cùng để tranh thủ Mỹ và đồng minh nhằm đảo ngược tình thế trên chiến trường ở trong nước mình.
Kết quả không như kỳ vọng
Mặc dù vậy, dường như ông Zelensky dù không về nước trắng tay, nhưng cũng có thể coi là khá thất vọng, nhất là so với những chuyến đi vượt Đại Tây dương trước đây khi lần nào cũng đều nhận được những cam kết chính trị mạnh mẽ cùng những khoản trợ giúp khổng lồ về quân sự, kinh tế và tài chính. Tuy kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Zelensky có thể chưa đạt được mục tiêu đề ra, đó vẫn là một bước đi quan trọng trong nỗ lực ngoại giao của Kiev, thể hiện quyết tâm của Ukraine trong việc nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế để duy trì khả năng đấu tranh cho các mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, sự hưởng ứng không được như mong muốn của Kiev về kế hoạch này cũng cho thấy những thách thức to lớn và toàn diện mà Ukraine đang phải đối mặt, không chỉ trên chiến trường mà còn trong việc thuyết phục các đồng minh về một chiến lược dài hạn và khả thi.
Trong tình hình như vậy, có lẽ Kiev sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng các bước đi tiếp theo, kể cả việc xem xét thấu đáo và cởi mở hơn với các đề nghị hòa bình của các nước, trước hết là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cũng như là của cả Thổ Nhĩ Kỳ trước đây. Việc tiếp tục đòi hỏi vũ khí tầm xa có thể sẽ không mang lại kết quả mong muốn, đặc biệt khi Mỹ và các đồng minh phương Tây có lo ngại thực sự về nguy cơ leo thang xung đột khiến có thể dẫn đến thế chiến thứ 3 trong đó, như phía Nga nhiều lần cảnh báo, là vũ khí hạt nhân có thể sẽ được sử dụng.
Đồng thời, Ukraine cũng cần chuẩn bị cho khả năng phải đối mặt với một mùa Đông đặc biệt khó khăn, cuộc xung đột có thể còn kéo dài và những thay đổi tiềm tàng ít thuận lợi hơn cho Kiev trong chính sách của các đồng minh, đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Tình hình hiện tại có vẻ không mấy thuận lợi cho Ukraine, nhưng thực tế là các cuộc xung đột trên thế giới vẫn có thể có những bước ngoặt bất ngờ và diễn biến trên chiến trường ở Ukraine gần 3 năm qua cũng cho thấy tình hình chiến sự có thể thay đổi nhanh chóng và khó có thể đánh giá hết nếu chỉ dựa trên một thời điểm cụ thể. Điều quan trọng là cả Ukraine và Nga đều cần phải có quyết tâm kết thúc chiến sớm nhất có thể và có những bước đi thực sự độc lập tự chủ vì chính lợi ích dân tộc của mình và phù hợp với thực tế đang thay đổi.
Việc tìm ra một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng này không chỉ quan trọng đối với Ukraine mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự ổn định của khu vực châu Âu và trên thế giới. Điều đó cũng đòi hỏi tiếp tục cần có những nỗ lực ngoại giao tích cực và xây dựng của cả cộng đồng quốc tế, sự kiên nhẫn trong việc xây dựng đồng thuận giữa các bên liên quan với mục tiêu duy nhất là sớm kết thúc chiến tranh và đem lại hòa bình cho tất cả những người dân đã và đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến đau thương này.
Nguồn: dantri.com.vn