Trả lời:
Nhằm hiện thực hóa tinh thần đổi mới nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo, cũng như đáp ứng yêu cầu mới đối với sự lãnh đạo của Đảng trong các tổ chức xã hội nói chung và trong các tổ chức tôn giáo nói riêng, ngày 28/9/2004, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 123-QĐ/TW Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên là người có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Sau đó, ngày 28/8/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 06-QĐ/TW Một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo (thay thế Quy định số 123). Hai văn bản này quy định nhiều nội dung của công tác kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo.
Theo đó, việc kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo phải coi trọng chất lượng, bảo đảm chặt chẽ về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục, quy định của Đảng; kết nạp đảng viên gắn với củng cố, xây dựng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng trên địa bàn, khu dân cư; xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của cốt cán tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động chức sắc và tín đồ tôn giáo; góp phần ổn định sinh hoạt tôn giáo và thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với đồng bào theo tôn giáo.
Bên cạnh các điều kiện chung như suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, quần chúng ưu tú theo tôn giáo muốn vào Đảng phải có thêm điều kiện là chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận (43 tổ chức tôn giáo tính đến tháng 12/2019).
Sau hơn 15 năm thực hiện Quy định số 123, công tác kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, đảng viên, quần chúng tín đồ các tôn giáo về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và tôn giáo; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo và việc đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Từ đó, bồi dưỡng, kết nạp quần chúng theo tôn giáo vào Đảng, góp phần tăng cường lực lượng cốt cán trong đồng bào có đạo và tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trên địa bàn dân cư tập trung đông đồng bào có đạo.
Nhìn chung, công tác phát triển đảng viên là người theo tôn giáo được cấp ủy và chính quyền các tỉnh, thành phố quan tâm. Theo báo cáo tổng kết của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, từ năm 2004 đến năm 2016, cả nước kết nạp được 57.733 quần chúng theo tôn giáo vào Đảng, trong đó Công giáo có 22.665 người, Phật giáo có 22.987 người, đạo Tin Lành có 1.880 người, đạo Cao Đài có 2.756 người, Phật giáo Hòa Hảo có 5.045 người, các tôn giáo khác có 2.400 người.
Một bộ phận người theo tôn giáo không những được kết nạp vào Đảng, mà còn được giao giữ những chức vụ khác nhau trong hệ thống chính trị các cấp. Hầu hết đảng viên là người theo tôn giáo thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên khi tham gia sinh hoạt tôn giáo; chấp hành nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có lối sống lành mạnh, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân vùng đồng bào có đạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; thường xuyên tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là đầu tàu gương mẫu trong công tác, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định chính trị - xã hội, là cầu nối giữa Đảng với đồng bào có đạo, phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác vận động quần chúng.
Lê Gia Hân