Tiền giấy ở Việt Nam ra đời và phát triển qua các thời kỳ lịch sử, chỉ tính từ cuối thế kỷ XIX đến nay, trong bối cảnh Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và biến một phần đất nước thành thuộc địa, cũng như trong những năm nhân dân ta phải kháng chiến đề bảo vệ nền độc lập dân tộc, tiền giấy xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế trong mỗi thời kỳ lịch sử
Giấy bạc Đông Dương (1858-1954)
Năm 1879, Quốc hội Pháp quyết định phát hành tiền cho khu vực Cochinchine. Cùng năm đó, xưởng tiền tệ Paris thuộc Cục tiền tệ Pháp tổ chức chế tạo các loại tiền đồng và tiền bạc cho vùng Cochinchine, thông qua chi nhánh ngân hàng ở Sài Gòn phát hành ở vùng Nam Kỳ.
Tờ tiền giấy đầu tiên được lưu thông ở Việt Nam là đồng Đông Dương mệnh giá 100 đồng bạc, được người Pháp phát hành và lưu thông trong thời gian từ năm 1885 đến năm 1954, trên đó có in hình 3 thiếu nữ với trang phục truyền thống của 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây được coi là tờ tiền giấy đầu tiên của Việt Nam.
(Giấy bạc Đông Dương)
Tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1975) hay còn gọi là giấy bạc tài chính Việt Nam, giấy bạc cụ Hồ
Ngày 02/9/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 31/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép in và phát hành giấy bạc Việt Nam (còn gọi là giấy bạc tài chính) để thay thế tiền giấy Đông Dương ngân hàng. Tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông để khẳng định chủ quyền của đất nước tự do; bắt đầu từ thời điểm này cho tới nay, chúng ta đã thay đổi tiền cả về hình thức, chất liệu đến mệnh giá.
Trước khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra đời, trên mỗi tờ tiền đều in chữ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh; mặt sau của tờ tiền thường in các hình ảnh khác về giai cấp Nông - Công - Binh; các con số ghi mệnh giá đều được viết theo số Ả- Rập hoặc bằng chữ Hán, Lào, Campuchia.
Ngày 31/01/1946, Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 18B/SL cho phép phát hành “đồng bạc Giấy Việt Nam” hay còn được gọi là “Giấy bạc Tài chính Việt Nam” đầu tiên ở miền Nam Trung Bộ (từ vĩ tuyến 16 trở vào) nhằm bảo đảm việc lưu hành Giấy bạc Tài chính mới và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các ty ngân khố tại các địa phương chưa chính thức lưu hành được thu nhận tiền cũ để đổi Giấy bạc Tài chính Việt Nam khi nhân dân có nhu cầu với hối xuất 1 đồng Đông Dương = 1 đồng Việt Nam, trên thực tế, việc đổi tiền này cũng ít xảy ra vì Giấy bạc Tài chính Việt Nam đã lan dần ra Bắc Trung Bộ và được dân chúng nhanh chóng đưa vào lưu thông.
Cuối năm 1946, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp càng căng thẳng, nên ngày 03/11/1946, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã biểu quyết cho lưu hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam trong địa bàn cả nước.
(Giấy bạc cụ Hồ)
Tiền giấy do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành năm 1951
Ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, với các nhiệm vụ: phát hành giấy bạc, quản lý kho bạc, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với thực dân Pháp.
Từ đó tiền giấy do Ngân hàng quốc gia Việt Nam phát hành chính thức được đưa vào sử dụng[1], Hình thức tiền ngân hàng khá giống với trước đó và chỉ thay đổi về các bức hình in ở mặt sau cùng màu sắc ở mỗi mệnh giá tiền.
(Tiền do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành)
Được phát hành bởi Binh chủng Tiền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần đầu vào năm 1963, ngày 22/9/1975, Đồng tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thay thế đồng tiền Việt Nam Cộng hòa theo tỷ giá 1 đồng Mặt trận Dân tộc Giải phóng bằng 500 đồng tiền Việt Nam Cộng hòa.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, tiền lưu hành ở miền Nam mất giá và được đổi tên thành tiền giải phóng, sau khi Nhà nước ổn định và thống nhất về tài chính, tiền Việt Nam tiếp tục thay đổi[2]. Đồng thời, trong những năm này, Nhà nước cũng phát hành thêm các loại tiền 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 1.0 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng. Tiền Giải phóng tiếp tục lưu thông đến tận ngày 02/5/1978.
(Tiền Giải phóng những năm 1975 - 1978)
Tiền giấy những năm 1985 (Giấy bạc ngân hàng nhà nước Việt Nam)
Năm 1985, trước diễn biễn phức tạp của nền kinh tế và tình hình khan hiếm nghiêm trọng tiền mặt trong thanh toán, Nhà nước chủ trương đổi tiền để phục vụ cuộc cách mạng về giá cả và lương.
Ngày 14/9/1985, ngân hàng nhà nước Việt Nam được phép phát hành các loại tiền mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thu đổi các loại tiền cũ theo tỷ lệ 10 đồng tiền cũ đổi 1 đồng tiền mới. Ngân hàng quốc gia Việt Nam đã phát hành các loại tiền mệnh giá 10, 20, 50 đồng[3].
(Tiền đồng Việt Nam)
Trước thời kỳ Việt Nam sử dụng tiền polymer là các tờ tiền giấy cotton có mệnh giá 10.000 và 20.000 được in năm 1990, tờ 50.000 được phát hành từ 15/10/1994 còn tờ 100.000 từ ngày 01/9/2000.
(Tiền mệnh giá 100 đồng những năm 1990)
Hiện nay, trên thế giới đã có 23 nước lưu hành đồng tiền in trên chất liệu polymer, trong đó có ba nước sử dụng toàn bộ tiền polymer trong hệ thống tiền tệ; một số nước dùng giấy polymer cho một số mệnh giá; 6 nước hiện đang thử nghiệm tiền polymer dưới hình thức tiền lưu niệm.
Tiền polymer tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành năm 2003, có giá trị lưu hành song song với các đồng tiền cũ, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu lưu thôn tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại.
(Tiền mệnh giá 500.000 đồng polime)
Có thể nói, đồng tiền Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những hình thức, mệnh giá và chất liệu phong phú, trở thành công cụ hữu hiệu trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta trong kháng chiến cũng như trong xây dựng đất nước. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, công tác tài chính, ngân hàng và tiền tệ ngày càng được Đảng và Nhà nước chú ý với việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và phát hành các loại tiền giấy, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa hay tại chiến trường miền Nam, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế kháng chiến, xây dựng và phát triển hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Cùng với sự phát triển của xã hội, tiền được thay đổi từ chất liệu giấy sang chất liệu polymer và cho đến nay, dù phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày cảng phổ biến trong xã hội thì tiền giấy hay tiền polymer vẫn giữ vai trò quan trọng của nó trong lưu thông và không phải lúc nào phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua App, qua thẻ cũng chiếm ưu thế.
Đinh Thanh
[1] . 1 đồng ngân hàng đổi được 10 đồng tài chính (đồng Cụ Hồ), và gồm nhiều mệnh giá: 1, 10, 20, 50, 100, 200, 500, 1000, 5000.
[2]. Ở miền Bắc, 1 đồng giải phóng đổi 1 đồng thống nhất, ở miền Nam 1 đồng giải phóng đổi 8 hào thống nhất
[3]. Ngày 13/9/1985, Quyết định số 01 HĐBT/TĐ của Hội đồng Bộ trưởng về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ.