Khẳng định đó càng được minh chứng sinh động, thuyết phục trong thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Cảm ơn Việt Nam!”
Đó là lời cảm ơn chân thành của những công dân nước ngoài, du khách quốc tế được chăm sóc y tế, bảo đảm sức khỏe và được đắm mình vào những giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả của con người Việt Nam giữa thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, phức tạp. Đó cũng là câu nói của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khi gặp đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tại hai tỉnh Hatay và Kahramanmaras. Hay ở một nơi xa xôi khác của địa cầu, người dân Nam Sudan cũng không ít lần bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bộ đội Việt Nam tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã trực tiếp cứu chữa, chăm sóc sức khỏe, giúp nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế để họ có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc...
Ảnh minh họa: Internet |
Và còn nhiều nữa lời cảm ơn Việt Nam được bạn bè thế giới tỏ bày bằng sự trân trọng, chân thành trước những nghĩa cử và hành động quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam và của từng công dân Việt Nam. Thật dễ dàng bắt gặp trên báo chí quốc tế và mạng xã hội những lời cảm ơn xúc động được đăng tải cùng những tấm ảnh ghi lại thắng cảnh và con người Việt Nam hôm nay đầy ấn tượng. Ở đó, bạn bè thế giới bày tỏ sự cảm phục trước một dân tộc yêu chuộng hòa bình, thân thiện, mến khách; cũng là một dân tộc ngày càng khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng sâu rộng trên chính trường quốc tế. Dấu ấn được ghi nhận đậm nét không chỉ thể hiện ở thái độ ứng xử, văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam mà ở cả sự thay đổi, bứt phá của nền kinh tế-xã hội đất nước; qua sự đóng góp của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế; qua chính những đánh giá, ghi nhận của nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Chưa bao giờ đất nước ta khẳng định được vị thế và có nhiều đóng góp quan trọng đối với các tổ chức quốc tế như thời gian qua. Trên bình diện đa phương, Việt Nam có nhiều đóng góp hiệu quả và đảm nhiệm thành công vai trò chủ chốt tại các tổ chức, diễn đàn, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN. Việt Nam chủ động đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo ở hầu hết tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC, Liên hợp quốc, nhóm các nước G7, G20... Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả nổi bật, góp phần củng cố, nâng cao tiềm lực đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao Việt Nam từng khẳng định: “Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”. Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng phái đoàn thường trực Anh tại Liên hợp quốc đánh giá: “Việt Nam trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, chẳng hạn vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường trong xung đột hay xử lý bom, mìn... Những đóng góp của Việt Nam có giá trị cao, giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Hơn thế, một điều dễ nhận thấy là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường được mời tham dự và có những bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng.
Điều đặc biệt là trong những năm gần đây, uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định và nâng lên tầm cao mới. Các đảng, các quốc gia trên thế giới đều tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam. Chỉ tính trong năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Trung Quốc, tiến hành 37 cuộc hội đàm, điện đàm, tiếp xúc quốc tế; đồng chí Thường trực Ban Bí thư thực hiện 24 hoạt động đối ngoại; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư có gần 20 chuyến thăm theo tính chất đối ngoại đảng... Cùng với đó, công tác đối ngoại đảng ở các địa phương cũng ngày càng đi vào thực chất, có bước phát triển mới; nổi bật là sự tham gia tích cực, chủ động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy; chủ động và tham gia tích cực những hoạt động đối ngoại của địa phương dưới nhiều hình thức. Việc triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác đã ký kết với các đảng bộ trực thuộc các đảng đối tác được triển khai hiệu quả, nhất là hợp tác quốc tế của cấp ủy các địa phương biên giới...
Một minh chứng sinh động cho uy tín, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế là khi Đảng ta tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII đã nhận hơn 360 thư, điện mừng của nhiều quốc gia, nguyên thủ quốc gia, chính đảng, tổ chức quốc tế... Hằng năm, nhân Ngày thành lập Đảng (3-2), các nước, các đảng, tổ chức quốc tế... đều gửi thư, điện chúc mừng. Trong đó, bạn bè quốc tế luôn đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới. Các đảng, các nước, không phân biệt hệ thống chính trị, khuynh hướng chính trị, nhận thức rất rõ vai trò và tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam; bày tỏ mong muốn được hợp tác và mở rộng quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một Việt Nam tự tin trên vũ đài thế giới
Nếu như trước đây, hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả ở một quán bình dân Hà Nội, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngồi uống cafe ở vỉa hè trở thành “thương hiệu” cho một Việt Nam hòa bình, thân thiện thì những năm gần đây, nhiều nhà lãnh đạo thế giới sang Việt Nam đều có những trải nghiệm riêng về đất nước, con người Việt Nam: Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã thưởng thức bia hơi và bánh mì ở khu phố cổ Hà Nội, hay hình ảnh Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngồi trò chuyện tại Hồ Gươm. Những hình ảnh đó toát lên niềm tin và tình cảm yêu mến của các chính khách, bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Hàn Quốc chọn Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên để đến thăm kể từ khi nhậm chức; mang theo phái đoàn kinh tế với 205 người của những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc. Rõ ràng, các nước đang ngày càng xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược hợp tác, cùng phát triển.
Dễ nhận thấy, sự phục hồi, ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam góp phần gia tăng đáng kể uy tín, vị thế của đất nước trong thu hút đầu tư quốc tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định: Việt Nam là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I-2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm 2023, Việt Nam vẫn có thể đạt tăng trưởng 6-6,5%. Những thành tựu giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của các tập đoàn kinh tế toàn cầu, thậm chí có những tập đoàn đặt triển vọng, tương lai phát triển 100 năm tới ở Việt Nam.
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thiết lập quan hệ song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia trên thế giới, bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc. Trong đó, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả thành viên ASEAN. Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Đây là điều kiện, tiền đề vững chắc để Việt Nam khẳng định và nâng tầm uy tín, vị thế đất nước trên tất cả các lĩnh vực, các mối quan hệ quốc tế.
Cùng với đó, việc toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân đồng lòng, kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã củng cố niềm tin của bạn bè, các nhà đầu tư quốc tế về một nền chính trị ổn định, trong sạch. Những nỗ lực cải cách hành chính, tinh giản biên chế, xây dựng chính phủ số... tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế thuận lợi cho hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Du khách, bạn bè quốc tế cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ về thành tựu đổi mới, về con người, đất nước Việt Nam thể hiện qua du lịch và lưu trú dài ngày ở nước ta-điểm hẹn hòa bình, an toàn, mến khách. Uy tín, vị thế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, như lời ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN: “Chúng ta đang chứng kiến một Việt Nam tự tin trên vũ đài thế giới, có những đóng góp quan trọng cho khu vực. Và Việt Nam chính là tấm gương phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực”.
Những năm sắp tới trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới; đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát; kinh tế- xã hội ở nhiều nước phục hồi với những mức độ khác nhau; sản xuất, trao đổi dịch vụ thế giới thể hiện những thích ứng mới trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và bất ổn trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, liên kết kinh tế gia tăng trong khu vực, giữa một số nước. Đồng thời, thế giới cũng trải qua nhiều biến động lớn, phức tạp. Cạnh tranh giữa các nước lớn, vấn đề xung đột Nga-Ukraine; giữa Nga và Liên minh châu Âu diễn ra rất gay gắt, tác động sâu sắc đến cục diện an ninh chính trị thế giới. Kinh tế thế giới đối mặt với những rủi ro lớn, kể cả nguy cơ suy thoái. Các vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống đặt ra nhiều thách thức chưa từng có cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều nước. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là động lực chính trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới, song cũng là một trong những trọng tâm của cạnh tranh nước lớn. Khu vực Đông Nam Á hiện nay đang được các nước trong và ngoài khu vực ngày càng coi trọng.
Trước tình hình đó, tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021); thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (tháng 12-2021) và phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đối ngoại Việt Nam cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ trường phái ngoại giao “cây tre”, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Đối ngoại Việt Nam cần được triển khai hiệu quả, đồng bộ, toàn diện, linh hoạt trên cả 3 trụ cột (đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân); nỗ lực thực hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; huy động mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Đảng và đất nước. Đặc biệt, hơn bao giờ hết, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế...
Nguồn QĐND