Khách du lịch đến Khánh Hòa giai đoạn 2013 - 2020 đạt 37 triệu lượt, tăng bình quân 4,2%/năm; trong đó, khách quốc tế đạt 13,5 triệu lượt, tăng bình quân 14,1%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 gấp 1,4 lần năm 2013; trong đó, hàng thủy sản chiếm 37,5% giá trị xuất khẩu, cao nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu, kế đến là tàu biển chiếm 31,1% giá trị xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, để phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã huy động nguồn vốn đầu tư đường cất, hạ cánh số 2 của cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, chuyển đổi công năng của cảng Nha Trang thành cảng hành khách và tổ hợp dịch vụ để phát triển dịch vụ du lịch, nâng cấp hạ tầng đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường và hạ tầng thiết yếu khác.
Thực hiện mục tiêu phát triển Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương theo kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng. Đến nay, hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển khá đồng bộ, tỷ lệ đô thị hóa đạt 60%. Tất cả các đô thị đã có quy hoạch chung được phê duyệt và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đang dần được phủ kín, trong đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch của thành phố Nha Trang đạt 97,3%, thành phố Cam Ranh đạt 64,24%, các đô thị khác trên 50%; quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành 100%.
Cảng Cam Ranh-Khánh Hòa
(Ảnh: internet)
Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tiến hành quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biển của tỉnh để làm cơ sở cho quá trình triển khai xây dựng chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng của tỉnh và bảo vệ chủ quyền biển đảo, tập trung vào các ngành có tiềm năng, thế mạnh như: dịch vụ du lịch biển, đảo chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, vận tải biển - hàng không; kinh tế đảo; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các khu công nghiệp gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; quản lý toàn diện kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển; tăng cường cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển.
Đặc biệt, Khánh Hòa đã phát huy, tận dụng lợi thế đặc thù vừa có biển, đồng bằng, miền núi, vừa thuận lợi về giao thông như các tuyến quốc lộ 1, 26, 27C, 27B kết nối Bắc - Nam và vùng Tây Nguyên; tuyến đường sắt Bắc - Nam; sân bay quốc tế Cam Ranh kết nối trong nước và thế giới. Hệ thống cảng biển Bắc Vân Phong, Nam Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Năm 2020, giá trị các ngành kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm trên địa bàn. Nhờ vậy, kinh tế của tỉnh tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và từng bước hội nhập quốc tế.
Du thuyền trên biển Nha Trang
(Ảnh: internet)
Mục tiêu tổng quát được Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định là tập trung huy động và phát huy các nguồn lực để khai thác tối đa, bền vững mọi tiềm năng và lợi thế vùng biển, đảo của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển nhằm quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình hành động của ngành du lịch tỉnh năm 2021, với mục tiêu đón trên 5 triệu lượt du khách, trong đó khách nội địa đạt 3,5 triệu lượt và cả năm đạt tổng doanh thu du lịch khoảng 17.500 tỷ đồng.
Điểm rất mới trong phát triển du lịch gắn với kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, đó là, du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới đang được tỉnh quan tâm. Trong đó, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Du lịch khẩn trương phối hợp với Sở Văn hóa - thông tin, 2 huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh khảo sát tiềm năng du lịch tại đây. Đặc biệt, đây là hai huyện miền núi với đất đai rộng lớn, nhiều đồi núi, suối và thác nước đẹp rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái. Nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với đa dạng các nét văn hóa đặc sắc, thuận lợi cho việc phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa. Theo đó, phát triển du lịch tại đây sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới./.
Tiến Hải