Nguyễn Trường Tộ là người có tư tưởng canh tân đất nước tiêu biểu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn suy yếu, ông đã gửi khoảng 58 bản điều trần canh tân đất nước nhưng không được chấp thuận. Tuy vậy, tư tưởng, khát vọng canh tân đất nước của ông để lại nhiều bài học quý giá cho hậu thế
Hình thành tư tưởng canh tân đất nước
Nguyễn Trường Tộ (1828 - 1871) sinh tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Ông là một người thông minh, lại nhận được nền giáo dục tiên tiến rất sớm nên ông được truyền tụng là Trạng Tộ. Ông thông thạo Hán văn, Pháp văn, tiếng Latin, thông hiểu nhiều lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, thiên văn, địa lý, cơ khí, quang học và hiểu biết uyên bác về lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao. Ông may mắn được đi đến nhiều nơi trong và ngoài nước, tiếp xúc với nhiều người, có tầm nhìn xa và chiều cao tri thức của ông từng được đánh giá ngang với những nhà cải cách lớn của nước Nhật. Ông đã đánh giá tình hình nước ta và thế giới một cách khách quan và khoa học, từ đó đề xuất một cuộc canh tân toàn diện để làm cho dân giàu, nước mạnh. So với các sỹ phu thời bấy giờ thì tư tưởng và kiến thức của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hơn hẳn một thế hệ.
Năm 27 tuổi, Nguyễn Trường Tộ được giám mục Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu - Cha Hậu) đưa vào Chủng viện Tân Ấp thuộc xứ đạo Xã Đoài để dạy chữ Hán cho giám mục và được giám mục dạy lại cho chữ Pháp cũng như tri thức khoa học châu Âu. Năm 1858, giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ sang Pháp học tập, nâng cao kiến thức nhiều mặt. Hơn hai năm ở Paris, chẳng những ông hiểu biết nhiều về khoa học, kỹ thuật, nhất là về kiến trúc, khai mỏ, mà còn đọc rộng về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật… và tìm hiểu một số thành tựu công nghệ của phương Tây nhất là Pháp. Chính những điều đó đã mang lại cho ông một vốn kiến thức rộng và sâu cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; tác động đến hoài bão, khát khao canh tân đất nước khi bước vào tuổi 30.
Năm 1861, ông về Sài Gòn khi Pháp đã chiếm Gia Định. Trong một thời gian ngắn, ông đóng vai trò phiên dịch giữa triều Nguyễn và Pháp, cốt để góp phần vào việc giảng hòa. Sau gần 3 năm phải làm việc với quân Pháp một cách bất đắc dĩ, năm 1863, Nguyễn Trường Tộ tìm cách thoát ra khỏi vùng quân Pháp, liên hệ được với Triều đình Huế.
Nguyễn Trường Tộ khởi thảo các bản điều trần (Ảnh tư liệu)
Khát vọng canh tân đất nước
Từ năm 1863 cho đến lúc qua đời vào năm 1871, ông viết và gửi lên Triều đình Huế hàng chục bản điều trần, luận văn, tờ bẩm, trình nhiều kiến nghị có tầm chiến lược nhằm canh tân đất nước mạnh giàu, chấn hưng dân trí, coi trọng khoa học, giáo dục, tạo thế vươn lên cho dân tộc để giữ nền độc lập, bảo vệ đất nước vừa bằng cả sức mạnh quân sự và chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo mà vững chắc. Những đề xuất canh tân của ông khá phù hợp, toàn diện và bao quát hầu hết các lĩnh vực:
Về mặt kinh tế, việc trước tiên ông quan tâm đến là làm cho dân giàu, nước mạnh, bởi theo ông đó là điều kiện cần thiết để cứu nước, giữ nước. Ông đề nghị với triều đình mua sắm thuyền máy, cử người sang phương Tây học cách điều khiển và sửa chữa. Ông đề nghị bắt tay vào khai thác mỏ và thiết lập các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng để phát triển công nghiệp. Ngoài ra, ông còn đề nghị Triều đình ra sức mở mang nghề nghiệp, mở mang buôn bán trong nước và giao thương với nước ngoài, tránh bế quan tỏa cảng, mời các công ty nước ngoài đến giúp khai thác tài lợi, để có thêm của cải và học cho được kỹ thuật cũng như cách làm ăn tiên tiến của họ; sửa đổi thuế khóa, đánh thuế nhà giàu nặng hơn nhà nghèo, đánh mạnh vào xa xỉ phẩm, làm sao cho nước giàu dân cũng giàu.
Về mặt văn hóa, xã hội và giáo dục, ông đề xuất cải cách phong tục, chủ trương coi trọng dân, sửa đổi chế độ thi cử, mở mang việc học hành, thay đổi nội dung giáo dục. Ông đề xuất việc tìm mọi cách nâng cao văn hóa đất nước theo hướng coi trọng khoa học, kỹ thuật, nhằm sớm nâng cao đời sống của nhân dân. Nguyễn Trường Tộ phê phán tình trạng Kinh đô Huế luộm thuộm, mất vệ sinh, công thự dột nát, lương bổng quan lại quá ít ỏi,… Ông nêu ra hàng loạt vấn đề quan trọng như: nên sáp nhập các tỉnh để giảm bớt số quan lại, có điều kiện tăng lương cho quan lại nhằm giảm tệ tham nhũng, khuyến khích tính liêm khiết. Theo ông, không nên cấm người dân dùng đồ đẹp, đồ sang khiến cho văn vật ngày càng kém, áo xiêm ngày càng tồi; đề nghị sửa đổi chế độ thi cử, chú trọng bồi dưỡng nhân tài, thành lập các môn học thực dụng, dùng Quốc văn thay cho chữ Hán trong công văn, lập địa đồ quốc gia và các tỉnh, kiểm kê dân số, lập trại tế bần, viện dục anh (nhà trẻ).
Về mặt ngoại giao, Nguyễn Trường Tộ phân tích cho Triều đình Huế thấy rõ cục diện chính trị trên toàn thế giới lúc bấy giờ, những mâu thuẫn về quyền lợi giữa Pháp với Anh và Tây Ban Nha, khuyên Triều đình nên có quan hệ ngoại giao trực tiếp với Chính phủ Pháp, khéo léo chọn thời cơ lấy lại 6 tỉnh Nam Kỳ, xác lập “tư thế làm chủ đón khách”.
Về mặt quân sự, Nguyễn Trường Tộ tuy có tư tưởng “chủ hòa” nhưng không “chủ hàng”. Ông khuyên Triều đình cải tu võ bị, trọng cả võ lẫn văn, ưu ái và chăm lo cho người lính, biên soạn binh pháp, đào tạo sĩ quan, mua sắm tàu thuyền, vũ khí, xây dựng phòng tuyến cả ở thành thị lẫn nông thôn, đề phòng quân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước...
Vua Tự Đức đã nhiều lần tiếp nhận các điều trần của Nguyễn Trường Tộ và tiến hành thực hiện một số việc như chuẩn bị mở trường kỹ thuật ở Huế, việc hòa đàm với Pháp. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan nên những việc làm này đều không thành, các bản điều trần cũng dần bị Triều đình Huế bỏ qua và đi vào quên lãng.
Với quê hương Nghệ An, Nguyễn Trường Tộ cũng đã bắt tay thực hiện một số công trình mang tính tầm cỡ. Tháng 5/1866, Tổng đốc Nghệ An là Hoàng Tá Viêm nhận lệnh ra đào Kênh Sắt ở Hưng Nguyên. Con kênh này được đào từ thời nhà Đường đô hộ, đến địa phận huyện Hưng Nguyên (địa giới Hưng Nguyên xưa, nay là dốc Tuần, Diễn An, Diễn Châu) thì gặp địa hình phức tạp, nhiều đá lớn cản dòng, đành bỏ dở. Thời nhà Hồ, Vua cũng lệnh đào tiếp nhưng không xong. Hoàng Tá Viêm đã viết thư cậy ông Tộ đi xem địa hình, thế đất, hướng dẫn cách đào. Bức thư có câu: “Tôi ngày đêm suy nghĩ rằng phải có bậc hiểu biết hơn người mới có thể giảm bớt tốn phí và thành công được”. Ông Tộ đi xem và nói rằng: “Có một khúc vì có nhiều đá lớn, như bên Tây có mìn thì phá đi, ta không có nên phải tránh. Ông cắm nêu một buổi sớm vừa xong, dân phu cứ thế mà đào thì kênh hoàn thành”[1]. Với kiến thức địa chất học được từ Pháp, Nguyễn Trường Tộ đã chỉ cách đào kênh Sắt. Sau khoảng 1 tháng thì đoạn kênh này được khơi thông, chấm dứt quãng thời gian nghìn năm nỗ lực đào kênh với bao nhiêu công sức của nhân dân.
Cùng thời gian này, Nguyễn Trường Tộ cũng đã thiết kế, xây dựng 4 ngôi nhà trong khu vực giáo đường Xã Đoài (1864 - 1866), đây được xem là một trong những công trình kiến trúc kiểu châu Âu đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ 170 năm trước thể hiện khát khao mãnh liệt của một bậc trí thức đầy tài năng, tâm huyết và đầy ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước. Những đề nghị canh tân đất nước của ông cho thấy: “Ông là người đầu tiên ở châu Á biết áp dụng một kiểu tư duy mới, hoàn toàn trái ngược với lối tư duy giáo điều chỉ để minh hoạ một chân lý có sẵn và xong xuôi… theo ông không có gì là bất biến ở tự nó cả, mọi tình trạng lạc hậu hiện nay của Việt Nam đều xuất phát từ một cách nhận định là con người có thể chuyển cái thực tế bất lợi thành một thực tế có lợi để giành độc lập và phồn vinh của đất nước. Ông là người đầu tiên khẳng định con đường vượt gộp để đổi mới đất nước”[2].
Một góc Thị trấn Hưng Nguyên hôm nay
Đột phá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên quê hương Hưng Nguyên
Hưng Nguyên là mảnh đất xứ Nghệ với nền kinh tế cơ bản và gần như chủ yếu là kinh tế nông nghiệp. Trước Cách mạng tháng Tám, "những khi vì nắng hạn hay bão lụt làm mất mùa... cháo thay cơm, và cộng vào đó là rau má, rau muống, rau khoai, v.v... Đến bữa ăn "cơm chia nhau, rau tháo khoán". Các loại rau, củ nuôi sống người, hái mãi cũng hết, vạc mãi cũng hết, họ phải tha phương tầm thực, như lên Hội Lâm, Ngũ Vó để mót lúa mót ngô, lên rừng để đào củ mài, củ sắn, đào rau má,..."[3].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp, tạo động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để chuyển đổi căn bản từ quan niệm “tam nông” truyền thống sang tư duy phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” thì đột phá phải bắt đầu từ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIX nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 30/8/2021, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định số 788/QĐ-UBDN phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2021-2025. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án, huyện Hưng Nguyên đã tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản, tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân.
Công tác quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao căn cứ các điều kiện cụ thể như quỹ đất, điều kiện thổ nhưỡng, thói quen sản xuất, văn hoá truyền thống… Từ đó, tập trung phát triển ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt tại vùng bãi (xã Xuân Lam, xã Hưng Lĩnh, xã Long Xá, xã Châu Nhân); trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tại vùng trang trại (xã Hưng Nghĩa, xã Hưng Tân, xã Hưng Đạo); trồng các loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao (xã Hưng Yên Nam, xã Hưng Yên Bắc).
Xác định rõ hướng đi kinh tế nông nghiệp hàng hóa an toàn, chất lượng và có giá trị kinh tế cao, trong tổng số 5.100 ha diện tích lúa, địa phương đã xây dựng cơ cấu giống lúa chất lượng cao hơn 60% diện tích, gắn với xây dựng thương hiệu gạo Hưng Nguyên. Địa phương cũng rất quan tâm đến việc xây dựng các vùng sản xuất các loại rau, quả theo hướng an toàn theo quy trình VietGap sử dụng công nghệ cao như hệ thống giếng tưới, hệ thống tưới tự động phun mưa, nhỏ giọt; xây dựng các khu nhà lưới, nhà màng kết hợp đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt để sản xuất rau, quả cao cấp đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận. Đặc biệt là mô hình nông nghiệp công nghệ cao Israel đầu tiên đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với các cây trồng chủ đạo dưa lưới, dâu tây, cà chua, dưa chuột…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, địa phương đã tập trung xây dựng các trang trại sản xuất theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tư động, kỹ thuật mới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo phòng dịch bệnh. Ngoài ra, địa phương cũng đã tiến hành xây dựng vùng thủy sản thâm canh, áp dụng công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản, để nuôi thả với mật độ lớn, tạo ra hiệu quả cao, đẩy mạnh nuôi các loại thủy sản đặc sản mang lại hiệu quả khá cao.
Hưng Nguyên tự hào là quê hương của nhà cải cách lớn Nguyễn Trường Tộ. Dù khát vọng canh tân đất nước của ông không thành nhưng những tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ đã thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của một danh sĩ xứ Nghệ. Tiếp nối khát vọng canh tân đất nước của ông, Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên quyết tâm xây dựng quê hương xứng tầm với tiềm năng, tạo những bước đột phá mạnh mẽ để sớm hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới, sớm trở thành đơn vị khá của tỉnh Nghệ An.
Trần Thúy
[1] Trương Bá Cần:Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, 1991, tr.14.
[2] Hoàng Thanh Đạm: Nguyễn Trường Tộ- Thời thế và tư duy cách tân, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.9.
[3] Ninh Viết Giao (Chủ biên), Thái Huy Bích: Địa chí văn hóa Hưng Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.