Chiến tranh đã lùi xa trên dải đất chữ S, giờ đây người ta chỉ còn có thể cảm nhận hơi thở của chiến tranh qua những thước phim tư liệu lịch sử, qua chia sẻ của những người lính đã từng sống, chiến đấu và qua cả những trang nhật ký thời chiến, nhất là những trang nhật ký viết cho chính bản thân những chủ nhân của nó bởi: “Nếu như người viết Nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn Nhật ký sẽ chân thật nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất – Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà thực sự họ có”.
Nhật ký Vũ Xuân. Ảnh: congluan
Trong số rất nhiều cuốn nhật ký được viết bởi những người lính nơi chiến trường còn lưu giữ đến hiện nay, chúng ta không thể không nói tới những cuốn nhật ký chiến tranh được viết bởi những chiến sỹ tuổi vừa mười chín đôi mươi – đại diện cho một thế hệ thanh niên nhiều mộng mơ, đầy hoài bão nhưng đã dành cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho đất nước. “Chuyện đời” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, “Nhật ký Vũ Xuân” của liệt sỹ Vũ Xuân là ba trong số rất nhiều cuốn nhật ký như vậy.
Qua những trang nhật ký chiến tranh của một thế hệ thanh niên “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tiêu biểu là Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Vũ Xuân, cả một thời kỳ đau thương nhưng bất khuất của dân tộc lại như ùa về trong tâm khảm mỗi người. Đó là thời kỳ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt sau tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, thực hiện lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì độc lâp, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào. Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn.”[1], miền Bắc đã tăng cường chi viện sức người sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt, trong đó có hàng nghìn nam nữ thanh niên đang ở độ tuổi đôi mươi, nhiều người trong số họ còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã hăng hái “xếp bút nghiên, lên đường chiến đấu”, liệt sỹ Vũ Xuân đã miêu tả thế hệ thanh niên can trường đó bằng những dòng chữ đầy khâm phục: “Những cậu thanh niên trẻ măng, má bụ sữa phinh phính như con gái bỗng nhiên sốt ly bì, sờ trán nóng ran. Có cậu sốt 40 độ vẫn lội suối, leo đèo…”[2] bởi một khát khao cháy bỏng, một niềm hạnh phúc lớn, đó là “được đánh Mỹ, được mang mồ hôi công sức và khi cần cả máu xương cống hiến cho nền độc lập tự do cho Tổ quốc, cho mảnh đất Việt Nam “thân thương, hiền lành, giản dị” này”. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã không lựa chọn cuộc sống an yên cho riêng bản thân mình như một số bạn bè đồng trang lứa, họ lựa chọn dấn thân vào con đường cách mạng, bởi “cách mạng đã rèn đúc nên những con người cao đẹp và gắn họ với một khối bền vững và gắn bó hơn với bất kì một vật gì trên đời này. Sống trong gia đình cách mạng có gì vinh dự hơn đâu”[3], thế nên, ngay cả trong những giờ phút nguy nan nhất của cuộc đời mình nơi chiến trường ác liệt, nơi “chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm”[4], những trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ lại càng đập mạnh mẽ, bền bỉ hơn bao giờ hết, “vẫn bền gan chiến đấu” với một tâm niệm hết sức rõ ràng: “Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc”[5]; vẫn ngày qua ngày bước qua muôn vàn thử thách, đau thương; quên đi hạnh phúc riêng của bản thân, những nỗi nhớ nhung và cả những hờn giận vốn không tránh khỏi trong cuộc sống, bởi một lẽ giản đơn“… bên cạnh Thùy có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ cho cách mạng, họ ngã xuống mà chưa hề được hưởng hạnh phúc. Sao Th. Lại nghĩ đến riêng ư?”[6] – bác sỹ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội xung phong chiến đấu nơi chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã đấu tranh với bản thân như thế để cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Với Nguyễn Văn Thạc – người thanh niên chưa đầy 19 tuổi đã quyết định dừng việc học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị cũng đã tranh đấu quyết liệt với bản thân mình như thế trong những phút yếu lòng chợt đến: “Thạc còn buồn không? Có buồn bã vì những năm tháng phải xa trường đại học, vì không được ra nước ngoài học tập – Vì các bạn Thạc, người đi đây, người đi đó, sống êm ả, sung túc với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc, sẽ chỉ là một con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn chân, một bàn tay…”[7] bởi lúc này con người với đất nước đã hòa làm một và rằng “Đất nước, có bao giờ như lúc này, lúc mà mỗi gia đình là một gia đình quân nhân – Lúc mà mỗi thanh niên đã trở thành một chiến sỹ”[8], vì vậy: “Thanh niên hãy lấy sự hy sinh phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình cảm cách mạng nguội lạnh vì những tính toán được mất cho cá nhân… Tuổi thanh niên là tuổi cống hiến. Thạc đừng vội nghĩ đến những đòi hỏi hưởng thụ. Hãy cao hơn những tính toán cá nhân.”[9].
Vậy đó, những thế hệ thanh niên của một thời khói lửa đạn bom đã sống, chiến đấu và anh dũng hy sinh theo cách nhẹ nhàng, bình tâm, rực lửa căm thù, cháy bỏng khát khao cống hiến như thế. Với họ: “Cuộc sống thật là ngắn ngủi nhưng một ngày qua phải là một ngày xứng đáng. Đừng để ai đó khi kể lại lịch sử đời mình có những tiếng chê bai.”[10], và với thế hệ đoàn viên thanh niên hôm nay và mai sau, xin mượn lời của liệt sỹ Vũ Xuân trong cuốn nhật ký cùng tên của anh: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước. Hãy giữ lấy mảnh đất vô giá này” như một lời nhắn gửi về tinh thần khát khao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước vì một Việt Nam ngày càng cường thịnh.
[1] Xem https://www.bqllang.gov.vn/danh-sach-khach-vieng.html?id=107:doc-lai-bai-tho-chuc-tet-nam-1969-cua-bac-ho-
[2] Theo: Nhật ký Vũ Xuân – những cuộc hành quân kỳ vĩ (tại https://nhandan.vn/dong-chay/nhat-ky-vu-xuan-nhung-cuoc-hanh-quan-ky-vi-432125/), truy cập ngày 21/12/2005
[3][4], Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nxb Hội Nhà văn, H.2006, Tr.55
[5] Sđd, Tr.152
[6] Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nxb Hội Nhà văn, H.2006, tr.93
[7] Mãi mãi tuổi hai mươi – Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Nxb Thanh niên, H.2005, tr.263
[8] Sđd, tr.173
[9] Sđd, tr.133-139
[10] Sđd, tr.182
Hà Sơn