6C là gì? Đó là loạt các kỹ năng giao tiếp, phục vụ cần có mà ngành Công thương đã định hướng xây dựng cho những tiểu thương ở chợ truyền thống (chào hỏi, cười tươi, chăm sóc, cảm ơn, chân thành, chuyên nghiệp). Và 6C, thực sự đã ngấm vào hệ thống chợ, giúp chợ “sống sót” trong một môi trường hiện đại, với những nhu cầu hiện đại của khách hàng: không chỉ là trao đổi hàng hóa mà còn nhu cầu về sự thoải mái, tin tưởng và cảm giác được phục vụ trong giao dịch…
Cần nhấn mạnh rằng, sự phát triển ào ạt của hệ thống thương mại và siêu thị hiện đại thời gian qua, đã đẩy hệ thống chợ vào một cuộc cạnh tranh có phần không cân sức. Một trong những điểm “chết” mà chợ sẽ lép vế hoàn toàn, không phải vì chất lượng hàng hóa, vì thói quen hay không gian mua bán, mà chính là sự tùy tiện trong phong cách phục vụ của người bán. Thường những gì lộn xộn, tùy tiện, ồn ào thái quá thì người ta cứ mặc định ví von: “như cái chợ”. Và vì ở chợ, có quá nhiều cái “như cái chợ” nên phần lớn người tiêu dùng hiện đại phải trốn chạy. Họ sẽ vào những gian hàng mát lạnh ở siêu thị, ở cửa hàng tự chọn để được tận hưởng sự thoải mái trong mua sắm. Ở đó, có những nhân viên tươi cười mời chào, nắn nót, đưa đón từng li, từng tí.
Nhưng nay, chợ đã kịp thay đổi! Cuối tuần rồi, tôi ghé vào quầy trái cây ở chợ mua xoài. Vừa thấy khách bước vào, chị bán hàng đã nhanh nhảu chào hỏi, sẵn sàng phục vụ. Chị chọn lựa xoài cho tôi, toàn những trái ngon, vừa mắt. Rồi chị cẩn thận gói ghém và cho vào túi. Vừa thoăn thoắt bán, chị tươi cười: về ăn không ngon, không ưng ý mai ghé gửi chị, chị sẽ bù lại. Thậm chí nếu bận, chị sẽ ghé nhà lấy lại. Dạo một vòng quanh chợ để mua thêm vài món khác, tôi cảm thấy rất dễ chịu với những người bán hàng trong chợ. Hàng hóa được bày bán khoa học, hàng nào ra hàng đó, rất đẹp mắt. Người bán thì niềm nở, tươi tỉnh phục vụ. Vậy là, nhiều điểm “như cái chợ” mà tôi đã nói ở trên đã được xóa bỏ.
Một tiểu thương chia sẻ, giờ đây muốn giữ chân khách, vui vẻ thôi chưa đủ mà còn phải chú trọng đến chất lượng và giá cả. Buôn bán bây giờ phải uy tín thì khách hàng mới tin tưởng. Sự thay đổi nhiều ở cung cách phục vụ đã giúp cho chợ vẫn tồn tại, vẫn trở thành kênh mua sắm quen thuộc của người dân, dù phải đối mặt với áp lực gay gắt từ siêu thị. Đó cũng là thành quả từ sự trợ giúp của cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Công thương, trong việc tổ chức phổ biến kỹ năng bán hàng thời hiện đại cho tiểu thương.
Ở một khía cạnh khác, cần thấy rằng, chợ không phải lép vế hoàn toàn trong cuộc đua phân phối hàng hóa. Dù gì nó cũng đã tồn tại ở mọi địa bàn dân cư, trở thành một không gian mua bán truyền thống, khó có thể thay thế được. Điều cần thiết chỉ là sự thay đổi của người bán hàng để thích ứng với thời cuộc.
Điều may mắn là bản thân tiểu thương các chợ đã cùng nhận thức được nhu cầu về sự thay đổi. Nên 6C mới ngấm đồng loạt, không có người này, người nọ. Ít có cảnh “con sâu làm rầu nồi canh”. Đây mới là điểm thành công đáng ghi nhận bởi chiến lược đưa 6C vào chợ. Vì thực tế, hướng dẫn cho nhân viên của một cửa hàng, một công ty là việc trong tầm tay, nhưng hướng dẫn và làm thay đổi cho “cả một cái chợ” mới là việc khó.
Theo lãnh đạo ngành Công thương, để duy trì công thức 6C, tránh: lạnh lùng, lười, làm lơ, liếc, luộm thuộm và lừa gạt khách hàng (6L), trong thời gian tới ngành Công thương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng và văn hóa kinh doanh cho bà con tiểu thương. Đây không đơn thuần là việc kinh doanh của tiểu thương mà còn thể hiện văn minh thương mại và phải được duy trì liên tục để chợ ngày càng đổi mới./.
Theo Bà Rịa Vũng Tàu online