Với thế mạnh là hiểu biết công nghệ, họ muốn khoác lên những giá trị xưa cũ một hình hài mới, giúp văn hóa dân gian thể hiện giá trị không thể thiếu trong dòng chảy đương đại.
Tiếp thêm sức sống cho văn hóa dân gian
Văn hóa dân gian là tập hợp các sản phẩm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của con người, những quy tắc được dân gian đặt ra và gìn giữ qua nhiều thế hệ, bao gồm nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian, phong tục, lễ hội... Khi chữ viết chưa phát triển, truyền miệng vẫn là phương pháp chủ đạo để lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống.
Ngày nay, số hóa là một giải pháp tốt nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian. Khi được số hóa, văn hóa dân gian sẽ được bảo tồn lâu dài và truyền bá dễ dàng hơn, giúp giới học thuật khai thác dữ liệu phục vụ nghiên cứu, hoặc tạo ra các sản phẩm văn hóa một cách thuận lợi.
Đáng lưu ý, gần đây có nhiều người trẻ quan tâm, sáng tạo giải pháp bảo tồn văn hóa dân gian bằng cách làm... rất “trẻ”. Nhận thấy nhiều hình thức sân khấu và diễn xướng dân gian không được quan tâm đúng mức, đứng trước nguy cơ bị mai một, một nhóm học sinh THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã lập dự án “Trường Ca Kịch Viện”, đối tượng được nhắm tới là học sinh, sinh viên.
Sản phẩm chính của dự án là website “Trường Ca Kịch Viện” - được tạo dựng với mục đích mang đến cho các bạn trẻ nguồn thông tin cơ bản, mang tính tập trung về nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam; tổ chức triển lãm online quy mô nhỏ với các bộ sưu tập gồm hình ảnh và video theo các chủ đề, giúp giới trẻ vừa học vừa thưởng thức các loại hình sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian đặc sắc của nước nhà; cung cấp thông tin về nghệ thuật biểu diễn truyền thống thông qua các bài viết và nghiên cứu bước đầu.
Không chỉ lưu giữ vốn quý dân gian trên các nền tảng số, Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Giám đốc sáng tạo dự án "Lên ngàn" còn muốn kể những câu chuyện thú vị dựa trên chất liệu văn hóa dân gian. Với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, Hoàng Anh đã giúp văn hóa dân gian “sống lại” dưới một hình hài mới, hấp dẫn hơn. Các tác phẩm như “Sơn Hậu - Beyond the Mountain” (2019 - 2020) lấy cảm hứng từ vở tuồng “Sơn Hậu”, “Cõi thinh không” (2021 - 2022); “Âm - Thanh - Sắc - Màu” (2021) - sự kết hợp giữa chèo và nhạc cổ điển, jazz, hip hop, graffiti; “Lênh đênh qua cửa Thần Phù” (2019)... đều được Hoàng Anh đưa lên các nền tảng số.
Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ: "Chúng tôi hoạt động theo mô hình hệ sinh thái, có các page và hội nhóm về văn hóa. Ở mỗi không gian văn hóa, chúng tôi lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp và cho ra mắt trên các nền tảng số khác nhau. Tính đến nay đã có hơn 2 triệu người theo dõi hoạt động của chúng tôi, đó là con số đáng mừng, cho thấy sức lan tỏa của văn hóa truyền thống”.
Cũng làm sống dậy văn hóa dân gian dựa trên nền tảng số, họa sĩ Trịnh Thu Trang (Đại học Kiến trúc) lại theo đuổi việc làm mới dòng tranh dân gian Hàng Trống thông qua mỹ thuật ứng dụng. Nhận thấy ngành Thiết kế đang thiếu nguyên liệu truyền thống mang bản sắc Việt Nam, Thu Trang đúc kết ý tưởng, hiểu biết của mình và đưa vào một cuốn sách, mục đích là tạo kho nguyên liệu, mẫu họa tiết ứng dụng dành cho mỹ thuật và thiết kế hiện đại. Và "Họa sắc Việt", bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam đã ra đời. Đến nay, các mẫu họa tiết được sáng tạo từ tranh dân gian Hàng Trống đã bắt đầu được ứng dụng rộng rãi, tạo ra xu hướng mới trong ngành Thiết kế Việt Nam...
Đối mặt với thách thức
Đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, song hiện nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian đang gặp nhiều khó khăn. Việt Nam là quốc gia có nhiều thành phần dân tộc nên phạm vi, đối tượng và vùng nghiên cứu văn hóa dân gian vô cùng rộng lớn, khiến công việc của các nhà nghiên cứu, sưu tầm vừa hấp dẫn vừa trở nên thách thức. Tiếp đó, với những nhóm nghiên cứu độc lập, việc tiếp cận nguồn tài liệu chuẩn gặp nhiều trở ngại. Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ: “Khi không tiếp cận được tài liệu chuẩn, chúng tôi phải tự mày mò, gặp phải tư liệu không có tính hệ thống”.
Đồng quan điểm, họa sĩ Trịnh Thu Trang cho biết: “Trong quá trình làm cuốn "Họa sắc Việt", nhóm của tôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận tư liệu, phải tự tìm mua sách về nghiên cứu trong khi các cuốn sách đó có giá khá cao, số bản in ít và hiếm khi tái bản. Khó khăn nữa, lớn hơn, là kinh phí eo hẹp. Nhóm của tôi phải vừa làm vừa nghĩ cách tìm nguồn xã hội hóa hoặc vay vốn từ cộng đồng”.
Đó là chưa kể những thách thức khách quan khi văn hóa dân gian đang biến đổi nhanh do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, bởi tốc độ đô thị hóa quá mạnh mẽ trong khi lực lượng nghiên cứu, sưu tầm tâm huyết và am hiểu văn hóa dân gian ngày càng ít đi.
Để không chỉ là những cộng đồng nhỏ lẻ
Việt Nam sở hữu kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ và vô cùng phong phú, tuy nhiên, để giá trị dân gian có sức sống lâu bền và lan tỏa mạnh mẽ, mỗi người dân, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý... cần chung tay tìm cách ứng xử phù hợp.
Với Nguyễn Quốc Hoàng Anh, điều mà anh mong muốn chính là một cơ chế đặc thù dành cho những người đã và đang có các hoạt động gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Theo Hoàng Anh, Việt Nam hiện đang thiếu một kho lưu trữ quốc gia về văn hóa truyền thống, các loại hình diễn xướng, âm nhạc dân gian các vùng miền... Đây là mô hình mà Pháp, Anh, Hy Lạp, Singapore... đã làm từ rất lâu.
Còn với Trịnh Thu Trang, giải pháp quan trọng là các dự án số hóa di sản cần được tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước; cần có cơ chế đủ sức khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian. Về những khó khăn trong việc tìm nguồn tài liệu, Trịnh Thu Trang mong muốn có một thư viện về văn hóa dân gian để người dân có thể tiếp cận miễn phí các nguồn tài liệu chuẩn.
Trước hành động tích cực nhằm lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian của giới trẻ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, khẳng định: “Giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Chính sự năng động, sáng tạo của họ đã tạo ra chất liệu mới, sức sống mới cho văn hóa dân gian”.
Có thể thấy, giới trẻ đã và đang giúp ích rất nhiều cho công tác giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Chính vì thế, điều cần làm lúc này là tìm cách để những điều tích cực đó không chỉ xuất hiện qua một vài phong trào, dự án hay tồn tại trong những cộng đồng nhỏ lẻ. Ngọn lửa nhiệt huyết ấy phải được duy trì, tiếp sức để trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ tiếp nối.
Về ý tưởng xây dựng kho lưu trữ dữ liệu quốc gia về di sản, TS Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: "Đây là một nhu cầu rất rõ và đã từng được đề cập tại rất nhiều hội thảo. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam hiện đã có Ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa, Cục Di sản cũng đã có kho dữ liệu và còn có cả một hệ thống được triển khai trên các tỉnh, thành. Ngoài ra còn có dự án của các nhóm độc lập như “Trường Ca Kịch Viện” với việc số hóa các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, nhóm Ethnicity Vietnam đang số hóa hoa văn các dân tộc. Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có một kho dữ liệu di sản số được tổng hợp qua nhiều dự án của trường, hay Hệ tri thức việt số hóa (Itrithuc) hiện đang xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức trong các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.
Tuy nhiên, đó là những nguồn dữ liệu rời rạc chứ chưa tập trung và chưa có đầu tư về nghiên cứu khoa học để tạo ra một nền tảng tốt khuyến khích đóng góp dữ liệu của nhiều bên liên quan".
Theo Hà Nội mới