Trong những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX, Việt Nam chạm đáy khủng hoảng kinh tế-xã hội. Lương thực, thực phẩm trở thành vấn đề cấp bách. Sau 8 năm mang lại nét tươi mới cho sản xuất nông nghiệp, Khoán 100 đã không còn tác dụng thúc đẩy sản xuất. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trong bối cảnh đó, Khoán 10 ra đời, thực sự mang lại làn gió mới cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam, góp phần đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế -xã hội 8 năm sau đó
Nghị quyết 10 - những nội dung cơ bản
Thực hiện chủ trương đổi mới về kinh tế của Đại hội VI, trên cơ sở tổng kết thực tiến, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết nêu rõ quan điểm cơ bản của Đảng về quản lý nông nghiệp: Coi hợp tác xã như đơn vị kinh tế tự quản, hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, nhận khoán với hợp tác xã. Bộ Chính trị nêu rõ: Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp nhằm khắc phục các nhược điểm, sai lầm trong các chính sách lớn đối với nông nghiệp và phải đạt các yêu cầu: Thực sự giải phóng sức sản xuất; gắn sắp xếp, tổ chức lại sản xuất với cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế; Giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích, nhất là đảm bảo lợi ích chính đáng của người sản xuất, trước hết là đối với người trồng lúa; Mở rộng dân chủ, đề cao pháp chế, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa; Đổi mới về tổ chức và cán bộ phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý mới.
Tính ưu việt của Nghị quyết 10 là khẳng định hộ gia đình nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, được sản xuất, kinh doanh trên ruộng đất khoán trong thời gian dài, lợi ích của người lao động được quan tâm đúng mức. Điều đó đã giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, khai thác tiềm năng lao động, đất đai, đưa nền nông nghiệp từ tự cung, tự cấp ở nhiều vùng sang sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm cho đời sống nhân dân.
Đến Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI), tháng 3-1989, cơ chế Khoán 10 tiếp tục được hoàn thiện. Với chủ trương thanh toán và khoán gọn đến hộ gia đình nông dân, Hội nghị đã làm rõ thêm tư tưởng đổi mới, thể hiện ở ba quan điểm lớn: 1- Mọi tổ chức sản xuất, kinh doanh do người lao động tự góp vốn, góp sức và được quản lý theo nguyên tắc dân chủ, không phân biệt quy mô, trình độ kỹ thuật, mức độ tập thể hóa là hợp tác xã; 2- Hợp tác xã và tập đoàn sản xuất là đơn vị kinh tế hợp tác với nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất; 3- Gia đình xã viên trở thành những đơn vị kinh tế tự chủ, ngoài việc nhận khoán sử dụng ruộng đất, thực hiện các hình thức hợp đồng với hợp tác xã, còn chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh dưới nhiều hình thức, khuyến khích xã viên làm giàu; đồng thời có chính sách, niện pháp cụ thể để giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên làm giàu.
Ba quyết định làm nên thành công của Khoán 10, đó là: Giao quyền sử dụng đất cho nông dân; tự do hóa thương mại, tạo điều kiện cho người nông dân kinh doanh tự do trên thị trường; chuyển hợp tác xã, cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức quản lý sản xuất sang làm dịch vụ cho nông dân.
So với chỉ thị 100, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã có một bước đột phá trong tư duy quản lý kinh tế khi lần đầu tiên thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ khi người nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài.
Người nông dân phấn khởi sản xuất khi có Khoán 10 (Ảnh tư liệu)
Đây là đổi mới có tính bước ngoặt trong nhận thức về cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp của Đảng, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn và nguyện vọng của người nông dân, trong đó, kinh tế hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chuyển sang làm chủ các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất, nhờ đó, mở ra thời kỳ phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn nước ta.
Khoán 10 cũng là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân được cụ thể hóa tại Luật Đất đai năm 1993. Từ năm 1993, ruộng đất được giao ổn định, lâu dài cho nông dân trong 20 năm, càng làm cho người nông dân phấn khởi, yên tâm sản xuất và tạo cơ sở cho những thành tựu nông nghiệp Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
Làn gió mới cho sản xuất nông nghiệp
Thực hiện khoán 10 cùng với sự đổi mới toàn bộ cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, đổi mới hoạt động kinh tế - xã hội ở nông thôn, chức năng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại. Hộ nông dân thực sự được làm chủ tư liệu sản xuất và quá trình sản xuất. Với những ưu việt, Nghị quyết 10 đã khơi dậy tiềm năng to lớn trong từng hộ gia đình nông dân. Từ chỗ không thiết tha đến ruộng đất, nông dân đã có ý thức chăm sóc, sử dụng đất đai hiệu quả hơn. Nhiều địa phương, các hộ nông dân còn bỏ công sức để khai phá các vùng đất hoang hóa, đưa vào sản xuất. Chỉ trong vòng 3 năm (1988-1990), tổng diện tích canh tác đã tăng 3,9%, khai hoang được 25,7 vạn ha, trồng rừng mới 32,6 vạn ha, diện tích mặt nước được sử dụng nuôi trồng thủy sản tăng 27,5%. Các hộ nông dân còn chủ động mua sắm thêm công cụ, máy móc để phát triển sản xuất. Đến năm 1990, số máy kéo của các hộ gia đình chiếm 35,9% số máy kéo lớn và gần 100% số máy kéo nhỏ. Đàn trâu, bò cả nước đã tăng từ 3 triệu con năm 1987 lên 3,2 triệu con năm 1990[1].
Về cơ cấu ngành nghề có sự thay đổi theo hướng tích cực, gồm: hộ thuần nông, hộ kiêm ngành nghề, hộ chuyên ngành nghề, hộ chuyên buôn bán. Một số hộ nông dân bước đầu vượt ra khỏi quỹ đạo của nền kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc đi vào sản xuất hàng hóa nông sản với mức độ và phương thức khác nhau. Số lượng các hộ nông dân sản xuất hàng hóa ngày càng phát triển. Một số đã trở thành hộ sản xuất tư nhân các chủ trang trại có vốn lớn, có đầu óc sản xuất kinh doanh, một số đã mở rộng qui mô sản xuất và thuê thêm người làm, huy động thêm cổ phần. Đến nay, khắp các vùng miền, kinh tế trang trại của các hộ sản xuất tư nhân phát triển mạnh mẽ, tạo những thay đổi lớn đối với nông nghiệp, nông thôn, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực, hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhằm khai thác tiềm năng của cả nước, của mỗi vùng, mỗi thành phần kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dần theo hướng nâng cao về chất lượng của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Hinh thành các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung với quy mô lớn, đạt năng suất và hiệu quả cao[2].
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong nông nghiệp nông thôn từng bước được mở rộng, nâng cấp và phát triển. Đời sống nông dân và các tầng lớp khác ở nông thôn được cải thiện và không ngừng được nâng cao. Hầu hết các vùng nông thôn, nhà cửa của nhân dân được xây dựng mới khang trang, đường làng, ngõ xóm được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Phần lớn các gia đình ở nông thôn đều có đầy đủ các phương tiện nghe nhìn, đi lại. Do đó, nông dân ở các vùng nông thôn có điều kiện tiếp cận với nền văn minh công nghiệp, nâng cao dân trí.
Khoán 10 đã giải phóng lực lượng sản xuất nông nghiệp, tạo cú hích mạnh cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam phát triển. Bên cạnh thành tựu về thủy lợi, cải tạo giống, thâm canh, tăng năng suất ở đồng bằng Bắc Bộ và mở rộng đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp Việt Nam bước sang trang mới.
Sản lượng lúa tăng nhanh, từ 21,5 triệu tấn năm 1989 tăng lên 32,51 triệu tấn năm 2000. Trong những năm 200- 2002, sản lượng lúa Việt Nam đạt trung bình 32,9 triệu tấn và tiếp tục tăng lên trong những năm sau đó. Năm 2012, Việt Nam sản xuất được 43,7 triệu tấn lúa.
Từ năm 1989 đến nay, Việt Nam luôn ở trong top những nước xuất khẩu gạo của thế giới
Từ chỗ thiếu ăn triền miên, năm 1988 vẫn còn phải nhập khẩu trên 450.000 tấn gạo, nhưng từ năm 1989, Việt Nam không những bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước mà còn dự trữ và xuất khẩu. Năm 1989, Việt Nam xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo, đứng hàng thứ hai trên thế giới. Năm 2006, sản lượng gạo xuất khẩu tăng lên 4,64 triệu tấn và đến năm 2012, xuất khẩu gạo đạt 7,7 triệu tấn, Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Như vậy, với Nghị quyết 10, kinh tế hộ nông dân được xác lập, có điều kiện phát triển mạnh mẽ, tạo bước đột phá trong nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam. Những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp và những chuyển biến mạnh mẽ của nông thôn Việt Nam sau Nghị quyết 10 và hiện nay là minh chứng cho đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng, trong đó Nghị quyết 10 là một bước đột phá quan trọng trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX.
Hà Xuân
[1] Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr.145
[2] Hình thành nhiều vùng chuyên canh nông, lâm sản, nuôi trồng thủy hải sản như: hồi Lạng Sơn, quế Yên Bái, cà phê Tây Nguyên, chè Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Nhãn Hưng Yên,; nuôi tôm, cá, cua ở các tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam.