Tình yêu và lòng tự hào dân tộc luôn thấm đẫm trong huyết quản của mỗi con người Việt Nam.
Còn nhớ, cách đây tròn 30 năm, Cha vẫn thường đọc cho tôi nghe về “Sáng tháng Năm”, về “Ba mươi năm đời ta có Đảng”… Hẳn nhiên là lúc ấy, trong tâm hồn còn non nớt của một đứa trẻ, những hiểu biết của tôi về Đảng, về Bác Hồ, về cội nguồn “Con Lạc, cháu Hồng” còn rất đơn sơ và ít ỏi. Tuy nhiên, đó lại là những “mạch ngầm”, những “suối nguồn” đầu tiên chảy mãi trong tôi cho đến tận hôm nay. Tôi gọi tên đó là “Lòng yêu nước”. Để rồi theo tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, qua những bài học, qua những câu chuyện kể, tôi lại được hiểu thêm về Tổ quốc mình, nơi “Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”, nơi “Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc, Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng”[1]. Tôi thêm phần xúc động, tự hào về những “Hào khí Đông A”, những “Hội nghị Diên Hồng” và lời thề “Sát Thát”; những áng “thiên cổ hùng văn” của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, hay Tuyên Ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh… tất cả những điều được lĩnh hội đó, đã làm cho tình yêu và lòng tự hào dân tộc trong tôi lớn dần lên như một lẽ tự nhiên, đến thấm đẫm trong từng huyết quản.
Thế mới biết, giáo dục từ trong chính gia đình có vai trò quan trọng như thế nào để sớm trao truyền, dung dưỡng, đắp bồi cho chúng ta về lòng yêu nước.
Và thế mới hay, giáo dục từ nhà trường, từ môi trường xã hội, từ cộng đồng sống xung quanh có thể xã hội hóa, định hình lối sống, hành vi, trách nhiệm của chúng ta với quốc gia - dân tộc như thế nào!
Dĩ nhiên, giáo dục có sức mạnh rất lớn lao. Nhưng đó phải là sự kiến tạo từ một nền giáo dục có chất lượng: “Giáo dục có khả năng xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy môi trường lành mạnh hơn, tạo ra một văn hóa đổi mới và xây dựng các xã hội gắn kết, hòa bình. Tuy nhiên, chỉ riêng giáo dục không thể tạo ra những cá nhân có trách nhiệm, lành mạnh và xã hội thịnh vượng hơn. Để đạt được những kết quả đó, các quốc gia phải có nền giáo dục chất lượng, cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng phù hợp, đầy đủ, cho phép họ đối mặt với những thách thức của thế giới xung quanh”[2].
Và đến mùa thu nay, “Mùa thu nay khác rồi”[3]. Mùa thu nay, chúng ta đang chứng kiến đất nước chưa bao giờ có được “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Cơ đồ, vị thế, tiềm lực, uy tín đó không phải ngẫu nhiên mà ta có được. Đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Và sự nỗ lực bền bỉ đó chúng ta vẫn sẽ còn tiếp tục, điều quan trọng là làm sao chúng ta đánh thức được khát vọng trong mỗi người dân Việt Nam ta: khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” khơi dậy lòng yêu nước vốn có của thanh niên.
Khát vọng này đã được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cố nhiên, khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc không thể tự nhiên mà có được, mà nó được xây đắp từ nhiều yếu tố, mà bắt đầu từ điều căn bản nhất: Lòng yêu nước.
Thật vậy, có lòng yêu nước, chúng ta mới có những khát vọng lớn lao. Lòng yêu nước không trừu tượng chung chung mà có nội dung rất cụ thể: Lòng yêu nước đó hiện nay chính là lòng yêu Đảng, yêu nhân nhân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu Tổ quốc, yêu tiếng nói chữ viết, yêu thuần phong, mỹ tục cùng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lòng yêu nước đó còn là tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm, là sự nỗ lực hoàn thiện bản thân, sống có lý tưởng, có khát vọng cống hiến dựng xây thành công chủ nghĩa xã hội; là phản bác, chống lại những luận điệu sai trái, phản động, những hành vi làm phương hại đến lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia. Đó còn là sự nghiêm túc chấp hành những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Nói rộng ra, giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc hiện nay không thể tách rời việc giáo dục tư tưởng chính trị, yêu dân tộc với yêu Đảng, yêu Bác Hồ và yêu chủ nghĩa xã hội. Từ việc phát huy lòng yêu nước, kết hợp với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về văn hóa, giáo dục, về con người và về trọng dụng nhân tài… thì khát vọng xây dựng đất nước mới có điều kiện hiện thực hóa. Nhờ đó, những công dân yêu nước sẽ có cơ hội chung sức chung lòng, kiến tạo, đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới của dân tộc.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục lòng yêu nước, ngày 11/11/2021, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bác Hồ cũng từng căn dặn việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[4]. Đó cũng là tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc... khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[5]. Theo đó, hiện nay bên cạnh việc xây dựng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, chúng ta còn phải tập trung xây dựng về văn hóa, con người Việt Nam, để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”.
Hiện nay, còn nhiều khó khăn thử thách về phát triển kinh tế - xã hội, về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống mà đất nước ta đang phải đối mặt: Đó là nguy cơ bẫy thu nhập trung bình, sự tụt hậu xa hơn về kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực thấp, sự già hóa dân số, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, sự chống phá của các thế lực thù địch, sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên… Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ khát vọng dựng xây đất nước, phát huy sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm của văn hóa truyền thống và con người Việt Nam. Và để khơi dậy khát vọng đó, trước hết phải bắt đầu từ giáo dục - giáo dục về lòng yêu nước.
Nhâm Hồ