Đến nay, công nhân nước ta đã có hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Công nhân, lao động nước ta có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp ngày càng cao. Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,2%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao như: dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học... Đây là lực lượng quan trọng, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có vai trò huy động sức mạnh tổng hợp từ các giai tầng trong xã hội để đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới chính là đạt được hai mục tiêu chiến lược 100 năm: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao[1].
Ý thức giác ngộ chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam – Một trong những yếu tố sống còn của chế độ
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó, việc nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, rèn luyện bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân là một nhiệm vụ hệ trọng. Nhất là trong bối cảnh nhận thức về chính trị, xã hội của người công nhân nước ta đang bị chi phối rất lớn từ mạng xã hội. Hàng ngày, ngoài giờ lao động, người công nhân tiếp nhận với vô vàn những tin tức chính trị, xã hội trên không gian mạng, trong đó có rất nhiều tin giả, tin sai sự thật, thông tin xấu độc, sai trái, thù địch.
Không thể bỏ ngỏ mặt trận tư tưởng quan trọng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án “Công đoàn Việt Nam tuyên truyền, vận động công nhân trên mạng xã hội”. Ở nhiều địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn đã có nhiều nỗ lực để nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, rèn luyện bản lĩnh chính trị của công nhân, lao động, nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân. Ở Lào Cai, từ năm 2019 đến nay đã kết nạp 304 quần chúng ưu tú là công nhân các doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, trong đó có 07 chủ doanh nghiệp tư nhân; hiện có 49 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở trong đơn vị kinh tế tư nhân với 1.442 đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân[2]. Những đảng viên này chính là nòng cốt, là những “thỏi nam châm” lôi cuốn những công nhân khác trong việc giác ngộ chính trị. Lực lượng này trong thời gian qua đã nêu cao tinh thần trách nhiệm; ý thức dân tộc, giai cấp; không ngừng đổi mới, sáng tạo để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, số đảng viên là công nhân được kết nạp chỉ “chiếm 8% tổng số đảng viên mới” được kết nạp hàng năm. Số chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên còn ít, nhiều người không mặn mà với việc phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đồng thời, vẫn còn tình trạng công nhân, lao động thờ ơ, ít quan tâm đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Một bộ phận nhận thức hạn chế về Đảng, chế độ, về giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, “tâm lý tiểu nông” vẫn đeo bám nhiều công nhân làm cho một bộ phận hạn chế về tác phong, kỷ luật lao động, ảnh hưởng đến ý thức giai cấp và bản lĩnh chính trị. Vẫn còn hiện tượng công nhân không tuân thủ nghiêm quy định về giờ giấc, an toàn lao động, xin nghỉ làm tùy tiện…
Xây dựng “lá chắn mềm” để công nhân không phải “tự bơi” trong dòng chảy thông tin chính trị, xã hội hiện nay
Trước hết, cần có những nghiên cứu, đúc kết mới về mặt lý luận để đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp trong tình hình mới đối với giai cấp công nhân. Công nhân Việt Nam đang trong quá trình biến đổi và thích ứng với xu hướng hội nhập quốc tế. Việc xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân cần linh hoạt, phù hợp thực tế xã hội. Đảng và Nhà nước cần rà soát các cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách tiền lương, nhà ở xã hội, bảo hiểm xã hội; an toàn lao động và vệ sinh thực phẩm… đồng thời thường xuyên tổ chức Hội nghị đối thoại, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cách chính sách đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của công nhân.
Hai là, chủ động phát huy vai trò của cấp uỷ, công đoàn và các tổ chức chính trị xã hội trong việc nâng cao ý thức giác ngộ chính trị. Để tránh việc công nhân bị chi phối bởi các thông tin chính trị xã hội không chính thống, cấp uỷ Đảng ở các địa phương, Liên đoàn Lao động và các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phù hợp với thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân để nâng cao ý thức giai cấp, hình thành, củng cố nhãn quan chính trị, bản lĩnh chính trị cho giai cấp công nhân.
Ba là, cần những “bộ lọc” thông tin và chú trọng sử dụng mạng xã để kịp thời định hướng cho công nhân. Ở nước ta hiện nay, đời sống của người công nhân cũng đã có nhiều sự thay đổi, việc tiếp cận những thông tin đa chiều từ các nền tảng xã hội như facebook, zalo, Tiktok, Viber, Twitter… diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tự do ngôn luận, tự do thông tin, sử dụng môi trường mạng để làm sai lệch nhiều thông tin chính trị, xã hội của đất nước. Với chiêu bài mưa dầm thấm lâu, nhiều sự việc ngẫu nhiên lại vô tình trở thành tất nhiên khiến người công nhân dễ dàng chấp nhận như đó là sự thật, như đó là đương nhiên nếu họ không có bản lĩnh tự thoát khỏi những huyễn hoặc đó. Bởi vậy cần có sự định hướng thông tin để người công nhân tiếp nhận và tiếp cận.
Bốn là, bản thân người công nhân cần chủ động, tích cực “tự bồi dưỡng” để có nhãn quan chính trị tích cực nhằm xây dựng “lá chắn mềm” trước âm mưu của các thế lực thù địch. Họ cần hình thành những “kháng thể” trước sự chống phá từ các thế lực thù địch bên ngoài, từ vô vàn những thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, có đủ bản lĩnh trước các cám dỗ của cuộc sống.
Không ai có thể làm thay người công nhân việc nhận thức đúng các vấn đề chính trị, xã hội. Họ vẫn phải “bơi” trong dòng chảy thông tin chính trị của xã hội đương đại nhưng họ cần được định hướng, cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng để “bơi” đúng cách bằng ý thức giai cấp, bằng bản lĩnh chính trị. Để làm được điều đó cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ nhận thức đến hành động; từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện, từ phát huy vai trò của hệ thống chính trị đến trách nhiệm của các doanh nghiệp; từ ý thức giai cấp đến bản lĩnh chính trị của bản thân người công nhân. Làm được điều đó sẽ là động lực nội sinh, là hàng rào sức mạnh mềm để giai cấp công nhân phát huy vai trò lãnh đạo của mình chống lại các thế lực thù địch, phản động đang hàng ngày, hàng giờ công kích, phản bác và xuyên tạc hệ tư tưởng chủ giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Lưu Sim - Ánh Đào