Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực nhà nước.
Theo báo cáo tại hội nghị, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là hơn 669.264 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước thanh toán vốn từ đầu năm đến ngày 30-6 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%). Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao, với 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương…
Năm 2024, Chính phủ xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ và nhiều cuộc họp Thường trực Chính phủ đều có nội dung về đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời trực tiếp kiểm tra, đôn đốc ngay tại công trường để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, 5 tổ công tác của Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Rõ ràng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao, vào cuộc quyết liệt. Vậy tại sao tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể?
Không khó để lý giải nguyên nhân bởi trong rất nhiều hội nghị, cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương và các kỳ họp của Quốc hội, những căn bệnh thuộc diện “cố hữu”, “trầm kha” gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công đã được nhận diện rõ ràng và cụ thể, song bao lâu nay chưa được giải quyết rốt ráo. Đó là, kỷ luật kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; tồn tại tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ...
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Vì vậy, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả, không chậm trễ, không lãng phí”.
Mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ là rất quyết liệt và rõ ràng. Vào lúc này, việc cần làm ngay để từng đồng tiền của Nhà nước, của người dân được sử dụng với hiệu quả cao nhất, đó là các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời những cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, tránh lãng phí, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là dự án khởi công mới... Đặc biệt, cần giải quyết triệt để, tận gốc những nguyên nhân, căn bệnh "trầm kha" gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công đã được nhận diện.
"Vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả, không chậm trễ, không lãng phí". Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo này của người đứng đầu Chính phủ, chúng ta chắc chắn sẽ khắc phục được căn bệnh trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công. Dòng vốn đầu tư công được khơi thông sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh, bền vững.
Theo Hà Nội mới