Rút ngắn thời gian
Hà Nội là nơi tập trung nhiều đơn vị, doanh nghiệp, người lao động làm việc, nên có số đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh theo Nghị quyết số 116 nhiều nhất cả nước. Nhằm đưa chính sách đến với người thụ hưởng, từ đầu tháng 10-2021, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người lao động, người sử dụng lao động thấy rõ trách nhiệm trong quá trình lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Cùng với đó, toàn ngành ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để có thể quản lý, xác minh đúng các trường hợp thụ hưởng. “Quá trình chi hỗ trợ bảo đảm đúng người, đúng thời gian theo quy định, không để lạm dụng, trục lợi chính sách, không phát sinh thêm thủ tục. Thời gian giải quyết hồ sơ đúng, đủ, thông tin rút ngắn còn 5 ngày làm việc, giảm 50% so với quy định”, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho hay.
Kết quả, đến nay, chính sách giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động đã đến với hơn 84.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, gồm hơn 1,4 triệu lao động. Số tiền giảm đóng bước đầu cho các đơn vị sử dụng lao động là gần 370 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, tính đến thời điểm cuối ngày 16-11, Bảo hiểm xã hội thành phố đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho hơn 1,527 triệu lao động với số tiền hơn 3.724 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Hương, người lao động của Công ty TNHH INOAC Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Tôi nhận được khoản tiền hỗ trợ 3,3 triệu đồng từ đầu tháng 10-2021. Số tiền tuy không lớn, nhưng đó là sự động viên, chia sẻ đối với người lao động lúc khó khăn”.
Tiếp tục rà soát
Trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, mặc dù các bên đã nỗ lực, quyết liệt, khẩn trương, song trên thực tế vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc. Chị Đỗ Thị Như Quỳnh, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty cổ phần Santomas Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết, một số trường hợp chưa nhận được hỗ trợ do họ có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên, nên phải tính toán lại thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ xác định mức hỗ trợ. Một số trường hợp đã có quyết định tạm ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng họ lại không hoàn tất thủ tục với cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác định mốc thời gian bảo lưu, nên chưa thể tiến hành chi hỗ trợ.
Dưới góc độ triển khai chính sách, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Hà Đông Lê Thành Long cho biết, do một số công ty, đơn vị sử dụng ít lao động đã thay đổi người phụ trách công tác nhân sự, bảo hiểm xã hội, thậm chí không có người phụ trách công tác này, khiến cơ quan Bảo hiểm xã hội khó liên hệ để yêu cầu người sử dụng lao động làm hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ cho người lao động. Tại quận Hà Đông, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã liên hệ với các đơn vị bằng nhiều hình thức, nhưng hiện vẫn còn gần 1.000 đơn vị sử dụng từ 2 đến dưới 10 lao động chưa có người đại diện kết nối với cơ quan Bảo hiểm xã hội để triển khai chính sách.
Nhằm đưa chính sách đến với người thụ hưởng, cố gắng không bỏ sót đối tượng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có công văn đề nghị các địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh truyền thông đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động thuộc diện hỗ trợ nhanh chóng gửi hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội. Sau ngày 30-11-2021, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa nhận được hỗ trợ phải tự đi làm thủ tục. Với trường hợp đã dừng tham gia, nhưng còn thời gian bảo lưu đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn cuối để cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận đề nghị hỗ trợ là ngày 20-12-2021. Thời gian hoàn thành chi trả hỗ trợ chậm nhất vào ngày 31-12-2021.
Theo Hanoimoi.com.vn