Từ thực tiễn áp dụng Quy định 47-QĐ/TW cho thấy còn có những vướng mắc, bất cập do nội dung Quy định ban hành cách đây 10 năm chưa dự liệu hết những tình huống có thể xảy ra trong thực tế nên việc Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 37-QĐ/TW nhằm cập nhật, bổ sung, sửa đổi và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Điều lệ Đảng, đồng bộ hóa các quy định trong Đảng nhằm phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên là rất cần thiết, và là đòi hỏi của thực tiễn.
Tuy nhiên, với âm mưu thâm độc và thái độ hằn học trước những quy định, chính sách hợp lòng dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã đưa ra lời lẽ công kích, xuyên tạc, từ đó chỉ trích chế độ, phủ nhận vai trò của Đảng. Với thủ đoạn kẻ tung, người hứng một số báo, đài nước ngoài và các trang mạng phản động đã dẫn dắt dư luận rằng, việc Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW chứng tỏ “Đảng đứng bên bờ suy vong” do sự tha hoá biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên(!?). Để biện minh cho ý đồ thâm độc của mình, các thế lực thù địch, chống phá dẫn ra một số vụ tham nhũng, lãng phí để từ đó quy kết, đánh đồng hiện tượng tham nhũng là bản chất của Đảng, của chế độ ta. Không chỉ quy kết, đổ lỗi cho rằng chế độ một đảng lãnh đạo sinh ra tham nhũng, lãng phí, các thế lực thù địch còn đưa ra luận điệu “Đảng đứng trên pháp luật”. Các trang mạng phản động đã xuyên tạc rằng, việc ban hành Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm” là rất rắc rối, lấn sân sang cơ quan hành pháp vì đảng viên cũng là công dân thì phải làm gương trong việc chấp hành pháp luật, chỉ có đảng viên đứng trên pháp luật, nằm ngoài pháp luật mới cần đến quy định này. Thoạt nghe qua, nhiều người cả tin có thể đồng tình, tưởng rằng những luận điệu này có lý, nhưng thực chất đây là những quan điểm đưa ra trên sự cắt xén có chủ ý với âm mưu hết sức sai trái, thâm độc.
Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII. Ảnh: Internet.
Thứ nhất, về quan điểm cho rằng, việc ban hành những điều đảng viên không được làm là rất rắc rối, lấn sân sang cơ quan hành pháp vì đảng viên cũng là công dân thì phải làm gương trong việc chấp hành pháp luật, chỉ có đảng viên đứng trên pháp luật mới cần đến quy định này.
Điều này hoàn toàn không chính xác. Những quy định nhằm điều chỉnh hoạt động trong nội bộ Đảng là rất cần thiết và bất cứ đảng chính trị nào cũng có những quy định trong nội bộ của mình. Thực tế cho thấy Quy định số 47-QĐ/TW thay thế Quy định số 115-QĐ/TW và nay Quy định số 37-QĐ/TW thay thế Quy định số 47-QĐ/TW là việc làm hoàn toàn bình thường. Việc suy diễn Đảng Cộng sản Việt Nam có quy định “về những điều đảng viên không được làm” rồi cho rằng chỉ có đảng viên đứng trên pháp luật, nằm ngoài pháp luật là những suy diễn sai lầm và không có căn cứ. Quy định của Đảng là nhằm nêu cao hơn nữa tinh thần nêu gương của đội ngũ đảng viên theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là đáng quý và đáng trân trọng và cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của Điều 4, Hiến pháp 2013 là: Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, Tại Điều 13, Quy định số 37-QĐ/TW, đảng viên không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.
Đây là điểm mới rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục khẳng định tinh thần của Đại hội lần thứ XIII của Đảng là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã đưa ra lời lẽ công kích, xuyên tạc cho rằng Đảng can thiệp vào hoạt động tư pháp. Cần phải hiểu rằng, việc can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… vốn dĩ là hành vi bị pháp luật cấm đối với mọi công dân, nay Quy định số 37-QĐ/TW nhắc lại thực chất là nói rõ hơn và yêu cầu cao hơn tinh thần nêu gương của đảng viên để mỗi đảng viên xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Nhắc lại điều này cũng là nhằm cảnh tỉnh những người có tư tưởng, việc làm sai trái sẽ bị trừng trị không những bằng quy định của pháp luật mà chịu cả sự trừng phạt của kỷ luật Đảng.
Thứ ba, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị cho rằng: Tòa án, Viện kiểm sát đều là người của Đảng thì quy định cấm đảng viên tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác là không hiệu quả. Thực chất, những kẻ đưa ra các luận điệu này đã cố tình “lập lờ đánh lận con đen”. Đồng thời, những từ ngữ mà họ dùng cũng có dụng ý xuyên tạc thể chế chính trị mà Đảng, Nhân dân ta đang xây dựng. Có một số nội dung cần phải được làm rõ: Luận điệu cho rằng Tòa án, Viện kiểm sát đều là người của Đảng là có hàm ý gì?
Một là, Theo Điều 4, Hiến pháp 2013: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Các nội dung nêu trên đều là những hành vi vi phạm pháp luật nên đảng viên với tư cách là cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực tư pháp chấp hành các quy định của pháp luật cũng như quy định của Đảng là hoàn toàn đúng đắn.
Hai là, nói Tòa án, Viện kiểm sát đều là người của Đảng là chưa chính xác vì trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát không phải tất cả cán bộ, công chức đều là đảng viên; mặt khác, dụng ý cách dùng từ “người của Đảng” là đã mang hàm ý vu cáo và bôi nhọ chứ không hề có tính khách quan.
Ý nghĩa của Quy định số 37-QĐ/TW là làm cho mỗi đảng viên nhận thức đúng và có trách nhiệm chính trị cao hơn đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo Đảng. Nhận thức đúng, tư tưởng thông thì việc làm sẽ đúng mực và thực hiện được trách nhiệm nêu gương và chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả.
Thứ tư, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc Điều 9 của Quy định số 37-QĐ/TW, đảng viên không được: “Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”.
Bằng cái nhìn xuyên tạc, trích dẫn cắt xén, các thế lực thù địch, chống phá cho rằng cấm đảng viên mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài, tức là Đảng đang mâu thuẫn nội bộ, đánh đồng những đảng viên suy thoái, tham nhũng với đảng viên có chí hướng làm giàu chính đáng bên ngoài phạm vi lãnh thổ. Thậm chí, chúng cho rằng Điều 9 quy định như vậy là nhằm lập ra những rào cản ngăn chặn những đảng viên muốn làm giàu chính đáng.
Trên thực tế, cấm đảng viên có những hành vi trái quy định là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Điều 9 của Quy định số 37-QĐ/TW bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là đảng viên không được: nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định. Điểm mà các thế lực thù địch xuyên tạc chính là đã cố tình cắt xén câu khẳng định là Đảng chỉ nghiêm cấm những hành vi trái quy định, còn những hoạt động nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài hợp pháp và đúng quy định thì Đảng tôn trọng và khuyến khích.
Khi đưa ra quan điểm cho rằng quy định của Đảng đã lập ra những rào cản ngăn chặn những đảng viên muốn làm giàu chính đáng là chưa hiểu đúng về các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam vì Đảng ta đã và đang khuyến khích đảng viên làm kinh tế, làm giàu chính đáng chứ không bao giờ Đảng dung túng những hành vi sai trái, vượt ra ngoài những quy định của Đảng và Nhà nước.
Thực chất những luận điệu xuyên tạc Quy định số 37-QĐ/TW mà các thế lực thù địch chống phá trong thời gian qua đã bộc lộ rõ âm mưu chống phá Đảng và chế độ. Họ không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục tiêu là lật đổ sự lãnh đạo của Đảng, làm mất ổn định chính trị, đẩy đất nước vào tình trạng rối loạn và cuối cùng là nhân dân chịu cảnh cực khổ. Việc Đảng ta sửa đổi, bổ sung Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm là cần thiết, không chỉ nhằm đề cao tinh thần nêu gương của đội ngũ đảng viên, yêu cầu đội ngũ đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, mà còn thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong đấu tranh chống lại các biểu hiện suy thoái một cách rõ ràng, công khai là phù hợp với mong muốn của đội ngũ đảng viên và nhân dân. Đây cũng là cơ sở tạo dựng niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Hồng Kỳ