Nhà giàn DK1-21 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Tư liệu.
Cách thức thực hiện ý đồ chống phá
Thứ nhất, thủ đoạn dễ dàng nhận thấy nhất là việc các thế lực thù địch, phản động tìm cách chiếm lĩnh truyền thông và dẫn dắt dư luận xã hội bằng cách lập các trang, nhóm trên mạng xã hội mang tên các sự kiện, các khuyến cáo, kiến nghị, thư ngỏ… để đăng tải các thông tin, luận điệu xuyên tạc về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Các thông tin, luận điệu xuyên tạc này là hoàn toàn vu khống, bịa đặt, không đúng sự thật.
Điều đáng lưu ý, các thông tin bịa đặt thường là giả một phần, giả toàn bộ hoặc thêm bớt chi tiết vào các thông tin có thật. Thủ đoạn này rất nguy hiểm bởi nội dung bịa đặt thường mang tính kích động mạnh, từ đó tạo ra một mê cung mà người đọc khó có thể phân biệt được thật - giả, đúng - sai. Các thế lực thù địch, phản động cũng thường lựa chọn những thời điểm nhạy cảm để tăng hiệu ứng tác động tâm lý của dư luận.
Lợi dụng động thái của các nước lớn và các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề Biển Đông; lợi dụng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển diễn biến phức tạp; lợi dụng thời điểm diễn ra các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân…, các thế lực thù địch, phản động đăng tải các thông tin tuyên truyền, chống phá như: “Việt Nam thiếu nhất quán trong đường lối bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ” (?!); “Không nên hô hoán chống diễn biến hòa bình nếu muốn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây, lực lượng duy nhất có thể giúp Việt Nam bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo” (?!); “Không thể tay ga, tay thắng, vừa giương cao ngọn cờ lòng tin chiến lược, vừa hô hoán chống diễn biến hòa bình”…; Hay ngay tại thời điểm diễn ra một vụ việc cụ thể, lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển ở Hà Tĩnh do công ty Formosa gây ra vào năm 2016, các thế lực thù địch, phản động đăng tải thông tin bịa đặt cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam vì lợi ích cá nhân nên không xử lý nghiêm minh sự cố này với tiêu đề giật tít “Ai đã ăn hối lộ của Formosa để tàn phá Đất nước?”;…
Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động sử dụng chiêu thức trả tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, như: Facebook, Youtube… để quảng bá thông tin.
Bằng cách này, khi mua quảng cáo, các bài viết kích động, kêu gọi, gây rối dưới danh nghĩa đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam sẽ được ưu tiên phát tán đến mục tiêu do người mua quảng cáo lựa chọn. Nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng tính năng này để thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm quảng bá trang, nhóm, bài viết, website của mình, đặc biệt là trong thời điểm thực hiện các vụ việc, hành vi gây rối, chống phá. Với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ, quy mô, mức độ phát tán của những thông tin xấu, độc này càng được lan tỏa đến nhiều người với tần suất dày đặc hơn. Nếu không tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, bất kể ai trong chúng ta cũng có thể bị “cuốn theo” luồng thông tin đó.
Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động “đặt hàng” các KOLs (Key Opinion Leaders) - tạm hiểu là những người có lượng theo dõi rất lớn trên mạng xã hội, để truyền bá, phát tán các thông tin theo ý đồ của họ.
Một số KOLs được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài, thậm chí được hỗ trợ từ chính những cán bộ suy thoái, cơ hội chính trị, động cơ cá nhân để tạo sóng dư luận. Các đối tượng thường phát tán các thông tin, hình ảnh giả mạo, sai lệch, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, gây hoài nghi trong dư luận xã hội, tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, thậm chí có thể gây ra tình trạng nghi ngờ lẫn nhau, làm mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin đối với những người thiếu bản lĩnh. Bằng cách này, những thông tin xuyên tạc, chống phá về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam sẽ được lan truyền rất nhanh chóng và thu hút sự tin tưởng của nhiều người vào nguồn thông tin đó bởi niềm tin của cộng đồng mạng dành cho các KOLs là rất lớn. Chiêu trò này không mới nhưng xét về khía cạnh tâm lý thì đây vẫn là một phương pháp hiệu quả bởi nó đánh thẳng vào sự tò mò, niềm tin của độc giả.
Thế lực thù địch lợi dụng danh nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo để kích động người dân tụ tập trái phép, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Nguồn ảnh: VTV.
Thứ tư, nguy hiểm hơn cả, từ việc đăng tải các thông tin tuyên truyền, chống phá quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan đến công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động tiến hành lôi kéo, kích động nhân dân, ra lời kêu gọi tổng biểu tình nhằm gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, các thế lực thù địch, phản động sẽ nêu rõ thời gian, địa điểm, lộ trình kèm theo các mẫu truyền đơn, khẩu hiệu, băng rôn; đồng thời phát tán các tài liệu, cẩm nang, hướng dẫn người tham gia biểu tình đối phó với lực lượng giữ gìn an ninh trật tự. Khi xảy ra biểu tình, các đối tượng có vai trò tổ chức sẽ đứng ra hô hào, kích động, quay phim, chụp ảnh, “livestream” để tường thuật biểu tình lên mạng xã hội, từ đó lôi kéo thêm nhiều người tham gia. Trong đó, các khẩu hiệu, lời kêu gọi dưới danh nghĩa đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam đều mang tính xuyên tạc, bóp méo bản chất sự việc, thổi phồng về nguy cơ, đẩy cao sự phẫn nộ hoặc khơi gợi về những quyền lợi mà người dân có thể bị xâm hại.
Điển hình vào năm 2014, Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Lấy cớ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các thế lực thù địch đã tìm mọi thủ đoạn để lôi kéo những người thiếu tỉnh táo, tụ tập đông người, thậm chí còn manh động, phá hoại, đốt phá nhà máy, cơ sở sản xuất. Năm 2016, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở Hà Tĩnh do công ty Formosa gây ra trở thành mồi lửa để những kẻ “đội lốt yêu nước” viện cớ thổi bùng lên làn sóng biểu tình, bạo loạn. Dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, trong khi việc cần làm là phải đoàn kết, chung tay khắc phục sự cố, người dân lại bị kích động, lôi kéo, tụ tập gây rối.
Thời gian, địa điểm và lý do có thể khác nhau nhưng kẻ đứng đằng sau những vụ gây rối đều có chung thủ đoạn là nhen nhóm lên những đốm lửa phá hoại và gieo rắc tâm trạng bất mãn cho người dân. Đến thời điểm thích hợp, chúng sẽ tổ chức kích động, tiến hành bạo loạn. Sự kích động có chủ ý trên không gian ảo đã biến thành những hậu quả ngoài đời thật.
Tại sao những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam vẫn được lan truyền một cách mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông xã hội?
Trên thực tế, bất kể một thế lực thù địch, phản độngnào chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đều là lực lượng được đào tạo, có chuyên môn, hiểu biết, kỹ năng nắm vững tâm lý đám đôngvà có sự quản lý của một tổ chức nhất định. Họ có sự nghiên cứu kỹ lưỡng tâm lý của các “cư dân mạng xã hội”. Họ tạo ra được tác động tiêu cực, bất ổn xã hội một cách chi tiết, rõ ràng. Họ biết đưa ra các thông tin có nội dung liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam đầy tính tò mò, hấp dẫn để chia sẻ, mở đường cho những người khác cũng có thể tham gia vào câu chuyện đó. Đây là một phương thức truyền thông thông dụng và hiệu quả hiện nay.
Nguy hiểm hơn, những kẻ tung ra các thông tin bịa đặt, chống phá công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam lại còn được hưởng những khoản tiền từ việc chia sẻ nguồn thông tin đấy. Đây được xemlà chất xúc tác cho nhữngthông tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam được đẩy mạnh với tần suất dày đặc hơn. Trong khi đó, trước hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ của các luồng thông tin xấu, độc này, việcmột bộ phận người dân, cán bộ, đảng viên bị tác động, lôi kéo là điều rất dễ xảy ra.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã bắt tay vào xử lý những sai phạm trên các nền tảng truyền thông xã hội liên quan đến hoạt động tuyên truyền, chống phá công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Bên cạnh việc chỉ rõ, vạch mặt những kẻ đứng sau chiêu trò này, các cơ quan chức năng đã có thái độ cứng rắn và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những kẻ dung túng cho những hành vi, hình ảnh bạo lực, kích động, xuyên tạc và phản văn hóa trên các hạ tầng của truyền thông xã hội. Việc nhận diện và xử lý cương quyết của các cơ quan chức năng Việt Nam không chỉ nhằm loại bỏ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam mà còn góp phần làm trong sạch môi trường truyền thông xã hội.
Phạm Ngân