Ngay từ những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là người có công cách mạng) về đời sống vật chất và tinh thần đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm.
Ngày 16-2-1947, dù đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 20/SL, sau đã được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12-10-1948 qui định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sĩ”, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khái quát sâu sắc vấn đề mang tầm chiến lược: “Phải đối đãi với những người, những gia đình liệt sĩ và thương binh như là những người đã có cống hiến rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân..; đó là một vấn đề rất quan trọng.., một vấn đề chính trị, một vấn đề tư tưởng, một vấn đề tình cảm, một vấn đề xã hội, một trong những vấn đề lớn của nước ta…, một vấn đề của tất cả chúng ta, một vấn đề lớn của Đảng ta, Nhà nước ta, của các tổ chức quần chúng, một vấn đề của các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và của cơ quan có trách nhiệm ở địa phương, của tỉnh, của huyện, của xã”.
Sau năm 1975, khi đất nước được độc lập, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta càng quan tâm hơn đối với người có công cách mạng cả về chủ trương, chính sách lẫn hành động thực tiễn. Hiến pháp năm 1992 trang trọng ghi nhận:“Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Nguyên tắc này đã được thể chế trong “Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 10-9-1994, và được qui định cụ thể tại Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ. Hiện nay có 4 Pháp lệnh, 4 Nghị định, 22 Thông tư và Thông tư liên tịch, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công. Cùng với đó, trong thực tế Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã triển khai các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Các chương trình lớn như “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi”, … đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào tự nguyện, tự tâm trong các tầng lớp nhân dân, thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lâp, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công cách mạng, tăng cường an sinh xã hội và “thế trận lòng dân” vững chắc.
Hiện nay, cả nước có trên 9,2 triệu người có công cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Hằng năm, Nhà nước dành hơn 32.000 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách ưu đãi người có công cách mạng, Chủ tịch nước còn dành gần 900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng người có công trong các dịp Lễ, Tết. Từ năm 2007 đến năm 2017, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” hơn 3.481 tỷ đồng, trong đó, quỹ Trung ương hơn 41,36 tỷ đồng, quỹ địa phương hơn 3.440,4 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 955.000 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; 100% các mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sỹ, 97% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.Ngoài ra Đảng, Nhà nước còn luôn quan tâm bằng các chính sách ưu đãi: như chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện về nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm, mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ, sản xuất kinh doanh phục vụ thương, bệnh binh, đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng và tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ… Hằng năm, vào những ngày tháng 7 thiêng liêng, trên cả nước từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến thành thị, từ các vùng sâu, vùng xa, bên giới, hải đảo người người đều thể hiện tình cảm thắm thiết của mình đối với người có công cách mạng. Các đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm chiến trường xưa, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ, thành kính dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Đó là tình cảm sâu nặng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta dành cho những người có công cách mạng.
Tuổi trẻ Việt Nam dân hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Internet
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, bất tri, bất tình luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phủ nhận những hành động và tình cảm đẹp đẽ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta giành cho người có công với cách mạng nhằm kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lợi dụng một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách ở một số ít địa phương, chúng đưa ra các bài viết, video clip trắng trợn xuyên tạc trên không gian mạng với nội dung cóp nhặt, lập lờ, đánh tráo giá trị, đổi trắng, thay đen, tạo ra sự hoài nghi, gây xáo trộn tư tưởng ít nhiều đối với những người nhẹ dạ cả tin. Chúng còn phủ nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của người có công cách mạng. Chúng cho rằng đất nước được thống nhất, thanh bình như hôm nay không có những đóng góp của của người có công cách mạng. Chúng cho rằng nền kinh tế - xã hội đất nước chậm phát triển là do quá quan tâm đến người có công cách mạng. Đặc biệt nguy hiểm hơn, chúng kêu gọi, dụ dỗ tập hợp những đối tượng bất mãn, cơ hội để lập ra các hội, nhóm cựu chiến binh,… từ đó tuyên truyền, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia, gây mất an ninh trật tự.
Những luận điệu và hành động của chúng là hoàn toàn bịa đặt, phi lịch sử, nhằm mục đích đen tối, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm xói mòn thuần phong, mỹ tục, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần phải hết sức tỉnh táo, nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn thấp hèn đó của chúng, bảo vệ vững chắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công cách mạng.
Thành Lê