Những thập niên gần đây, một trong những mũi nhọn chống phá hàng đầu để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là tập trung xuyên tạc, phủ nhận hình tượng Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng, sở dĩ chế độ cộng sản ở Việt Nam còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ nương tựa vào cái bóng của “huyền thoại Hồ Chí Minh”; do đó, muốn chế độ ở Việt Nam sụp đổ thì một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải xóa bỏ được “thần tượng” này
Nhận diện những nội dung xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Các thế lực thù địch sử dụng nhiều hình thức để phát tán các tin, bài, videoclip xấu độc. Ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, 429 tờ báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá Việt Nam; hằng năm có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng[1].
Các "loa truyền thông" như Trung tâm Asia, Chantroimoi media, Danlambao, Tiếng Dân News… thường xuyên đăng tải các thông tin, bài viết, phỏng vấn để bôi đen sự thật, trắng trợn xuyên tạc, vu cáo tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh[2].
Việt Nam là nước có số người dùng internet và mạng xã hội thuộc “tốp đầu” thế giới với khoảng 64 triệu người dùng internet (67% dân số) và hơn 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 57% dân số), đứng thứ 7 trong 10 nước có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất, nên chúng ra sức sử dụng internet và các trang mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước[3].
Về phương thức, thủ đoạn, chúng nhân danh các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động tự do, dân chủ, nhà chính trị, bình luận chính trị… để dựng chuyện, ngụy tạo tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp cũng như phủ nhận giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thậm chí một số đối tượng tự nhân danh là nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn ở trong nước và nước ngoài xuất bản những ấn phẩm mang hình thức văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, nghiên cứu, phê bình... để nói xấu và xuyên tạc về con người, tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh[4]. Nhìn chung, các ấn phẩm, tài liệu trên đều chứa đựng thông tin xuyên tạc về con người, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung xuyên tạc và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu ở những vấn đề sau.
Trước hết, xuyên tạc về đời tư của Người. Nhiều năm qua, đời tư của Hồ Chí Minh là khía cạnh các thế lực thù địch tập trung nhiều nhất sự xuyên tạc, bôi nhọ. Một số ấn phẩm văn học, tài liệu nghiên cứu ở hải ngoại cho rằng, Hồ Chí Minh không phải đã hy sinh cuộc đời riêng để tận hiến cho dân tộc, mà từng có vợ, con... Một điểm chung là tất cả các thông tin này đều không có căn cứ rõ ràng, không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào để khẳng định đó là sự thật. Những lời kể chỉ là được “nghe nói lại” từ lời người khác; cả người nghe và người nói đều không phải nhân chứng, không phải người trong cuộc.
Chủ tịch Hồ Chí minh thăm một đơn vị bộ đội (Ảnh tư liệu)
Thứ hai, xuyên tạc về nhân cách. Lâu nay các thế lực thù địch luôn xuyên tạc nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh, tạo dựng lên một chân dung Hồ Chí Minh khác hẳn với con người thực. Chúng bịa đặt ra những câu chuyện trong đó chủ tịch Hồ Chí Minh được miêu tả như một con người tầm thường, bản năng và sống xa hoa hưởng lạc chứ không hề giản dị thanh bạch như “cộng sản tuyên truyền”... nhằm hạ thấp nhân cách chủ tịch Hồ Chí Minh. Những thông tin xuyên tạc về nhân cách trên đều không có bằng chứng cụ thể; nhiều thông tin trong đó chỉ mang tính vụn vặt, tiểu tiết, hẹp hòi, không đáng dùng làm căn cứ đánh giá con người Hồ Chí Minh với tầm vóc một vĩ nhân, một nhân vật quốc tế.
Thứ ba, phủ định sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh; cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải nhà tư tưởng. Mặc dù giá trị, tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm định bằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, được khẳng định bởi các học giả trong và ngoài nước, những kẻ xuyên tạc vẫn rêu rao, rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự tô vẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Chúng đưa ra các luận chứng mang tính khiên cưỡng: Xét về nội dung thì Hồ Chí Minh chỉ giỏi tổng hợp lại chủ kiến của người chứ không có tư tưởng của mình; xét về hình thức thì Hồ Chí Minh chỉ có bức thư ngắn, bài viết, bài nói ngắn chứ không có các tác phẩm lớn như các nhà tư tưởng khác.
Việc kẻ chống phá “quay lưng” với những bằng chứng xác thực về giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh không xuất phát từ lý do khoa học mà từ động cơ chính trị đen tối; đây không phải là sự cố chấp, bảo thủ mà là sự cố tình phủ nhận, “đổi trắng thay đen”. Khẳng định những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, tại Đại hội VII, Đảng khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Trong Văn kiện Đại hội IX, tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định gồm 9 nội dung cơ bản: 1) Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. 2) Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 3) Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. 4) Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. 5) Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. 6) Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. 7) Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. 8) Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 9) Tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Bác Hồ thăm và hỏi chuyện bà con nông dân (Ảnh tư liệu)
Thứ tư, phủ nhận tư tưởng yêu nước, dân tộc của Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - Người vừa là người yêu nước vừa là người cộng sản, vừa hy sinh vì dân tộc Việt Nam vừa nêu cao tinh thần quốc tế vô sản. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người đã nói lên điều đó. Nghị quyết về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh của Đại hội đồng UNESCO tại Paris năm 1987 cũng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[5]. Nhưng, chối bỏ sự thật lịch sử, các thế lực thù địch đã cố tình phủ nhận điều này. Chúng cho rằng, Hồ Chí Minh không hề yêu nước thương dân mà suốt đời chỉ tôn thờ chủ nghĩa cộng sản quốc tế, làm tay sai cho Trung Quốc, Liên Xô...
Thứ năm, phủ nhận sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền móng chế độ mới của Hồ Chí Minh. Công lao trời biển của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với đất nước ta không chỉ là giành độc lập, tự do cho dân tộc, chấm dứt gần một trăm năm chế độ thuộc địa thực dân và hàng nghìn năm chế độ quân chủ phong kiến mà còn thiết lập nên nền móng cơ bản của một chế độ mới, xây dựng nền cộng hòa dân chủ với những bước đi từ không đến có ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Đó là sự thật không thể phủ nhận. Vậy mà, Dương Thu Hương trong tiểu thuyết Đỉnh cao chói lọi xây dựng mô hình nhân vật Chủ tịch - một hình ảnh mô phỏng và xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phủ nhận công lao của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp kiến quốc. Dương Thu Hương phủ nhận cả thành quả của Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến do Đảng ta và Hồ Chí Minh lãnh đạo. Cái nhìn đen tối của nhà văn này không chỉ cho thấy sự cực đoan, phiến diện trong tư duy và nhận thức, mà còn bộc lộ cả sự bạc bẽo, vô ơn.
Kim Dung (Còn tiếp)
[1] Hội đồng lý luận Trung ương: Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái thù địch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.13-14.
[2] https://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/phong-va-chong-su-xuyen-tac-tu-tuong-ho-chi-minh-133065
[3] Xem: http://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tang-cuong-ky-nang-dau-tranh-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-tren-mang-xa-hoi-o-cac-truong-trong-quan-doi-hien-nay-544443.html.
[4] Có thể kể đến: Lê Hữu Mục với Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký” (Nghiên cứu, 1990), Trần Huy Quang với Linh nghiệm (Truyện ngắn, 1992), Bùi Tín với Mặt thật (Hồi ký, 1994), Vũ Thư Hiên với Đêm giữa ban ngày (Hồi ký, 1997), Minh Võ với Hồ Chí Minh - nhận định tổng hợp (Nghiên cứu, 2003), Dương Thu Hương với Đỉnh cao chói lọi (Tiểu thuyết, 2009)... Năm 2009, bộ phim tài liệu Sự thật về Hồ Chí Minh (được chủ trương bởi “Phong trào quốc dân đòi trả tên Sài Gòn”) ra đời tại cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng là một sản phẩm “tiêu biểu” của chiến dịch “xóa thần tượng Hồ Chí Minh”.
[5] Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO (trích từ Tập biên bản của Đại hội đồng Khóa họp 24 tại Paris, ngày 20/10 - 20/11/1987, do UNESCO xuất bản năm 1988. tr.144) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn theo bản dịch mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh và UNESCO Việt Nam, 7/2009.