Nhận diện âm mưu
Hiện nay, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng (các trang web, blog, các trang mạng xã hội facebook, youtube…) và các cơ quan truyền thông như BBC tiếng Việt, RFA, RFI, VOA… để tuyên truyền, xuyên tạc đòi “phi chính trị hóa quân đội”. Hoạt động chống phá này được các thế lực thù địch triển khai trên nhiều mặt trận.
Trên mặt trận tư tưởng, các thế lực thù địch tập trung phá hoại nền tảng tư tưởng cách mạng của quân đội ta bằng những luận điệu tưởng chừng là khách quan, khoa học nhưng thực ra là “đánh lận con đen”! Lợi dụng sự thoái trào của phong trào cộng sản trên thế giới, nhất là sau sự sụp đổ chế độ ch chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá hòng lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Chúng rêu rao: chủ nghĩa Mác- Lênin đã lỗi thời, đã cáo chung. Do vậy, việc quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin là sai lầm, không còn phù hợp; quân đội phải đứng ngoài chính trị (!). Đồng thời, chúng tìm mọi cách tuyên truyền phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp; không ngừng rêu rao luận điệu “lực lượng vũ trang phi giai cấp”; “quân đội chuyên nghiệp, quân đội nhà nghề”, “không cần phân biệt chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội, không cần chính trị. Lực lượng vũ trang chỉ cần kinh phí để hoạt động, vì vậy, bỏ Đảng cũng là điều tất yếu vì quân đội không thuộc một thể chế chính trị hoặc một đảng phái chính trị nào…”(!). Từ luận điệu xuyên tạc đó, chúng kêu gọi quân đội chỉ nên là lực lượng trung lập, đứng ngoài chính trị, không chịu sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị hoặc bất kỳ đảng cầm quyền nào”(!).
Trang mạng của tổ chức phản động Việt Tân rêu rao luận điệu đòi “phi chính trị hoá quân đội”. Ảnh: Internet.
Chúng xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội; đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam; xuyên tạc bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, kích động chia rẽ nội bộ quân đội với các luận điệu: “Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào và chủ quyền quốc gia”; quân đội chỉ chấp hành hiến pháp, pháp luật, phải “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”, quân đội chỉ là “công cụ của quốc gia, dân tộc”…
Bằng mọi thủ đoạn, chúng hạ thấp và đi đến đòi xóa bỏ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cán bộ chính trị và cơ quan chính trị trong quân đội; xuyên tạc các sự kiện lịch sử có quân đội tham gia, thổi phồng khuyết điểm của một vài cá nhân cụ thể, đơn vị quân đội, hòng làm cho quân đội ta mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội ta. Có thể thấy, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch được tiến hành bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, trên nhiều hướng khác nhau, nhưng âm mưu cuối cùng hòng phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng ta đối với quân đội.
Luận cứ phản bác
Thứ nhất, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, Ph.Ăngghen khẳng định: “Không có cảnh sát, nhà nước không thể tồn tại được”[1]. V.I.Lênin cũng chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ, nhưng không phải cách mạng có thể biết ngay được cách tự vệ”[2]. Do đó, “hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và Hồng quân Liên Xô như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình”. V.I.Lênin nhấn mạnh: Nguyên tắc cơ bản nhất là Đảng Cộng sản phải lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng, an ninh và quân đội, công an trong mọi tình huống; Đảng phải lãnh đạo mọi mặt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình. Đảng có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân lao động.
Tiếp thu tinh hoa nhân loại, nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: muốn chiến thắng kẻ thù hung bạo, không có sự lựa chọn nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và nền độc lập cho dân tộc; xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cho nên quân đội luôn phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt. Trong Chánh cương vắn tắt, Người nhấn mạnh: “Tổ chức ra quân đội công nông”, “ xây dựng quân đội - một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng”[3]. Người khẳng định, Đảng “phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”[4].
Thứ hai, xuất phát từ tính chất, nhiệm vụ của quân đội.
Lịch sử nhân loại từ khi xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp, quân đội đã trở thành một lực lượng quan trọng (là công cụ bạo lực) nhằm duy trì và bảo vệ sự thống trị của giai cấp cầm quyền. Do đó, không bao giờ có quân đội trừu tượng, chung chung, quân đội tách rời khỏi nhà nước và giai cấp thống trị trong nhà nước đó. Tính giai cấp của nhà nước quy định tính giai cấp của quân đội; mục tiêu, chức năng của quân đội phụ thuộc vào mục tiêu, chức năng của nhà nước thành lập ra nó và nuôi dưỡng nó. Vậy nên, quân đội trong nhà nước chiếm hữu nô lệ thì bảo vệ giai cấp chủ nô; quân đội trong nhà nước phong kiến thì bảo vệ giai cấp địa chủ; quân đội trong nhà nước tư sản thì bảo vệ giai cấp tư sản, thì việc lực lượng quân đội trong nhà nước vô sản bảo vệ nhà nước, giai cấp vô sản và nhân dân là điều không có gì phải bàn cãi! Bản chất giai cấp của quân đội ta không tách khỏi vấn đề có tính nguyên tắc đó!
Bên cạnh tính giai cấp, quân đội ta còn mang tính nhân dân và dân tộc sâu sắc. Ra đời từ trong lòng nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác”[5]. Điều 65, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”[6].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương xem trưng bày, giới thiệu các trang thiết bị quân sự tại Hội nghị Quân chính toàn quân. Ảnh: Internet.
Việc khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội mang hàm ý quân đội ta mang bản chất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Thực tiễn lịch sử gần 80 năm qua, từ khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời đến nay đã khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và sự trưởng thành của quân đội ta. Nhờ có sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng mà quân đội nhân dân Việt Nam luôn khẳng định được vị trí, vai trò, bản chất khoa học và cách mạng; trở thành lực lượng nòng cốt, thường trực, đi đầu cùng dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững vị thế, vai trò cầm quyền của Đảng, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả của cách mạng; góp phần cùng toàn thể dân tộc Việt Nam tạo lập cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế như ngày hôm nay. Thành quả đó là minh chứng sống động đạp tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng “đánh lận con đen”!
Thứ ba, xuất phát từ kinh nghiệm, thực tiễn cách mạng của một số quốc gia.
Ở Liên Xô, ngay từ buổi đầu xây dựng chính quyền Xô viết, V.I.Lênin đã vạch rõ bản chất phản động của luận điệu “quân đội đứng ngoài chính trị”, coi đó là “cái giáo lý tầm thường”, “giả nhân, giả nghĩa và dối trá”. V.I.Lênin khẳng định một cách dứt khoát không có quân đội trung lập về chính trị: Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản. Vì vậy, V.I.Lênin luôn quan tâm xây dựng Hồng quân, cơ quan công an vững mạnh, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, nhờ đó mà đã bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đánh bại âm mưu của chủ nghĩa đế quốc, phát xít.
Tuy nhiên, trong quá trình cải cách, cải tổ, một số người đứng đầu Đảng và Nhà nước Liên Xô đã phạm sai lầm nghiêm trọng: buông lỏng rồi đi đến từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thực hiện “phi chính trị hóa” Hồng quân, bỏ chế độ chính ủy trong quân đội… Đến lúc Đảng Cộng sản Liên Xô bị tấn công thì không có công cụ bảo vệ dẫn đến sụp đổ. Các nước ở Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hoà Dân chủ Đức, Bungarri, Anbani cũng trong tình trạng tương tự.
Ngược lại, các nước như Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào… nhờ sự giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng, an ninh, quân đội, vì vậy giữ vững được chế độ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và không ngừng phát triển như hôm nay.
Chính thực tiễn đó là bài học kinh nghiệm quý, rằng: trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nào cũng phải giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội là không chia sẻ quyền lãnh đạo, không nhường quyền lãnh đạo đó cho bất kỳ một tổ chức, một đảng phái hay một cá nhân nào. Sự lãnh đạo trực tiếp, tức không thông qua một khâu trung gian nào. Đảng lãnh đạo về mọi mặt, bao gồm tất cả các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng và tổ chức; trên mọi nhiệm vụ: chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, lao động sản xuất; trên các mặt công tác: quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của quân đội thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng.
Cao Hiệu