Nhận diện các luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Luận điệu được đưa ra là: “Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ sức để lãnh đạo đất nước”[1].
Từ một số hạn chế của công cuộc đổi mới, nhất là nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới, các thế lực thù địch đã lên tiếng đổ lỗi cho Đảng Công sản Việt Nam lãnh đạo đất nước không hiệu quả nên cần phải “trả lại cho nhân dân Việt Nam quyền tự quyết định vận mệnh của chính mình và của đất nước”[2]. Với danh nghĩa đứng về phía nhân dân, các thế lực thù địch đã “khuyên” Việt Nam cần phải đi theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện chính sách “chính trị đa nguyên”, “đa đảng đối lập” vì họ cho rằng hiện nay Đảng ta có “một bộ máy đã tạo nên một xã hội không có tự do, dân chủ”[3], “thể chế Việt Nam hiên nay là không phù hợp với chuẩn mực quốc tế…
Từ việc đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch còn lên tiếng đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định về quyền lãnh đạo của Đảng.
Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam
Từ khi thành lập đến nay, hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đạt được những thành quả cách mạng to lớn đúng như Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”[4]. Những thành tựu trên là bằng chứng không gì thuyết phục hơn để khẳng định vai trò to lớn của Đảng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam chứ không phải giống như những luận điệu vu cáo của các thế lực thù địch: “Đảng Việt tự vinh danh, tự đeo vòng nguyệt quế vào cổ cho mình quyền cầm đầu nhân dân”[5].
Những thành tựu rất quan trọng của đất nước trong thời gian qua là cơ sở khách quan để khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây là sự kế thừa các bản Hiến pháp trước đó như Hiến pháp năm 1980, năm 1992 đồng thời thể hiện ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp. Hơn nữa, chính nhân dân Việt Nam đã tin tưởng lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất sự nghiệp cách mạng trong suốt thời gian qua.
Trong lịch sử nước ta, đã có những giai đoạn nhiều đảng phái cùng tồn tại song lịch sử vẫn xác định vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam bởi những thành quả cách mạng to lớn mà Đảng đã mang lại cho dân tộc. Vì vậy, luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội của các thế lực thù địch là hoàn toàn trái ngược với nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam.
Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhân dân là mối quan hệ mật thiết không thể tách rời bởi Đảng vì Nhân dân là phấn đấu, tôi luyện, trưởng thành; lấy hạnh phúc của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu; ngược lại, Nhân dân luôn vững tin theo Đảng, cùng chung tay giúp sức xây dựng và chỉnh đốn Đảng, sát cánh bên Đảng để vượt qua những khó khăn. Mối quan hệ gắn bó máu thịt đó chính là nguồn gốc sức mạnh, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Do đó, “luận điệu phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội của các thế lực thù địch là hoàn toàn trái với nguyện vọng, sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân Việt Nam. Mọi công dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ địch phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội của chúng ta”.
Trên cơ sở nhận diện các quan điểm sai trái, xuyên tạc về Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên thêm vững tin vào Đảng, luôn trọn một niềm tin theo Đảng, cùng sát cánh bên Đảng để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên những chặng đường phía trước.
[1]Dẫn theo: Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.51.
[2]Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Sđd, tr.127.
[3]Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Sđd, tr.59.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam (2020), Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tr.24, tháng 4/2020.
[5]Dẫn theo Bùi Quang Cường, “Lại là luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng”, trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2017, tr.42.
Chiên Lê