1. Khát vọng phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong tiến trình lịch sử, khẳng định không gian sinh tồn và bản lĩnh phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khát vọng dân tộc được phát huy mạnh mẽ, chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù to, đế quốc mạnh, mang lại độc lập dân tộc, ấm no và hạnh phúc cho đồng bào. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã khơi dậy ý chí, sức mạnh và khát vọng Việt Nam ở tầm cao mới, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc.
Khát vọng phát triển đất nước trong Văn kiện XIII của Đảng cũng là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam, bởi Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của Nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII là kết quả được chưng cất, kết tinh trí tuệ và tình cảm của cả dân tộc, qua nhiều lần lấy ý kiến rộng rãi toàn dân và được nhân dân gửi gắm, trao trọn niềm tin. Khát vọng phát triển không phải chung chung, viển vông, hô khẩu hiệu mà được cụ thể bằng mục tiêu (tổng quát và cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045), bằng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bằng sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá chiến lược. Đây chính là những biện pháp, bước đi cụ thể để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Cụ thể, tường minh hơn, khát vọng phát triển đất nước là khát vọng vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và từng con người ở những thời điểm cụ thể. Khát vọng phát triển đất nước không phải là cái gì đó đứng ngoài mỗi chúng ta, không thuộc về chúng ta. Ngược lại, khát vọng phải được khơi dậy ý chí, sức mạnh nội sinh trong từng con người cụ thể, hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có như vậy, mới khơi dậy và phát huy cao độ nguồn động lực tinh thần to lớn ở trong từng con người, từng cộng đồng và cả dân tộc Việt Nam.
2. Dẫu vậy, các thế lực phản động, thù địch vẫn luôn xuyên tạc, bóp méo và cản trở khát vọng phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam, nhất là sau khi tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII và bầu Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam và cả nước, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, chúng cho rằng, việc đề ra “các mục tiêu chính của Đại hội XIII là chủ quan, duy ý chí, không thực hiện được” và “không có cơ sở khoa học”!. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030, 2045 là “ngẫu hứng”, “ảo tưởng, hão huyền” và chỉ là “những cái bánh vẽ” trên giấy!. Còn khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “chỉ là phương tiện để tuyên truyền, mị dân”!.
Bên cạnh sự chống phá, xuyên tạc của các đối tượng phản động, thù địch, cơ hội chính trị, còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với tư tưởng hoài nghi về mục tiêu phát triển đất nước trong văn kiện Đại hội XIII.
3. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng. Khát vọng phát triển đất nước trong văn kiện XIII của Đảng được xây dựng trên cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn), chứ không phải “ngẫu hứng” như các luận điệu xuyên tạc, rêu rao.
Một là, kế thừa, phát huy ý chí, khát vọng dân tộc trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đương đầu, chiến đấu và chiến thắng thù trong giặc ngoài để dựng xây nền tự chủ, bảo vệ độc lập dân tộc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Như vậy, khát vọng phát triển đất nước, trước hết được xây dựng dựa trên “lâu đài” vinh quang của truyền thống dân tộc.
Hai là, khát vọng phát triển dân tộc dựa trên bệ phóng thực tiễn rất vững chắc, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Tổng kết 35 năm đổi mới (1986 - 2021), Đảng ta khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1].
Ba là, khơi dậy khát vọng phát triển không phải để tuyên truyền, hô hào khẩu hiệu mà Đại hội XIII đưa ra chương trình hành động, kế hoạch rất cụ thể, để thực hiện bằng được mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”.
Thứ tư, khát vọng trở thành nước phát triển, “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là đúng với quy luật tiến hóa của loài người, “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[2].
Như vậy, các quan điểm sai trái, xuyên tạc và cản trở khát vọng phát triển đất nước không chỉ vô tri, vô lương với dân tộc Việt Nam, mà còn đi ngược lại với giá trị tiến bộ của nhân loại, nhất định sẽ bị bác bỏ, tiêu trừ.
4. Vậy, chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước? Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp. Đó chính là sự kiến tạo, khơi nguồn cảm hứng của Đảng, Nhà nước để thực hiện thắng lợi mục tiêu. Song, chỉ dừng lại đó thì chưa đủ, mà quan trọng không kém, chính là khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng ở mỗi con người trong từng việc làm cụ thể: Thứ nhất, hãy tin tưởng mãnh liệt vào con đường chúng ta đã chọn, đang đi và sẽ đến. Đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi có một niềm tin mãnh liệt, một lời thề son sắt thì sẽ có một hành động quyết liệt. Biến sức mạnh nội sinh của khát vọng - “động cơ đốt trong” của dân tộc đi vào thực tiễn. Thứ hai, hãy đánh thức sức mạnh vô địch đang tiềm ẩn trong chính con người chúng ta để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; vươn lên chinh phục những thành công mới để làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Thứ ba, hãy nỗ lực và phát huy nội lực một cách cao nhất trong từng cơ quan, đơn vị và địa phương để nhân lên ý chí tự lực, tự cường dân tộc theo tinh thần văn kiên Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hoà Phạm