Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng chương trình hành động nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 9-3-2021 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp, cách thức tổ chức việc học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động; đồng thời giao cho các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các Ban của Trung ương Đảng tổ chức triển khai.
Thực hiện tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII cũng chính là nhằm thực hiện phương châm “xây” là để “chống”, “chống” để “xây” vững hơn, đưa đường lối của Đảng thấm sâu vào quảng đại quần chúng nhân dân, tạo dựng niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Internet.
Trong hệ quan điểm chỉ đạo thực hiện nghị quyết Đại hội XIII, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng bên cạnh những nội dung đã nêu từ các Đại hội trước là: Kiên định chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới.
Trở lại một số kỳ Đại hội gần đây cho thấy: vấn đề kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng là sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng trên cơ sở tổng kết thực tiễn của 35 năm đổi mới theo hướng mở rộng và bao quát hơn những nội dung cần phải kiên định.
Văn kiện Đại hội X nêu ra năm bài học lớn từ thực tiễn 20 năm đổi mới, trong đó bài học thứ nhất là: “trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” (1).
Đối với các nguyên tắc, phần phương hướng và mục tiêu, văn kiện Đại hội X nêu: “Thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”.
Đến Đại hội XI, Đảng nhấn mạnh: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… Kiên định đường lối đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc” (2).
Như vậy, so với Đại hội X, văn kiện Đại hội XI Đảng bổ sung thêm nội dung mới là “kiên định đường lối đổi mới”.
Đại hội XII vẫn giữ nguyên các nội dung đã được Đại hội XI đề cập. Riêng về các nguyên tắc, Đại hội XII lần đầu tiên nêu rõ: “Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên” (3).
Đại hội XII nêu ra nội dung “kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc” là điểm mới và là sự phát triển về lý luận của Đảng đối với các nguyên tắc xây dựng Đảng nhưng vấn đề đặt ra là nếu diễn đạt theo hướng kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng như văn kiện Đại hội XII đề cập thì phạm vi rộng nhưng lại thiếu cụ thể. Nguyên tắc là những nội dung mà khi thực hiện chủ thể và đối tượng bắt buộc phải tuân theo. Nêu những vấn đề có tính nguyên tắc vừa rộng và trừu tượng và khi triển khai trong thực tiễn sẽ rất khó và dễ dẫn đến tùy tiện, suy diễn và thậm chí áp đặt và hậu quả là rất khó định lượng một cách chính xác.
Đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên khẳng định kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng là phù hợp bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, về lý luận, nguyên tắc là vấn đề có tính sống còn đối với một tổ chức, tuân thủ các nguyên tắc thì tổ chức đó vững mạnh, từ bỏ hoặc thực hiện không nghiêm túc các nguyên tắc thì tổ chức sẽ dẫn đến rệu rã và có nguy cơ tan rã.
Trải qua hơn chín mươi năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên tắc cơ bản của học thuyết Mác - Lênin về xây dựng Đảng. Tổng kết công tác xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, tuy cách diễn đạt về các nguyên tắc xây dựng Đảng có khác nhau một vài điểm, nhưng nhìn chung Đảng ta vẫn luôn khẳng định những nguyên tắc trên cơ sở vận dụng và tuân thủ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trên cơ sở những nguyên lý về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do V.I.Lênin nêu ra và thực tiễn hoạt động của Đảng ta, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động như sau: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (4).
Từ đó cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định thực hiện nghiêm năm nguyên tắc này và đó cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Đảng ta trong thời gian qua.
Thứ hai, quan điểm chỉ đạo là kiên định nhưng không phải là cứng nhắc, giáo điều và cũng không phải là đổi mới vô nguyên tắc; dựa vào Dân để xây dựng Đảng.
Kiên định các nguyên tắc chính là cơ sở để Đảng ta đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra; biến chủ trương của Đảng thành thực tế trong cuộc sống, thành cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quán triệt quan điểm “dân là gốc”, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng ta bổ sung thành sáu phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (5).
Trong quá trình thực hiện kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, cần thấm nhuần quan điểm chỉ đạo: kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Kiên trì, kiên định nhưng không trở thành giáo điều cứng nhắc; đổi mới, kế thừa và phát triển nhưng trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc chứ không phải là vô nguyên tắc, dân chủ quá đà.
Thứ ba, về thực tiễn, trong nghiên cứu, học tập, quán triệt thực hiện các Nghị quyết của Đảng thì chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục nên khi thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng rất cần phải kiên định tuân thủ các nguyên tắc.
Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nêu rõ ưu điểm: “Đảng ta luôn vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng” (6).
Về hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện các nguyên tắc, văn kiện đại hội XIII chỉ rõ: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp” và “Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”.
Điều cần lưu ý là rất nhiều vi phạm xảy ra từ nhiệm kỳ trước nhưng đến nay mới bị phát hiện và xử lý. Như vậy trước đó việc tuân thủ các nguyên tắc xây dựng Đảng chưa thật sự được coi trọng thậm chí bị buông lỏng. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là các nguyên tắc xây dựng Đảng chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc.
Trong giai đoạn hiện nay, với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền, kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới và kiên định những nguyên tắc xây dựng Đảng phải tiếp tục được quán triệt và thực hiện trong thực tế.
-----------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr.70.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr.255.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr.199.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 5.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 96.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 165
Hồng Kỳ