Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng chiến lược được Bác Hồ, Đảng và Nhân dân ta chính thức lựa chọn từ mùa xuân năm 1930. Kiên định mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới lá cờ vẻ vang của Đảng đã trở thành yếu tố cơ bản đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn khách quan của lịch sử, là mục tiêu và lý tưởng của Đảng, là khát vọng của dân tộc Việt Nam
Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các phong trào yêu nước diễn ra liên tiếp theo các lập trường khác nhau nhưng đều thất bại, bế tắc. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc “với tư chất đặc biệt”, đã trực tiếp sang các nước phương Tây với mục đích rất rõ ràng, xem các nước “làm cách mạng như thế nào để về cứu nước, giúp dân”. Trong hành trình tìm đường cứu nước qua nhiều nơi trên thế giới với sự chiêm nghiệm thực tiễn sâu sắc và không ngừng nghiên cứu các cuộc cách mạng, các tư tưởng, học thuyết, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: Cách mạng tư sản không mang lại quyền lợi thực sự cho nhân dân, mà chỉ là sự thay thế chế độ áp bức, bóc lột này bằng chế độ áp bức, bóc lột khác. Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thực sự thành công triệt để nhất vì nó giải phóng nhân dân lao động, đưa họ trở thành người thực sự làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Và “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Từ đó, Người khẳng định: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2]. Đây là con đường theo chủ nghĩa Mác-Lênin, theo gương Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nhờ ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam nhanh chóng phát triển và mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự ra đời của Đảng đã khẳng định từ đây dân tộc Việt Nam đã dứt khoát chọn con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng nhấn mạnh: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Với sự khẳng định đó, Việt Nam có một đảng chính trị hoạch định được một cương lĩnh cách mạng và khoa học, vừa đề ra được nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc và phương hướng tiến lên, vừa giải quyết được yêu cầu phát triển của dân tộc thuận theo quỹ đạo của thời đại, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; có triển vọng giải quyết đúng đắn, hài hòa quan hệ giai cấp với dân tộc, dân tộc với quốc tế. Đó là sự lựa chọn tất yếu khách quan của lịch sử, phản ánh khát vọng của dân tộc Việt Nam và phù hợp xu thế phát triển của thời đại.
Kiên định và thực hiện sáng tạo độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội là yếu tố cơ bản làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Với mục tiêu, con đường cách mạng đã chọn, xuyên suốt mọi thời kỳ, dù trải qua những thăng trầm nhưng Đảng luôn kiên định, không ngừng bổ sung, phát triển về tư duy lý luận và lãnh đạo từng bước giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn cách mạng. Nhìn lại tiến trình lịch sử cách mạng 94 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã trải qua các giai đoạn phát triển với nội dung, hình thức và bước đi khác nhau, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh từng giai đoạn nhất định.
Trong giai đoạn (1930-1945), Đảng xác định đấu tranh giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, còn chủ nghĩa xã hội là phương hướng, mục tiêu, lý tưởng. Đây là chủ trương phù hợp với đặc điểm của nước ta và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, bởi độc lập dân tộc là điều kiện hàng đầu để tiến lên chủ nghĩa xã hội, chưa giành độc lập dân tộc thì “dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu”, mà quyền lợi của giai cấp “đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Đồng thời, đề cao “độc lập dân tộc” chính là khơi dậy lòng yêu nước, cố kết dân tộc tạo động lực to lớn trong đấu tranh đòi độc lập. Trên cơ sở chủ trương, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, giành lại độc lập, đưa dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Sang giai đoạn (1945-1975), theo yêu cầu của lịch sử, Đảng xác định nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc và từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng chỉ đạo gắn kết hài hòa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, trong đó kháng chiến để bảo vệ độc lập dân tộc, nhưng từng bước thực hiện các chính sách mới thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy, tạo động lực và tính ưu việt của xã hội mới. Nhờ vậy, những yếu tố cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bước đầu được xây dựng, đoàn kết dân tộc được tăng cường, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, làm nên “thiên sử vàng” qua 9 năm kháng chiến gian khổ. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khi đất nước bị chia làm hai miền, Đảng sáng suốt lãnh đạo thực hiện đồng thời hai chiến lược, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm mục tiêu chung là thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo Đảng, nhân dân ta đã đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cả dân tộc ca khúc khải hoàn, non sông liền một dải, cùng quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1975 đến nay, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có điều kiện để gắn bó mật thiết hơn bao giờ hết. Bởi đất nước đã độc lập, thống nhất và chế độ xã hội chủ nghĩa được xác lập trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, càng đi vào thực tiễn, Đảng và nhân dân ta càng nhận thức sâu sắc rằng, dựng nước phải luôn đi đôi với giữ nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là sự nghiệp to lớn, lâu dài, vô cùng khó khăn, phức tạp. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lịch sử vĩ đại ấy, không thể chỉ bằng niềm tin, ý chí cách mạng mà phải bằng khoa học, bản lĩnh, trí tuệ, tuân thủ quy luật khách quan. Cuối những năm 80, khi đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, tại Đại hội VI, Đảng đề ra đường lối đổi mới, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Khi tình hình các nước xã hội chủ nghĩa diễn biến phức tạp, Đảng kiên định và bản lĩnh đề ra 6 nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua các kỳ Đại hội, Đảng đều khẳng định sự kiên định con đường cách mạng, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp Đổi mới, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Đồng thời, không ngừng bổ sung, phát triển làm sáng tỏ nhận thức, lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.
Trên cơ sở đó, qua gần 40 năm Đổi mới, đất nước tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, cao gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới. GDP bình quân đầu người 4284 USD tăng 160 USD so với 2022; là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới, quy mô thương mại thuộc tốp 20 thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.... Các lĩnh vực khác tiếp tục có bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đạt được là “chưa bao giờ có”, đã hiện thực hóa từng bước giá trị của chủ nghĩa xã hội, minh chứng cho sự đúng đắn của Đảng, tính khoa học của con đường cách mạng đã chọn. Tuy nhiên, hiện nay tình hình quốc tế tiếp tục có những chuyển biến lớn, khó dự báo, cạnh tranh nước lớn, xung đột quân sự có xu hướng gia tăng. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống có diễn biến phức tạp… Ở trong nước, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống một bộ phân nhân dân còn gặp khó khăn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đẩy lùi triệt để. Các thế lực phản động lợi dụng mạng xã hội chống phá kịch liệt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phủ nhận thành tựu, vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam… Tất cả đặt ra yêu cầu cấp thiết vừa kiên trì để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và kiên định con đường xã hội chủ nghĩa.
Đất nước đang bước vào những ngày đầu của năm mới 2024, trong không khí mới, khí thế mới. Nhìn lại thực tiễn đã qua cho thấy độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một trong những nguyên nhân làm nên mọi thắng lợi vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam và mãi là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp đổi mới, công ngiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của nước ta hôm nay. Xa rời mục tiêu đó là đi chệch hướng phát triển của đất nước, khát vọng dân tộc và quy luật phát triển thời đại. Trong vận hội mới, điều kiện mới, thực tiễn sinh động đó là “mạch nguồn” to lớn để chúng ta tiếp tục vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, kiên định thực hiện thành công mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 2, tr.298
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 9, tr.30
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2002, tập 2, tr.2
Nguyễn Văn Giang