Thực hiện quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa
Xuất phát từ thực tiễn, công tác quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa được thực hiện vừa là hoạt động chính trị, vừa là hoạt động hành chính, vừa là hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế, vừa là hoạt động nhằm huy động sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; vừa là hoạt động duy trì trật tự, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, các tổ chức, công dân, đặc biệt là ngư dân trên vùng lãnh thổ và vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 09/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng.
Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa - đơn vị chuyên trách quản lý quần đảo Hoàng Sa đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, xây dựng phòng truyền thống Hoàng Sa, và sau đó là Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Internet.
Với chức năng quản lý Nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa thường xuyên cập nhật các thông tin, tư liệu về lịch sử, pháp lý, công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Điều này đã góp phần thể hiện vai trò quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa, vừa tác động tích cực đến ý thức bảo vệ chủ quyền, gìn giữ các giá trị lịch sử của Hoàng Sa đối với nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa cũng tích cực phối hợp với các tổ chức Trung ương và địa phương tổ chức các hội thảo khoa học, các triển lãm về chủ quyền biển, đảo; xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa như một “địa chỉ đỏ” về văn hóa, nơi lưu giữ và lan tỏa những bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đến người dân trong nước cũng như du khách và bạn bè quốc tế. Trước việc Trung Quốc công bố thành lập đơn vị hành chính “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa đã ra thông báo kịch liệt phản đối, trong đó nêu rõ: “Là chính quyền địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa””[1].
Những việc làm trên đã góp tiếng nói mạnh mẽ trong việc đấu tranh, phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ phía Trung Quốc; đồng thời khẳng định vai trò quản lý nhà nước của Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đối với quần đảo Hoàng Sa, thể hiện Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục thực thi chức năng quản lý của mình với tư cách là chủ thể quản lý hợp pháp đối với quần đảo này.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc kết hợp sức mạnh của thời đại vào nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, quan điểm xuyên suốt của Đảng là: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo”[2].
Lực lượng quân đội thực hiện tuần tra, canh gác, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước. Ảnh: Internet.
Trong những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo thực hiện với nhiều nội dung phong phú và hình thức đa dạng. Công tác kiểm tra, xử lý các ấn phẩm, hành vi xuyên tạc, làm sai lệch chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được các lực lượng chức năng và các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả. Điều này đã góp phần khắc sâu lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ của mọi tầng lớp nhân dân đối với quần đảo Hoàng Sa; giúp nhân dân Việt Nam hiểu rõ về lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền để củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa hiện nay. Đồng thời, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân vững mạnh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và đặc biệt là “thế trận lòng dân” gắn với bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. “Mặc dù trên thực địa, Trung Quốc đang chiếm giữ các điểm đảo song quần đảo Hoàng Sa là một vùng biển rộng lớn, ngư dân thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành miền Trung vẫn tiến hành đánh bắt, khai thác thủy hải sản trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa”[3]. Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, bảo vệ bà con ngư dân khai thác trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa; xây dựng, tổ chức nhiều phong trào để vận động bà con ngư dân tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh với tàu thuyền nước ngoài xâm lấn vùng biển của Tổ quốc. Qua đó, “ngư dân Đà Nẵng kiên trì trụ bám trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, vừa lao động để mưu sinh kiếm sống vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, dõi theo từng hòn đảo lớn nhỏ thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của đất nước ta”[4].
Trong quan hệ đối ngoại cũng như tại các diễn đàn, hội nghị của khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời thể hiện thiện chí giải quyết các tranh chấp, bất đồng liên quan đến biển, đảo cũng như phân định biển bằng biện pháp hòa bình với sự nhất quán trong lời nói lẫn hành động. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng lên án mạnh mẽ “những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”[5]trong hành xử và giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông, trong đó có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tranh thủ vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa cũng như chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Thực tế cho thấy, “Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý các vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề Biển Đông, đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế ủng hộ”[6].
Cán bộ Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Internet.
Định hình phương thức giải quyết tranh chấp với Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển, đảo, trong đó có vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa
Sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đã tiến hành giao thiệp, bàn bạc với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông, trong đó có vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 24/9/1975, “Trong cuộc gặp Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu; Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố sau này hai bên sẽ bàn bạc vấn đề Tây Sa và Nam Sa”[7]. Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích của hai dân tộc, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những định hướng lớn để từng bước giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển. Tháng 10/2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”. Đây là bước tiến quan trọng đã xác lập các nguyên tắc cơ bản cho việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên; đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực.
Thực tế cho thấy, “Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được xử lý hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển của hai nước”[8]. Vì vậy, quan điểm chung giữa Việt Nam - Trung Quốc là “Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai nước” và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, sử dụng hiệu quả cơ chế đàm phán biên giới cấp Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương, đàm phán hữu nghị, tích cực bàn bạc về các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên; tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”[9]. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển. Tuy nhiên, trong giải quyết tranh chấp, “Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế”[10].
Lê Thủ