I. Thành công kinh tế vượt kỳ vọng
Sau khi cuộc chiến bùng nổ, các nước phương Tây đã áp đặt "sóng thần" lệnh trừng phạt đối với Nga. Tổng cộng hơn 16.000 lệnh trừng phạt được đưa ra sau xung đột. Cộng thêm các lệnh trừng phạt được thực hiện trong năm 2014, nâng tổng số lệnh trừng phạt đối với Nga lên con số gần 19.0001. Các nước Phương Tây muốn sử dụng các biện pháp trừng phạt để đè bẹp nền kinh tế Nga, gây bất ổn xã hội, thậm chí làm sụp đổ chế độ, và cuối cùng khiến nước này phải chịu thất bại chiến lược.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong 2 năm của cuộc xung đột, nền kinh tế Nga đã đứng vững trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm 2022 nền kinh tế chỉ suy giảm 2,1% và năm 2023 kinh tế lại tăng trưởng với mức 3,5%, ngoại thương vẫn thặng dư, thâm hụt ngân sách được kiểm soát2. Một số chuyên gia Nga cho rằng, nền kinh tế Nga đã tạo ra kỳ tích khi nhanh chóng phục hồi dưới những lệnh trừng phạt khắc nghiệt như vậy.
Nền kinh tế Nga sở dĩ có thể đạt được thành quả như vậy là nhờ vào lãnh thổ rộng lớn, nguồn năng lượng dồi dào và nông nghiệp bội thu. Tuy nhiên, khả năng chống khủng hoảng hiệu quả của Chính phủ Nga cũng là một nguyên nhân quan trọng.
1. Né tránh các lệnh trừng phạt một cách hiệu quả, nhanh chóng thích ứng với tình hình mới. Trước làn sóng trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây, chính phủ Nga không hề nao núng mà thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó một cách hiệu quả.
Để đối phó với những hạn chế của phương Tây trong việc xuất khẩu năng lượng, Nga đã tích cực mở rộng sang các thị trường mới. Doanh thu xuất khẩu năng lượng là “mạch máu” của nền kinh tế Nga. Để tiếp tục xuất khẩu dầu ra thế giới, phá thế độc quyền của phương Tây về vận tải biển, bảo hiểm..., nước Nga đã nhanh chóng thành lập “hạm đội bóng tối” gồm hơn 600 tàu chở dầu3. Chỉ trong vòng 2 năm, thị trường xuất khẩu dầu của Nga đã xoay hướng từ Tây sang Đông. Trước xung đột, châu Âu mua 40-45% dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga nhưng hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 4%. Trước đây Ấn Độ về cơ bản không mua dầu của Nga, nhưng trong năm 2022 xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ tăng gấp 22 lần, năm 2023 xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đạt 70 triệu tấn4. Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023, giá dầu Ural là 49 USD/thùng, nhưng từ tháng 1 đến tháng 11 giá tăng lên 63 USD/thùng. Doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga năm 2023 đạt 9 nghìn tỷ Rúp5, mặc dù thấp hơn hơn năm 2022, nhưng ngang bằng năm 2021.
Để đối phó với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây, Nga dựa vào nhập khẩu song song và thay thế nhập khẩu để giải quyết vấn đề. Nga mua các sản phẩm nước ngoài cần thiết thông qua nhập khẩu song song từ Thổ Nhĩ Kỳ, các nước khu vực Trung Đông, Nam Kavkaz, Trung Á hoặc khu vực khác. Nước Nga đã thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại toàn diện với Trung Quốc, thương mại hai chiều Nga-Trung có thể vượt 230 tỷ USD vào năm 2023, đạt mức cao kỷ lục, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng gần 50%6. Trong số hàng xuất khẩu sang Nga, gần 60% là các sản phẩm cơ khí, ô tô, hàng điện tử, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường. Nga cũng đã phát triển các sản phẩm thay thế cho nhập khẩu và phát triển sản xuất trong nước để bù đắp khoảng trống với các sản phẩm của phương Tây, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin, hàng không, dược phẩm và các lĩnh vực khác.
Đối với lĩnh vực tài chính, Nga tích cực thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ. Trước xung đột, hầu hết ngoại thương của Nga được thanh toán bằng đồng Đô la Mỹ và Euro, tuy nhiên đến cuối năm 2023, 65% ngoại thương của Nga được thanh toán bằng nội tệ, tỷ lệ sử dụng đồng Đô la Mỹ và Euro giảm xuống đến 24%. Nhờ các biện pháp chống khủng hoảng khác nhau nói trên mà trong hai năm qua, nền kinh tế Nga về cơ bản đã thích nghi với thực tế mới.
2. Mở rộng đầu tư và kích thích kinh tế. Ngoài việc đối mặt với các lệnh trừng phạt toàn diện, hàng nghìn công ty có vốn nước ngoài đã rút khỏi thị trường Nga. Tuy nhiên điều này cũng nhường chỗ cho sự phát triển của các công ty địa phương của Nga. Việc điều chỉnh thị trường xuất khẩu của Nga cũng sẽ đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn.
Đầu tư năm 2023 ở Nga tăng 10% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong thập kỷ qua, chủ yếu dựa vào đầu tư của chính phủ và doanh nghiệp7. Chi tiêu ngân sách của Nga năm 2023 ước đạt gần 32 nghìn tỷ Rúp, cao hơn 3 nghìn tỷ so với năm ngoái. Đầu tư chủ yếu chảy vào các ngành như thay thế nhập khẩu, công nghiệp quốc phòng, vận tải và hậu cần, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan. Sự thịnh vượng của một số ngành công nghiệp đã thúc đẩy các công ty lớn cạnh tranh tăng lương để tuyển dụng nhân tài và cải thiện mức lương chung của xã hội, thu nhập của người dân tăng lên cũng thúc đẩy tiêu dùng, ngành bán lẻ tăng hơn 8%. Được thúc đẩy bởi kích thích ngân sách và tiêu dùng, hiện tượng kinh tế quá nóng thậm chí còn xảy ra, khiến ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất 5 lần trong vòng một năm để hạ nhiệt nền kinh tế8.
3. Ngành công nghiệp quân sự thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế tạo. Cuộc chiến tiêu tốn lượng lớn vũ khí, trang thiết bị, đạn dược, khiến các tập đoàn công nghiệp quân sự Nga phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến, tỷ lệ tận dụng năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp vượt quá 80%. Kể từ xung đột nổ ra, sản lượng xe tăng của Nga đã tăng 5,6 lần và sản lượng pháo và đạn dược tăng 17,5 lần9.
Số lượng lớn các đơn đặt hàng quốc phòng đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo. Năm 2023, ngành công nghiệp chế tạo của Nga tăng trưởng 7,5%, cao nhất trong 7 năm qua. Theo thống kê, đầu tư vào các ngành liên quan đến nhu cầu quốc phòng tăng trưởng nhanh, bao gồm sản xuất thành phẩm kim loại (+73%), thiết bị điện (+59%), thiết bị cơ khí (+44%) và phương tiện giao thông (+41%)10. Sự gia tăng này đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng sản xuất đáng kể ở các ngành này.
II. Những khó khăn phải đối mặt
Mặc dù nền kinh tế của Nga đạt được sự hồi phục ấn tượng vào năm 2023 nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề:
1. Chi tiêu quân sự khổng lồ là lực cản đối với nền kinh tế. Cuộc chiến đã gây thương vong nặng nề, chính phủ Nga đã bồi thường 5 triệu Rúp cho mỗi người thiệt mạng và 3 đến 5 triệu rúp cho những người bị thương. Một số phương tiện truyền thông Nga đánh giá rằng, mức bồi thường của chính phủ Nga cho các binh sĩ tử trận và bị thương có thể vượt quá một nghìn tỷ rúp, và cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn, đây là một gánh nặng rất lớn đối với chính phủ. Ngoài ra, nước Nga cũng phải cần tới hơn 10 tỷ USD/tháng để duy trì cuộc chiến11. Năm 2024, chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ tăng lên khoảng 11 nghìn tỷ rúp và chi tiêu an ninh sẽ đạt 3,29 nghìn tỷ Rúp, hai khoản chi này chiếm gần 40% chi ngân sách, chi tiêu xã hội sẽ bị nén xuống chỉ còn 7,8 nghìn tỷ Rúp12.
2. Tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Do tác động tổng hợp của các yếu tố như suy giảm dân số, huy động binh lính và chảy máu chất xám ồ ạt, năm 2023 nước Nga đã rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây. Truyền thông Nga cho biết, 90% công ty đang thiếu lao động và trong một số ngành sự thiếu hụt nhân lực lên tới 40%. Một số chuyên gia cho rằng, nước Nga tổng cộng thiếu hụt tới 4.8 triệu lao động, chiếm gần 6% tổng dân số đang làm việc13. Trong bối cảnh đó, tình cảm dân tộc chủ nghĩa đang dâng cao ở Nga, việc quản lý nhập cư ngày càng được thắt chặt, và xung đột giữa người nhập cư và cảnh sát đã xảy ra ở một số thành phố càng khiến tình trạng thiếu lao động thêm trầm trọng.
3. Đồng Rúp mất giá mạnh. Bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm khắc từ các nướcphương Tây, lượng đô la Mỹ thu được từ ngoại thương của Nga đã giảm đáng kể. Ngoài ra, do nhu cầu vẫn tăng và mọi người vẫn muốn cất giữ đồng đô la. Trong mua bán dầu mỏ với Ấn Độ, Nga nhận được một lượng lớn Rupee nhưng không có cách nào để tiêu chúng. Những biến động trên thị trường ngoại hối khiến đồng Rúp mất giá mạnh, đỉnh điểm mất giá vào đầu tháng 10, đồng Rúp mất giá hơn 30% so với đồng Đô la Mỹ. Ngày 11/10/2023, Tổng thống Putin đã ban hành nghị định thực hiện hệ thống kiểm soát ngoại hối và buộc chuyển nguồn thu ngoại tệ về nước, tỷ giá Đô la Mỹ giảm từ 100 Rúp xuống hơn 90 Rúp, nhưng áp lực mất giá của đồng Rúp vẫn sẽ cao trong tương lai.
4. Lạm phát duy trì ở mức cao. Đồng rúp mất giá đã dẫn đến lạm phát, năm 2023 tỷ lệ lạm phát của Nga là 7,5%14, giá một số thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng hơn 20%, bù vào mức tăng trưởng thu nhập của người dân, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với nhóm thu nhập thấp và gây ra sự bất mãn xã hội. Vào tháng 8/2023, giá xăng dầu của Nga bắt đầu tăng đột ngột, tình trạng thiếu xăng xảy ra ở một số nơi, sau khi chính phủ phải hạn chế xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu, tình hình đã được cải thiện. Ngay sau khi “khủng hoảng nhiên liệu” kết thúc, một “cuộc khủng hoảng trứng” lại xảy ra ở Nga vào cuối năm, giá trứng ở một số nơi tăng gấp đôi, chính phủ phải hủy bỏ thuế nhập khẩu trứng và giải quyết vấn đề thông qua nhập khẩu quy mô lớn.
III. Kết luận
Với những phân tích nêu trên và dựa vào bàn cờ địa chính trị ở châu Âu cũng như thế giới hiện tại, có thể đưa ra kết luận rằng: Một là, nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ. Trong hai năm qua, dù trong muôn trùng khó khăn nhưng nền kinh tế Nga không những không sụp đổ mà còn phục hồi và đạt mức tăng trưởng vượt kỳ vọng, thể hiện khả năng trụ vững và phục hồi tốt của nền kinh tế Nga. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây không thể đè bẹp được Nga. Hai là, câu hỏi về triển vọng của sự phát triển nền kinh tế Nga trong trung và dài hạn vẫn là điều bỏ ngỏ. Các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ còn tiếp tục trong thời gian dài. Ngay cả khi cuộc xung đột tạm ngừng hoặc chấm dứt, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ tiếp tục kéo dài. Mặc dù các biện pháp trừng phạt đó không đè bẹp nền kinh tế Nga trong ngắn hạn nhưng không thể bỏ qua tác động trong dài hạn. Mối quan hệ năng lượng giữa Nga và châu Âu về cơ bản đã bị phá vỡ, sự chia cắt kinh tế giữa Nga và châu Âu đã trở thành hiện thực, mặc dù Nga đã tìm được thị trường xuất khẩu dầu mới nhưng xuất khẩu khí đốt tự nhiên vẫn gặp khó khăn lớn. Nói chung, Nga sẽ bị loại khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu do phương Tây dẫn dắt trong một thời gian dài và việc đạt được sự phát triển độc lập sẽ vô cùng khó khăn. Ba là, nước Nga có thể duy trì sự ổn định nhưng sự phát triển sẽ gặp nhiều thách thức. Nền kinh tế Nga đạt được tăng trưởng vào năm 2023 được thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư và quốc phòng, nhưng nền kinh tế Nga vẫn chưa bước vào con đường phát triển bền vững. Chi tiêu quốc phòng của Nga sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, có thể chiếm gần 40% tổng chi tiêu, trong khi đầu tư vào các lĩnh vực xã hội và các lĩnh vực khác bị siết chặt. Sự phát triển nhanh chóng của các tập đoàn công nghiệp quân sự cũng tiềm ẩn những rủi ro, nếu xung đột kết thúc và nhu cầu vũ khí giảm sút, một số lượng lớn các doanh nghiệp công nghiệp quân sự sẽ phải đối mặt với sự chuyển đổi.
TS Đỗ Khương Mạnh Linh