Việt Nam đã bước vào nửa tháng đầu tiên của năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của năm nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 - Nghị quyết đầu tiên trong năm của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Đây chính là kim chỉ nam cho lãnh đạo, điều hành nền kinh tế xã hội của đất nước trong năm nay
Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nhận định: Năm 2023, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Chính phủ đã xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, với 147 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là "Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế
Trước đó, tham dự Hội nghị giữa Chính phủ với chính quyền các địa phương, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu: Chúng ta cần chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được.
Vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khoá XIII là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn. Về phát triển kinh tế, chúng ta cần quán triệt thật sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững.
"Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Đánh giá về Nghị quyết 01, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá nghị quyết năm nay không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ cho năm 2023 mà còn bám sát vào các mục tiêu, đột phá chiến lược cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.
"Tính bao quát của Nghị quyết 01 mang tính xuyên suốt, định hướng tạo ra tiền đề cho việc thực hiện nhiệm vụ các năm tiếp theo", ông Cường đánh giá.
Còn theo ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Nghị quyết 01 đã chỉ rõ quan điểm điều hành và đưa ra một nhóm trọng tâm nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
"Các quan điểm điều hành rất đáng chú ý như: Không chuyển trạng thái đột ngột, giật cục; Nâng cao năng lực phân tích dự báo; Điều hành cân băng giữ kiểm soát lạm phát - tăng trưởng kinh tế, tỷ giá - lãi suất...", ông Lực cho biết.
Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá cao các quan điểm điều hành trong Nghị quyết 01 như: Không chuyển trạng thái đột ngột, giật cục; Nâng cao năng lực phân tích dự báo; Điều hành cân băng giữ kiểm soát lạm phát - tăng trưởng kinh tế...
Khó khăn và thách thức?
Năm 2023, một năm và dự báo là kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn và cạnh tranhngày càng lớn hơn. Ngân hàng Thế giới mới đây cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn 1,7%, thay vì 3% đưa ra trước đó.
Mức tăng trưởng chậm lại xảy ra ở hầu hết các nền kinh tế phát triển. Các nước đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi phải đối phó với gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu. Còn Qũy tiền tệ Quốc tế IMF thì đưa ra nhận định một phần ba nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái. Trước những nhận định như vậy, thách thức của Việt Nam vẫn đang ở phía trước.
Nhiều công ty đối diện khó khăn khi các đơn hàng giảm sút (Ảnh minh họa)
Thiếu đơn hàng trầm trọng khi số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 đã giảm hơn 25-50% so với quý trước đó. Công nhân có nơi bị cho nghỉ việc. Khó và phải nỗ lực hơn rất nhiều. Nhưng không còn con đường nào khác với nhiều công nhân của Tổng Công ty may Bắc Giang và có lẽ cũng là của nhiều công nhân ngành may trong năm vừa qua.
"Khị thị trường khó khăn hơn, nguồn hàng không đáp ứng được theo sở trường của nhà máy buộc chúng tôi phải đa dạng hóa mặt hàng. Chúng tôi phải thuê các chuyên gia để đào tạo lao động để họ tăng năng suất và đảm bảo được mức lương. Đây cũng là một cơ hội để khi thị trường khó khăn hơn, công ty có thể tiếp nhận những đơn hàng dễ dàng", bà Chu Thị Thu Thủy - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty may Bắc Giang cho biết.
Nhờ nỗ lực như vậy, chuỗi cung ứng với các đối tác lớn được giữ vững, cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu những tháng cuối năm ngoái. Nhưng để duy trì đà tăng này cũng sẽ rất thách thức.
"Chúng tôi đánh giá rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng, tiếp tục thắt chặt tiền tệ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến của các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Châu Âu, Hoa Kỳ.. cũng như sự gián đoạn liên tục trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tình trạng này có thể kéo dài và trầm trọng hơn tại châu Âu do nguồn cung cấp khí đốt bị hạn chế và giá năng lượng cao", ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định
Càng khó khăn hơn cuộc đua tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đang khiến tốc độ tiêu dùng, sản xuất chậm lại, đồng thời tạo sức ép rất lớn lên việc thực hiện chính sách tiền tệ.
Theo ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND. Việt Nam đang thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, sử dụng các biện pháp kiểm soát lạm phát và sử dụng dự trữ ngoại hối nhằm tăng giá trị của đồng Việt Nam.
Biến động bên ngoài càng tăng đòi hỏi nội lực của nền kinh tế càng phải mạnh hơn. Theo các tổ chức quốc tế, cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm tới xuất phát từ chính các nguồn lực trong nước gồm: Thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
"Năm 2023, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào 3 khu vực kinh tế vẫn đảm bảo đà tăng trưởng: Nông nghiệp (hy vọng tăng 3%), công nghiệp và xây dựng (hy vọng tăng trên 7-7,5%), khu vực dịch vụ (tăng 6,5-7%). Với các mức tăng trên mới đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%", ông Lực đánh giá.
Theo ông Lực, còn 2 động lực nữa cần lưu ý khai thác: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công phải quyết liệt hơn nữa; Thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Phát triển nội lực là rất quan trọng trong bối cảnh nguồn lực từ bên ngoài giảm sút
Nói thêm về vấn đề phát triển nội lực của nền kinh tế, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tạo môi trường kinh tế ổn định cho các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Ngoài ra, các tập đoàn lớn trong nước nếu như có thêm các cơ chế, nguồn lực có thể nắm bắt được các cơ hội trong khó khăn.
"Chúng ta có một thị trường khoảng 100 triệu dân, mức sống tăng nhanh nếu phát triển giữ chân tốt thị trường trong nước sẽ đảm bảo chỗ dựa cho các doanh nghiệp có khả năng độc lập, tự chủ", ông Cường cho biết thêm.
Nguồn VTV