Quan điểm
Một là, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, chia rẽ, phá hoại mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, liên tục, thường xuyên và lâu dài, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Hai là, gắn lý luận với thực tiễn, bảo đảm tính khoa học, tính thuyết phục để nâng cao hiệu quả đấu tranh với các thế lực thù địch và định hướng nhận thức đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ba là, quán triệt sâu sắc và kiên trì thực hiện nguyên tắc tính đảng trong đấu tranh tư tưởng. Bảo đảm thực hiện “Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân”, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bốn là, thực hiện đúng phương châm “xây” đi đôi với “chống”. Trong đó “xây” là mục tiêu cuối cùng để nâng cao nhận thức, bồi đắp mối quan hệ gắn bó mật thiết, bền vững giữa Nhân dân với Đảng. “Chống” là biện pháp cần thiết, triệt để, không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, thù địch, và để thay đổi, xóa đi nhận thức lệch lạc trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng về mối quan hệ Đảng-Dân.
Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh
Một là, nhận diện các nhóm đối tượng dễ bị tác động tiêu cực bởi các quan điểm sai trái, thù địch để có biện pháp thích hợp.
Những người hạn chế về nguồn thông tin và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin (tập trung ở nông thôn, miền núi, người dân tộc thiểu số, người lớn tuổi) cần được nhà nước đầu tư phủ sóng internet, cung cấp báo chí, thường xuyên tổ chức cho họ tham gia các cuộc họp đoàn thể, khu dân cư... để cung cấp thông tin chính thống, cập nhật. Những người lập trường tư tưởng không vững vàng, dễ bị sa vào xu hướng tiêu cực cần tổ chức cho họ tham gia các lớp học, diễn đàn sinh hoạt chính trị tư tưởng dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia. Những người từng bị oan sai, tổn thất do sự tắc trách, tiêu cực của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức thực thi công vụ, thường có xu hướng nghi ngờ, mất niềm tin vào Đảng, chính quyền, cần được bồi thường tổn thất về tinh thần và vật chất, động viên, tạo điều kiện cho họ trở lại trạng thái tâm lý bình thường thông qua các phong trào quần chúng ở cơ sở. Những người từng vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng xử lý, đã được tuyên truyền, giáo dục nhưng chưa nhận thức hết sai phạm, cần thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, cảnh báo, tạo điều kiện cho họ trở lại cuộc sống bình thường để không bị các thế lực thù địch kích động, xúi giục, lôi kéo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng đồng bào xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, ngày 11/11/2018. Ảnh: Internet.
Hai là, tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong công tác đấu tranh tư tưởng.
Đấu tranh tư tưởng là một mặt trận có nhiều mục tiêu cần tấn công nên cần nhiều lực lượng để phối hợp hành động. Sự bền chặt của mối quan hệ Nhân dân với Đảng trước hết phải bắt đầu bằng trách nhiệm của cả tổ chức và cá nhân. Về phía các tổ chức trong hệ thống chính trị, cần khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, quản lý, xa rời công tác tập hợp, giáo dục, hỗ trợ, động viên các lực lượng trong đấu tranh tư tưởng. Quán triệt và cụ thể hóa Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với tình hình địa phương, lĩnh vực. Về phía cá nhân, khắc phục tình trạng ngại khó, dẫn đến thờ ơ, đứng ngoài cuộc của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Xác định tham gia đấu tranh với các lực lượng thù địch là một trách nhiệm, nên cần có quyết tâm và nỗ lực hơn; chủ động và thường xuyên sử dụng internet, trực tiếp tham gia làm thành viên am hiểu và tỉnh táo của hệ thống mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam như Facebook, Zalo, Youtube... nhằm truyền bá, lan tỏa các sản phẩm truyền thông về củng cố mối quan hệ Nhân dân với Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ khi có nhận thức đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm, có trình độ lý luận chính trị cao, có kỹ năng nắm bắt, sàng lọc, xử lý thông tin tốt, có tâm huyết và bản lĩnh chiến đấu của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, thì mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch chia rẽ Nhân dân với Đảng.
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hiện thực hóa mục tiêu “củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đây là biện pháp lâu dài, nhưng là vũ khí sắc bén nhất để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để làm được điều đó, cần “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Trước mắt, cần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bóc gỡ, xóa các tổ chức phản động chống phá Đảng, chính quyền. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nỗ lực phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền đất nước.
Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết, nghiên cứu đánh giá kết quả đấu tranh, rút kinh nghiệm, đề xuất các vấn đề cần tiếp tục thực hiện, hình thành hệ thống phương pháp, luận cứ khoa học để đấu tranh có hiệu quả hơn.
Nhiệm vụ này cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, các cơ quan tuyên giáo, thông tin, báo chí, các cán bộ nghiên cứu lý luận của các trường đại học, học viện, nhất là hệ thống thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nghiên cứu để kế thừa và đổi mới việc thực hiện nguyên tắc tính đảng trong đấu tranh tư tưởng. Mở rộng và phát huy vai trò của nhiều lực lượng cùng đồng loạt đấu tranh dưới sự chỉ đạo của cấp ủy và Ban Chỉ đạo 35 các cấp. Nghiên cứu mở rộng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Đặc biệt, phát huy thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm vũ khí sắc bén nhất để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chia rẽ, phá hoại mối quan hệ Đảng-Dân.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 2, Nxb CTQG-ST, H. 2021. Tr.326.
Bạch Yến