Gần đây, trong một số phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ở trong và ngoài nước có đề cập đến thông điệp “Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Vậy nội hàm của “kỷ nguyên vươn mình” là gì, kỷ nguyên này bắt đầu từ khi nào và mục tiêu đặt ra là gì? Phóng viên Báo Điện tử VOV phỏng vấn Phó Giáo sư Nguyễn Viết Thảo, giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để làm rõ những vấn đề trên.
PV: Thưa PGS Nguyễn Viết Thảo, ông hiểu thế nào về cụm từ “kỷ nguyên vươn mình” trong tiến trình phát triển của đất nước chúng ta?
PGS Nguyễn Viết Thảo: Vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đưa ra thông điệp chính thức về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Chúng ta có thể hiểu một số nội dung rất cơ bản của khái niệm này. Kỷ nguyên vươn mình đánh dấu thời kỳ phát triển mới của mỗi quốc gia dân tộc, đương nhiên là nó phải phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với tiến trình phát triển chung của nhân loại, đặc biệt phải phù hợp với quá trình phát triển của quốc gia dân tộc đó, phải tạo thành những dấu mốc rất rõ rệt, điển hình.
Đối với Việt Nam chúng ta, từ khi có đảng lãnh đạo năm 1930 đến nay, chúng ta thấy rất rõ sự xuất hiện của các kỷ nguyên.
Sau 15 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân phát-xít và các thế lực phản động khác, đến năm 1945, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam và cũng bắt đầu từ đây, một trang sử mới của đất nước, trang sử mà nhân dân lao động đứng lên làm chủ vận mệnh của mình dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ nguyên này không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế, thời đại rất lớn, góp phần tạo ra làn sóng cách mạng, mở ra kỷ nguyên chống thực dân đế quốc của nhiều nước thuộc địa, trở thành quốc gia độc lập.
Tiếp đó, chúng ta lại phải đương đầu với các cuộc xâm lược của thực dân đế quốc. Chúng ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa chống thực dân đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đến năm 1975, chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước đi lên CNXH.
Từ 1945-1975 là 3 thập kỷ mà Việt Nam có vai trò tiên phong trong đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Có nhà thơ đã khắc họa rất chính xác tầm vóc chính trị của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên này:
Cầm cành hoa Việt Nam
Chói ngời trong thế kỷ
Cầm cành đào chân lý
Ta đi qua thời gian
Kỷ nguyên thứ 3 là cả nước đi lên CNXH. Kỷ nguyên này rất quan trọng vì chỉ sau năm 1975, CNXH mới được thiết kế và xây dựng trong hoàn cảnh không còn chiến tranh trên phạm vi cả nước. Nhưng rất tiếc rằng, hệ thống XHCN lúc ấy bắt đầu lâm vào khó khăn, trì trệ, khủng hoảng. Bên cạnh những kết quả rất đáng trân trọng thì trong thời gian này, công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam cũng gặp nhiều hạn chế và lâm vào khủng hoảng nặng nề.
Cho nên bắt đầu từ năm 1986, chúng ta phải tiến hành đổi mới. Đổi mới tư duy nhận thức về CNXH và đổi mới con đường đi lên CNXH. Sau 10 năm đổi mới, đến năm 1996, nước ta cơ bản đã khắc phục được cuộc khủng hoảng về kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ mới của sự phát triển - thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và cũng chỉ mấy năm sau, đến năm 2010 thì chúng ta đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển để đứng vào danh sách các nước có thu nhập trung bình trên thế giới.
Như vậy, kể từ năm 2010, chúng ta đã bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên tạo tiền đề cho sự phát triển của Việt Nam trong thế giới mới, trong thời đại mới.
Sau những cột mốc ấy cho đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cơ đồ, vị thế, uy tín, sức mạnh đất nước chưa bao giờ có được như bây giờ. Chính những thành công trong kỷ nguyên tạo tiền đề này cho phép chúng ta bắt đầu nói đến một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tôi cho rằng, kỷ nguyên vươn mình này nó rất logic, khách quan, là kết quả tất yếu của những bước đi thành công trước đây. Nhìn nhận như vậy để thấy rằng, một kỷ nguyên mới đã thật sự mở ra cho dân tộc chúng ta - kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, phấn đấu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào giữa thưa thế kỷ 21.
PV: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đặt trong bối cảnh thế giới có gì khác so với trước đây và chúng ta đứng trước những cơ hội, thách thức gì, thưa ông?
PGS Nguyễn Viết Thảo: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sẽ phải đặt trong bối cảnh rất mới, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói, đó là bối cảnh thế giới có nhiều chuyển động mang tính thời đại, tức là những chuyển động tầm cỡ thời đại, tác động trong dài hạn đến an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Thứ nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra một thời đại kinh tế mới - kinh tế số. Khi kinh tế bước vào thời đại mới thì tất cả các lĩnh vực từ xã hội, văn hóa, an ninh chính trị đều phải có những chuyển động sâu sắc. Cuộc cách mạng công nghiệp chắc chắn sẽ tạo ra những vận động mang bước ngoặt của lịch sử toàn thế giới.
Chuyển động mang tính thời đại thứ hai, đó là toàn cầu hóa. Nó đã diễn ra trong những thập kỷ trước kia nhưng hiện nay và trong những thập kỷ tới, nó sẽ phong phú, mạnh mẽ và đương nhiên ngày càng phức tạp. Mặc dù nó đang bị một số thế lực cản trở nhưng toàn cầu hóa đủ sức khẳng định là một tất yếu, một xu thế, một quá trình không thể đảo ngược. Và chắc chắn nó làm cho thế giới không chỉ xích lại gần nhau mà càng ngày, thế giới càng bị nhất thể hóa. Tất cả các quốc gia, dân tộc, tất cả các chế độ chính trị xã hội khác nhau đều phải tuân thủ quy định chung, giá trị chung, luật pháp chung. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia, dân tộc có phát triển được hay không tùy thuộc vào vị trí mà mình hội nhập và khai thác được ví trí ấy có lợi cho mình.
Chuyển động mang tính thời đại thứ ba mà tôi cho rằng, chúng ta tuyên truyền chưa xứng tầm, đó là phát triển bền vững như một mô hình phổ quát trên thế giới, bền vững cả về mặt kinh tế, cả về mặt văn hóa xã hội và môi trường sinh thái. Đó là sự phát triển rất toàn diện. Có rất nhiều vấn đề của phát triển không thể được đóng khung trong khuôn khổ của một quốc gia mà phải là xuyên quốc gia. Nó khác xưa rất nhiều. Phát triển bền vững ngày nay như một tất yếu, một mệnh lệnh không thể bị trì hoãn. Chúng ta phát triển theo mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH nhưng phải đặt trong khuôn khổ của phát triển bền vững.
Một chuyển động mang tính toàn cầu nữa, đó là chúng ta phải nhìn sang Chủ nghĩa tư bản (CNTB). Trong 1-2 thập kỷ vừa qua, CNTB đã có những bước điều chỉnh thích nghi, phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều học giả đã nói lên một thời kỳ CNTB toàn cầu với sự hình thành của dây chuyền sản xuất tư bản toàn cầu, tư bản xuyên quốc gia, quyền lực Nhà nước tư bản ngày càng mang phạm vi thế giới, thậm chí người ta nói đến một giai cấp tư sản toàn cầu.
CNTB toàn cầu trong cái phiên bản rất quen thuộc là Chủ nghĩa tự do mới đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng ở nhiều khu vực trên thế giới nhưng đồng thời nó lại bộc lộ những mâu thuẫn, hạn chế cố hữu không thể vượt qua. Đó là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, sự phân cực, loại trừ nhau, phân hóa xã hội sâu sắc…nó tạo ra mâu thuẫn giai cấp rất gay gắt, nghiêm trọng. Chính vì vậy, nhân dân lao động toàn thế giới đang đẩy mạnh những cuộc đấu tranh xã hội, phê phán CNTB trong phiên bản mới nhất của nó là Chủ nghĩa tự do mới.
Ngay trong lúc hoàng kim của CNTB và ngay trong thời điểm rất thuận lợi của CNTB khi không còn hệ thống XHCN thì CNTB vẫn không được nhân loại ngày nay chấp nhận như xã hội của tương lai. Mà khẩu hiệu rất hay của phong trào nhân dân toàn thế giới hiện nay, đó là tìm kiếm những phương án thay thế CNTB. Loài người sẽ phải định danh cụ thể hơn, đó là cái gì nhưng chắc chắn họ cho rằng, vượt qua CNTB hiện nay là một đòi hỏi rất rõ ràng của lịch sử.
Hiểu được thực tế trên để chúng ta vững tin, kiên định trên con đường độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Một chuyển động mang tính toàn cầu sâu sắc nữa mang tính thời đại, đó là cải cách, đổi mới CNXH trên toàn thế giới với những thành công của Trung Quốc, Việt Nam, Lào, sự hiên ngang sáng tạo của Cuba…Chúng ta khẳng định rằng, CNXH vẫn là một thực thể không thể bỏ qua, một thực thể tham gia định hình thế giới hiện đại. Điều đó không chỉ giúp chúng ta vững tin mà còn gợi mở cho chúng ta những nội dung và phương hướng, nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đi đến mục tiêu cao cả mà chúng ta vạch ra cho giữa thế kỷ 21 là một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
PV: Vậy thưa ông, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình được hiểu là bắt đầu từ khi nào, phải chăng được đánh dấu từ Đại hội XIV của Đảng?
PGS Nguyễn Viết Thảo: Tôi cho rằng, không phải đợi đến Đại hội XIV mà có thể hiểu, kỷ nguyên mới bắt đầu từ bây giờ, trong một bối cảnh thế giới có những chuyển động mang tính thời đại, trong bối cảnh chúng ta có gần 40 năm đổi mới với những thành tựu to lớn như thế và lực mới nhưng chúng ta cũng đứng trước rất nhiều những khó khăn, thử thách mà nhất thiết phải vượt qua. Tôi lấy ví dụ, trước hết phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình - một cái bẫy vô cùng gay gắt và nghiệt ngã.
Đa số các quốc gia trên thế giới sau khi thoát nghèo là rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Cho nên Việt Nam ta phải rất cố gắng để không bị rơi vào cái bẫy nghiệt ngã đó. Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng phát triển không có tính đột phá của một quốc gia trong vòng 30 năm sau khi thoát nghèo. Nếu anh không hóa rồng, hóa hổ là anh mãi mãi rơi vào bẫy đó. Việt Nam ra khỏi tình trạng chậm phát triển vào năm 2010 đến nay đã được 14 năm. Theo lý thuyết, chúng ta còn 16 năm để bứt lên.
Trong khu vực Đông Nam Á, không ít quốc gia đã và đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Cách đây 1-2 thập kỷ, họ hoan hỉ, hăm hở chào đón kỷ nguyên mới để trở thành một quốc gia phát triển nhưng cuối cùng họ đã không thành công. Chúng ta nên nhớ, năm 1960, thu nhập bình quân của người dân Philippines gấp đôi người dân Nam Triều Tiên lúc ấy, nay là Hàn Quốc. Còn đến nay, chúng ta thấy Hàn Quốc và Philippines là hai trình độ phát triển như thế nào. Cái bẫy này nó không trừu tượng mà hiện hữu xung quanh ta. Cho nên phải khắc phục cho được nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa về trình độ phát triển giữa ta và các nước trên thế giới.
Thứ hai là nguy cơ không đạt thành công trong việc thực hiện mục tiêu CNH-HĐH. 30 năm qua, từ năm 1991 đến năm 2021, chúng ta chưa đạt mục tiêu yêu cầu đề ra. Nếu không phấn đấu, không nỗ lực thì chúng ta tiếp tục không đạt mục tiêu đề ra cho CNH-HĐH. Đây là yếu tố quyết định trình độ phát triển của đất nước. Chúng ta có trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 hay không phụ thuộc vào việc chúng ta có hoàn thành CNH-HĐH hay không. Đây là cơ sở, tiền đề vật chất kỹ thuật cho CNXH. Bởi vậy, nếu không thành công trong sự nghiệp CNH-HĐH tức là không thành công trong sự nghiệp xây dựng CNXH.
PV: Bây giờ để vượt qua tất cả những thách thức này, Việt Nam chúng ta cần phải đi vào những đột phá gì, thưa ông?
PGS Nguyễn Viết Thảo: Đột phá trước tiên là sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, phải xây dựng kịp thời và sáng tỏ tầm nhìn mới - tầm nhìn của một quốc gia vươn mình trong thế giới đang thay đổi. Tầm nhìn này cực kỳ quan trọng. Đại hội XIII mới vạch ra những phác thảo về Việt Nam đến giữa thế kỷ 21. Đó là phác thảo và cần phải cụ thể hóa hơn để toàn đảng, toàn dân dốc sức thực hiện.
Đột phá thứ hai là phải có những tư duy chiến lược, được thực hiện bằng những chiến lược quốc gia. Tôi rất tâm đắc với một cách định nghĩa: Chiến lược luôn luôn là một sự lựa chọn, lựa chọn vào đúng đột phá, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng lợi thế, ưu thế của chúng ta. Điều này không phải dễ. Các nước trên thế giới và cả Việt Nam chúng ta cũng đã hơn một lần không xác định trúng lợi thế, ưu thế mũi nhọn. 30 năm CNH-HĐH từ năm 1991 đến năm 2021, chúng ta chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Một trong các nguyên nhân là do không xác định trúng mũi nhọn CNH, không xác định trúng ưu thế lợi thế của chúng ta. Cho nên tôi cho rằng, tư duy chiến lược của Đảng lãnh đạo, cầm quyền nhất thiết phải kịp thời, sáng tỏ, đúng đắn, phù hợp, khả thi.
Trong tư duy chiến lược, dứt khoát phải tìm ra con đường, mô hình CNH phù hợp với Việt Nam, tìm ra con đường CNH của nước đi sau như Việt Nam hiện nay gian nan lắm. Chúng ta có thể tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản, của Trung Quốc, mô hình của các nước Mỹ La tinh, các nước Đông Á….
Tôi cho rằng, chúng ta rất cần nghiên cứu các kinh nghiệm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đương nhiên, trong kỷ nguyên vươn mình này còn có nhiều vấn đề, không chỉ là kinh tế mà còn là những vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thế hệ mới, đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống…Tất cả những cái đó thì phải rất sáng tỏ trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!