Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo cơ quan bộ, ngành trung ương, Quân khu 9, tỉnh Kiên Giang và khoảng 2.000 cựu tù chính trị, tù binh, thân nhân các Anh hùng liệt sĩ trong cả nước tham dự lễ.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, kẻ địch đều lấy đảo Phú Quốc làm địa điểm xây dựng trại giam như: Căng Cây Dừa (1953-1954), Trại Huấn chính Cây Dừa (1955-1957) và Trại giam Tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc (1967-1973). Do điều kiện tự nhiên, Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, chúng mặc sức dùng mọi thủ đoạn tra tấn, áp bức tù binh mà không sợ bị dư luận lên án.
Trại giam Tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc bắt đầu hoạt động vào ngày 6-7-1967, giam giữ hơn 40.000 tù binh là các chiến sĩ yêu nước và dân thường bị chúng bắt giữ trong các cuộc chiến đấu, càn quét ở khắp các tỉnh, thành miền Nam. Tháng 1-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hai bên trao trả tù binh, trong đó có tù binh Trại giam Tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: “Trại giam Tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc” là bằng chứng về tội ác dã man của thực dân, đế quốc và tay sai. Chính nơi đây, trong cảnh đen tối của “Địa ngục trần gian” lại rực sáng lên màu đỏ tươi của ngọn lửa và tấm gương đấu tranh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, của đồng chí, đồng bào ta - Biểu tượng của chủ nghĩa cách mạng, với những tấm gương anh hùng cách mạng, của khí phách Việt Nam, góp phần tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại Hồ Chí Minh”.
Theo Hanoimoi.com.vn