1. Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán chính thức giữa Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ bắt đầu diễn ra ở Paris (Pháp), đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: Đọ sức trên chiến trường đồng thời với đọ sức trên mặt trận ngoại giao (cục diện “vừa đánh, vừa đàm”). Phía Việt Nam khẳng định lập trường không thay đổi là trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan của hai bên. Phía Mỹ nêu yêu cầu đòi miền Bắc rút quân khỏi miền Nam, chấm dứt việc đưa người và hàng chi viện vào miền Nam.
Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên quyết của phía ta, đồng thời do gặp nhiều khó khăn tổn thất trên chiến trường, phong trào phản đối chiến tranh của các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao, ngày 1-11-1968, chính quyền Washington buộc phải tuyên bố chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc Việt Nam. Sau sự kiện này, cuộc đấu tranh giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đi đến thống nhất tổ chức hội nghị 4 bên bao gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn).
Năm 1969, R.Nixon trúng cử lên làm Tổng thống Mỹ, đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Theo đó, quân viễn chinh và quân một số nước đồng minh rút dần về nước; quân đội Sài Gòn sẽ thay thế giữ vai trò nòng cốt chiến đấu nhưng vẫn do Mỹ chỉ huy thông qua hệ thống cố vấn quân sự, cung cấp tiền bạc, vũ khí kỹ thuật, phương tiện chiến tranh. Mặt khác, chính quyền R.Nixon tìm cách thỏa hiệp với một số nước lớn khác nhằm cô lập cách mạng Việt Nam, gây sức ép trên bàn đàm phán buộc Việt Nam phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh theo những điều khoản có lợi cho Mỹ.
Ngày 25-1-1969, hội nghị 4 bên chính thức họp phiên đầu tiên. Trải qua nhiều phiên họp chung công khai, nhiều cuộc tiếp xúc riêng, lập trường của 4 bên, mà thực chất là của hai bên (Việt Nam và Mỹ) luôn mâu thuẫn, khác xa nhau khiến cuộc đàm phán diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng.
Những thắng lợi quân sự to lớn của cách mạng Việt Nam trên chiến trường (Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972...) đã gây cho quân địch thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán. Trên cơ sở đó, tháng 10-1972, ta đưa ra bản Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Theo đó, vấn đề chiến tranh Việt Nam sẽ được giải quyết theo hai bước: Bước một, hai bên Việt Nam và Mỹ ký hiệp định chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi Việt Nam, chấm dứt mọi sự dính líu quân sự của Mỹ, rút hết quân Mỹ và quân một số nước đồng minh, trao trả hết những người bị bắt, công nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Bước hai, hai bên miền Nam (chính quyền Sài Gòn và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) sẽ giải quyết các vấn đề cụ thể về quân sự, chính trị của miền Nam. Hai bên thảo luận hoàn tất văn bản Hiệp định và thỏa thuận ngày ký chính thức (ngày 31-10-1972).
2. Sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai (tháng 11-1972), R.Nixon trở mặt, đòi xét lại văn bản Hiệp định đã được thỏa thuận. Để ép Việt Nam nhân nhượng, ký kết một bản Hiệp định do Mỹ đưa ra, từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B-52) vào Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng cuộc tập kích bị thất bại hoàn toàn. Quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại (trong đó có 34 B-52), buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23-1-1973; được ký chính thức ngày 27-1-1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Kléber ở Paris giữa 4 bộ trưởng ngoại giao đại diện các chính phủ tham dự cuộc đàm phán.
Nội dung Hiệp định nêu rõ: (1) Hoa Kỳ (Mỹ) và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. (2) Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân các nước đồng minh, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. (3) Các bên để cho nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử tự do. (4) Các bên công nhận hiện trạng thực tế tại miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị. (5) Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.
Ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập tại Paris gồm đại biểu các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, 4 bên tham gia ký Hiệp định Paris, 4 nước trong Ủy ban Giám sát và kiểm soát quốc tế (Hungari, Ba Lan, Canada, Indonesia), cùng sự có mặt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Tất cả các nước tham gia hội nghị đã ký vào bản Định ước ghi nhận và bảo đảm Hiệp định Paris về Việt Nam và các nghị định thư kèm theo được thực hiện nghiêm chỉnh. Ngày 29-3-1973, đơn vị cuối cùng của quân đội viễn chinh Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Hiệp định Paris là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử rất to lớn của nhân dân Việt Nam, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là chính nghĩa. Đến đây, ta hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề thuận lợi tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hội nghị Paris diễn ra trong thời gian 4 năm 9 tháng với tổng cộng 202 phiên họp chung công khai, hàng chục cuộc họp riêng, hàng trăm cuộc họp báo... cuối cùng ta đã giành được thắng lợi. Thắng lợi này xuất phát từ nhiều nhân tố: Sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; quá trình đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đất nước; sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ; sự cống hiến xuất sắc, bản lĩnh và trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được giao trọng trách trực tiếp đàm phán.
Cuộc đàm phán Paris để lại cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là sự kiên định về nguyên tắc, độc lập, tự chủ trong đàm phán, đồng thời luôn sáng tạo, khôn khéo, mềm dẻo về sách lược; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị với đấu tranh ngoại giao; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế; biết khai thác, khoét sâu những mâu thuẫn trong nội bộ địch, trong hàng ngũ kẻ thù. Những bài học kinh nghiệm đó vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo Hanoimoi.com.vn