Ngày 23 tháng 5 năm 2021, cử tri cả nước đã hoàn thành quyền và nghĩa vụ của công dân trong ngày hội non sông. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành thành công trong bối cảnh nguy cơ bùng phát đại dịch Covid - 19 cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mục đích của cuộc bầu cử là lựa chọn ra những đại biểu tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Được cử tri tín nhiệm, người đại biểu của Nhân dân cần ra sức nỗ lực phấn đấu vì trọng trách nặng nề và mà cử tri đã giao phó. Muốn vậy, đại biểu phải thật sự là những người có đủ cả Đức, Tài và Dũng.
Một phiên họp của Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Internet.
Đức của người đại biểu cho Dân là đạo đức cách mạng. Đức được thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa; là trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó. Đức được thể hiện ở sự trong sáng, thành thật, trung thực, không cơ hội, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái. Đức là cái gốc giúp người đại biểu được bầu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao phó. Đạo đức cách mạng tạo nên uy tín của người đại biểu của Dân. Đó là cơ sở để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo Nhân dân, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Tài của người đại biểu là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất. Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình. Tài của người đại biểu được Nhân dân bầu ra cần phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng. Bác nói: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”(1).
Tài còn là khả năng hoạt động thực tiễn, kỹ năng và hiệu quả thực hành các công việc được giao. Người đại biểu phải có năng lực trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn, có trình độ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Dù hoạt động trên bất kỳ lĩnh vực nào thì người có Tài phải là người có sự hiểu biết thấu đáo và thực hành thành thạo các công việc mà mình đảm nhiệm. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viênchẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”(2).
Vì sao đại biểu phải có Đức và Tài ? Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho Nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” (3).
Không những có đủ Đức và Tài, người đại biểu được Nhân dân bầu ra phải là người có Dũng: “DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát” (4).
Dũng là xứng đáng với tư cách đại diện của Nhân dân, đại diện của những cử tri đã bầu ra mình. Đại biểu là những người được cử tri ủy thác trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Điều đó có nghĩa là đại biểu đại diện cho Nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. Đại biểu phải căn cứ vào ý chí và nguyện vọng của Nhân dân để quyết định mọi vấn đề trong công việc.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Tp Hà Nội) trong một phiên thảo luận của Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Internet.
Dũng yêu cầu đại biểu phải là người trọng danh dự, trung thực với chính mình, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Nói đi đôi với làm. Điều này phải được kiểm chứng qua công việc, lời nói và cách hành xử của đại biểu.
Dũng là đại biểu biết lắng nghe và có năng lực để lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Lắng nghe bằng cả tình cảm và trách nhiệm của mình, lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, ý chí của Nhân dân.
Dũng giúp cho đại biểu có đủ dũng khí dám nói lên tiếng nói của cử tri - những người đã bầu ra mình. Đại biểu phải phải trình bày được ý kiến của mình một cách đầy đủ nhất, thuyết phục nhất trên các diễn đàn. Đặc biệt trong chất vấn, đại biểu phải biết đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề. Diễn đạt có nội dung, có ý tưởng và khả năng thuyết phục người nghe trong một thời gian ngắn nhất.
Dũng giúp cho đại biểu căn cứ vào ý chí và nguyện vọng của Nhân dân để quyết định mọi vấn đề trong công việc. Trường hợp ý kiến và lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của thiểu số trong đó có lợi ích của mình ngược với lợi ích quốc gia, dân tộc, ngược với ý chí nguyện vọng của Nhân dân thì đại biểu phải thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân chứ không phải ý kiến cá nhân mình.
Để người đại biểu của Nhân dân phát huy được Dũng trong công việc thì rất cần Đảng, Nhà nước có cơ chế rõ ràng, nghiêm minh để bảo vệ những người trung thực, dũng cảm dám đấu tranh vì cái chung bởi thực tế vẫn còn trường hợp dũng cảm đấu tranh lại bị trả thù, bị xa lánh, bị trù dập. Nói cách khác là cần thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm bảo vệ cán bộ “6 dám” trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 đã thành công tốt đẹp. Tin tưởng rằng các đại biểu của Nhân dân mới được cử tri bầu ra xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Nếu chúng ta chọn đúng cán bộ thì Nhân dân được nhờ, cách mạng và đất nước phát triển.
--------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, bộ 15 tập, tập 12, tr. 269.
(2) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 13, tr. 69.
(3) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr. 345.
(4) Hồ Chí Minh, Sđd , tập 5, tr. 292.
Hồng Kỳ