Trong số những nhà lao được đế quốc Mỹ lập ra ở miền Nam để giam giữ “những người tù cộng sản nguy hiểm”, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là nơi duy nhất chỉ giam giữ những tù chính trị tuổi vị thành niên, từ 12 đến 17 tuổi. Nhà lao được thành lập năm 1971 với quy mô lớn và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, số tù nhân lúc cao nhất khoảng trên 600 người.
Ở đây, địch áp dụng mọi âm mưu, thủ đoạn đa dạng, tinh vi, thâm hiểm; kết hợp tra tấn, đàn áp dã man với giáo huấn, dụ dỗ, mua chuộc... nhằm loại bỏ tư tưởng cộng sản, thủ tiêu tinh thần đấu tranh cách mạng của tù nhân thiếu nhi. Tuy nhiên, các chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đã giữ vững phẩm chất và lý tưởng cách mạng, kế thừa kinh nghiệm của các tù nhân chính trị đi trước, thành lập bộ phận chỉ huy thống nhất, đề ra các yêu sách cụ thể để tiến hành đấu tranh liên tục, bền bỉ trong suốt quá trình tồn tại của Nhà lao (1971-1973), điển hình như chống chào cờ, hát quốc ca của chế độ Việt Nam Cộng hòa, phong trào tự mổ bụng, kế hoạch diệt ác, vượt ngục, nổi dậy làm chủ nhà lao... Chính phong trào đấu tranh gan dạ, kiên cường của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã góp phần làm thất bại âm mưu thâm độc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi thiết lập Nhà lao Thiếu nhi, buộc chúng phải giải tán Nhà lao vào tháng 6 năm 1973, đưa số tù nhân còn án về giam giữ tại các nhà tù khác.
Du khách là những đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham quan Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt
(Nguồn: baolamdong.vn)
Ngày 22/6/2009, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Năm 2016, sau khi hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương giao Bảo tàng Lâm Đồng nhiệm vụ quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích. Trong thời gian qua, Bảo tàng Lâm Đồng, đặc biệt là các cán bộ phụ trách Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi luôn nỗ lực không ngừng trong công tác sưu tầm, trưng bày, bảo tồn hiện vật, tư liệu; nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo trong công tác thuyết minh, tuyên truyền, quảng bá Di tích; chủ động phối hợp và tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức Đảng, đoàn thể, trường học trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập, tổ chức nhiều sinh hoạt chính trị ý nghĩa như sinh hoạt về nguồn, tọa đàm truyền thống, gặp gỡ giao lưu với cựu tù; tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên tại Di tích. Các hoạt động nêu trên đều diễn ra long trọng, trang nghiêm, tạo được tinh thần vinh dự, tự hào, phấn khởi cho thế hệ trẻ, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng. Các hoạt động tại Di tích không chỉ để lại nhiều kỷ niệm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách tham quan mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, vai trò và sứ mệnh của Di tích đến với công chúng trong và ngoài nước.
Quang cảnh buổi lễ kết nạp đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tại Di tích Quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt
(Nguồn: Ban quản lý Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt)
Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của Di tích, xây dựng nơi đây thành một điểm đến có sức hút, xứng đáng với sứ mệnh “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ; đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, học tập của nhân dân và du khách khi đến thành phố Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng, trực tiếp là bộ phận phụ trách Di tích cần chủ động và tập trung thực hiện đồng bộ một số phương hướng, giải pháp trọng tâm, cụ thể:
Một là, tiếp tục quan tâm công tác tiếp xúc, gặp gỡ cựu tù; thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin, tư liệu, hình ảnh, hiện vật, ứng dụng trang thiết bị hiện đại, công nghệ kỹ thuật mới về âm thanh, ánh sáng trong trưng bày, thuyết minh (hệ thống thuyết minh tự động, mã QR, trình chiếu 3D...) để thu hút và nâng cao chất lượng phục vụ công chúng.
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ thuyết minh viên, gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ. Đồng thời, thuyết minh viên phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin chính xác, bồi dưỡng kinh nghiệm thực tế, nâng cao sự hiểu biết về hệ thống nhà tù dưới chế độ thực dân, đế quốc để có sự đối sánh, xây dựng nội dung thuyết minh hấp dẫn, minh họa sinh động, tránh sự nhàm chán, đơn điệu.
Ba là, trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Di tích đến với công chúng cần có chiến lược gắn kết với các hoạt động du lịch trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ giữa lịch sử - văn hóa và du lịch để phát huy giá trị Di tích hiệu quả nhất. Chủ động liên kết với Trung tâm xúc tiến và thông tin du lịch của tỉnh, các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh để xây dựng một chương trình du lịch chuyên đề, hoặc có sự kết hợp giữa Di tích với các điểm tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng khác trên địa bàn, xây dựng chương trình du lịch tổng hợp có sức thu hút du khách.
Bốn là, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác tuyên truyền; đa dạng hóa hình thức quảng bá thông qua các ấn phẩm quảng bá, phương tiện truyền thông, trang mạng xã hội…; chú trọng và đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc triển lãm lưu động để đưa Di tích đến với công chúng, nhất là các địa phương, trường học ở vùng sâu, vùng xa.
Năm là, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt chính trị theo chủ đề, nội dung phù hợp; đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, tổ chức các chương trình khám phá, các trò chơi bổ ích, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử cho các em học sinh ở lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở như: "Trẻ em thời chiến", "Em làm chiến sĩ giải phóng quân"... nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em vận động rèn luyện thể chất, kỹ năng sống, cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh và thấy được giá trị của nền độc lập, hòa bình.
Thu Thảo