Những ngày qua, câu chuyện một số DN ở TP Hồ Chí Minh mua rau ngoài chợ đầu mối, sơ chế và dán tem nhãn VietGAP, rồi đưa vào hệ thống phân phối của một tập đoàn có tiếng để tiêu thụ khiến dư luận xôn xao. Vụ việc bị báo chí phanh phui, DN ra sức bào chữa, hứa hẹn đền bù, cơ quan chức năng mới bắt tay vào cuộc xử lý...
Sự vụ có thể khiến DN cung ứng và đơn vị quản lý hệ thống phân phối bị ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng. Nhưng điều mất mát lớn nhất có lẽ là niềm tin của người tiêu dùng.
Trong kinh doanh nói chung, niềm tin của người tiêu dùng được xem là thước đo cho giá trị thương hiệu, sản phẩm của một DN. Khi có được niềm tin của người tiêu dùng, DN sẽ có tất cả và ngược lại.
Giá trị mất đi của DN có lẽ không phải là điều đáng để bận tâm. Nhưng vấn đề nguy hại hơn, khi vụ rau VietGAP “dởm” có thể còn tác động đến định hướng xây dựng một nền nông nghiệp tử tế. Không chỉ có sản phẩm rau, rất nhiều nông sản trong nước hiện nay đang nỗ lực cải tiến quy trình để có thể đạt được chứng nhận sản xuất tốt, với mục tiêu nâng tầm giá trị cho nông sản Việt.
Tuy nhiên, nếu những vụ việc như rau VietGAP “dởm” trà trộn vào siêu thị vẫn xảy ra, thì ai sẽ còn tin dùng những sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO… Và khi người dân không còn coi trọng những danh xưng đó nữa, người nông dân có thể cũng sẽ không còn chú trọng đến sản xuất, kinh doanh an toàn để chạy theo sản lượng.
Không chỉ vậy, khi người Việt quay lưng với tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước, thì việc xuất khẩu nông sản sang các quốc gia khác sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh hiện nay, các nước đều đặt ra những hàng rào kỹ thuật rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Người Việt không tin tưởng vào tiêu chuẩn chất lượng của nông sản Việt thì thử hỏi sẽ còn ai tin tưởng vào nông sản của nước ta để chấp thuận nhập khẩu?
Nói về hệ lụy của vụ việc rau VietGAP “dởm”, không thể không nhắc đến trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường trong việc thiếu quản lý sát sao. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét cả trách nhiêm liên đới của các đơn vị cung cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, chính quyền địa phương, hệ thống phân phối, và đặc biệt là những DN thiếu đạo đức kinh doanh. Thực tế tại các quốc gia phát triển, việc gian dối khách hàng, gây ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe sẽ bị xử phạt rất nặng. Tuy nhiên tại Việt Nam, vấn đề này dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh việc cần phải chuẩn hóa nông sản ngay từ thị trường trong nước, bắt đầu từ chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị; phải minh bạch giữa rau được chứng nhận và không được chứng nhận để người tiêu dùng có lựa chọn của riêng mình. Nhưng điều quan trọng nhất là “không thể chấp nhận sự dễ dãi từ những khâu nhỏ nhất”, chỉ khi đó mới mong có thể làm nông nghiệp tử tế./.