Hội thi hát ru, hát dân ca do Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Đà Nẵng triển khai trên toàn địa bàn thành phố trong những ngày tháng 10 năm 2023 đã khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, tuyên truyền sâu rộng những truyền thống vẻ vang, những phẩm chất tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam; giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của phụ nữ trong thời đại mới, đồng thời giáo dục truyền thống văn hóa đến thế hệ trẻ hôm nay.
Tiết mục tổ khúc dân gian 3 miền và âm nhạc dân gian của đội Hội LHPN quận Sơn Trà biểu diễn tại Liên hoan hát ru và hát dân ca năm 2023. Ảnh: hoilhpn
Tìm lại nguồn mạch của dân ca, ca dao, hát ru xứ Quảng Đà
Chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ vùng đất nào, đại loại có những câu ca cụ thể, dễ nhớ được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Lâu dần những câu ca dao, dân ca như “đại diện” để nhận diện các vùng miền nhất định mà mỗi khi được nghe các mẹ, các chị hát lên ta cảm nhận đến vùng đất ấy.
Về Thăng Long – Hà Nội xưa: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Đến Sài Gòn ta nghe: “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu..” hay về đất Bình Định: “Muốn ăn bánh ít lá gai, Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”.
Các câu ca dao, dân ca ấy khi được nhắc đến là sự mặc định của xứ riêng mình.
“Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá
Đứng bên tê Hàn ngó qua bên ni Hàn phố xá thênh thang
Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu”
Ngược dòng lịch sử về với vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng xưa chúng ta biết xứ Đàng Trong này từng là vương quốc Chăm Pa có nền văn hóa rực rỡ, và trước đó cũng xuất hiện nền văn hóa với những chủ nhân là người Việt xưa. Phần lớn người dân đất Quảng xưa là người Việt di cư từ vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An, lưu vực sông Hồng, sông Mã… vào khai canh, lập ấp. Trong quá trình di cư, tất nhiên họ mang theo văn hóa vùng miền vào hòa nhập với người bản địa và người Chăm tạo nên sự đa dạng trong văn hóa xứ Quảng. Vốn là vùng đất cửa ngõ “phên dậu” phía nam, là nơi "ô châu ác liệt" lại thêm phần thiên nhiên khắc nghiệt, là vùng đất các vua chúa mở rộng bờ cõi phương Nam, cho nên lịch sử nơi này tạo ra những con người giàu ý chí, bản lĩnh, khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường.
Xứ Quảng- vùng đất được sử sách nhắc đến là “Địa linh nhân kiệt”, đất “ngũ phụng tề phi” để nói đến người hiền tài, người có công đánh giặt ngoại xâm, người đỗ đạt cao khoa cử, những nhà văn hóa, nhà cách mạng. Vùng đất chịu sự khắc nghiệt bởi thiên nhiên, nhưng cũng là nơi hội tụ yếu tố “thiên thời- địa lợi – nhân hòa”, đặc biệt có những địa danh gắn bó với đời sống sinh hoạt, làng nghề, phong tục tập quán, lễ hội văn hóa, cả văn hóa đồng bằng, trung du miền núi và cả văn hóa nghư nghiệp. Chính trong quá trình mở rộng bờ cõi của cha ông, trong đấu tranh với ngoại xâm, trong thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt, đất và người xứ Quảng đã hấp thụ tinh hoa hồn khí thiêng liêng núi sông bồi đắp cho họ sự mạnh mẽ trong tính cách, triệt để trong hành động, khảng khái và thủy chung.
Theo “Có một nền văn hóa Việt Nam” thì Hoài Thanh khẳng định “ca dao là những bài hát có hoặc không có chương khúc, sáng tác bằng thể văn vần dân tộc để miêu tả, tự sự ngụ ý và diễn đạt tình cảm”. Ca dao, dân ca xưa nay do người dân lao động sáng tác tuyền miệng, chỉnh sửa, thêm bớt bộc bạch cả tình và điệu. Ca dao, dân ca có ngôn ngữ giàu nhạc điệu và nội dung giàu hình ảnh, đây là nét riêng thể hiện bản sắc dân tộc, tính cách địa phương. “Ca dao thấm từng chân tơ, kẽ tóc” ( Xuân Diệu) đúng với thực tế của Việt Nam có “bốn ngàn năm ca dao, dân ca”. “Dân ca Việt Nam là ca dao hát lên, ca dao chính là dân ca không hát” ( Bùi Văn Tiếng).
Rất nhiều áng văn, thơ, ca dao đã nói và viết từ đó, trong đó có ca dao, dân ca được thể hiện từ lời ru của người mẹ, lời hát của người ông người bà và từ đó truyền từ đời này sang đời khác. Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên từ lời ru, câu hát dân ca khu V, Bài Chòi nhưng đã được tưới mát tâm hồn tình yêu gia đình, yêu làng xóm và hơn hết là tình yêu Tổ Quốc. Hát ru là một nét sinh hoạt văn hóa, một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống thường ngày của nhân dân ta từ ngàn đời nay, với người xứ Quảng cũng không ngoại lệ khi nhịp sống thanh bình, yên ả và đầm ấm từ những làng quê xưa, chính là nơi đã khởi nguồn, trao truyền và nuôi dưỡng bền vững tiếng hát ru của biết bao thế hệ. Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ biên ải hay hải đảo, bất cứ nơi nào có bóng dáng những mái nhà, những thôn, làng, bản thì hát ru đã đi vào cuộc sống trong mỗi gia đình, tạo nên sức mạnh bền vững, mang những giá trị văn hóa quý báu, cốt cách và tâm hồn của dân tộc. Cũng có khi, tiếng hát ru lại là những lời ca về thân phận con người, về nhân tình thế thái, về những mong ước giản dị của con người trong cuộc sống đời thường, những tình yêu đôi lứa và lớn dần thành tình yêu Đất Nước.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Con ơi muốn lên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha…”
Hay như
“Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”
Hầu như những người con xứ Quảng ai cũng lớn lên với lời ru
“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say
Bạn về nằm nghỉ gác tay
Thử xem ai ơn trượng, nghĩa dày bằng ta”
Bảo tồn và phát huy nét đẹp hát ru, dân ca
Sự đa dạng của văn hóa – nghệ thuật đương đại giúp con người có nhiều sự lựa chọn trong việc thưởng thức món ăn tinh thần. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc nôi được ru bằng loa điện thoại, bằng tivi, bằng công nghệ. Những người mẹ, người bà không còn hát ru nhiều bên nôi con cháu, những đứa trẻ cũng không đươc tiếng hát lời ru trực tiếp từ trái tim, tình yêu vỗ về của mẹ. Chế Lan Viên từng viết
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa.
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa"
Những đứa trẻ trong thế giới hiện đại được hưởng thụ nhiều thành quả của nhân loại nhưng chưa hẳn đã được tưới mát bằng những hạt mưa tâm hồn từ trong nôi mẹ. Để hát ru – một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức giản dị gần gũi, tinh tế trong đời sống được khẳng định giá trị đích thực, được nuôi dưỡng để trường tồn phát triển cần phải có sự chung tay của cộng đồng và các nhà nghiên cứu dài hạn, bởi trên thực tế hát ru ngày nay không còn nhiều, trong khi đó lớp trẻ thì không những không mặn mà, yêu thích mà còn cảm thấy xa lạ thể loại âm nhạc truyền thống quý báu này.
Bao giờ cho đến ngày xưa! Đó luôn là điều trăn trở cho những câu dân ca, của hát ru,của bài chòi, của những điệu hò khoan tồn tại và phát triển như là hơi thở cuộc sống đương đại. Việc chú trọng phát huy vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở là cần thiết vì đó là phương tiện quan trọng để bảo tồn, nuôi dưỡng, truyền dạy hát ru.
Bên cạnh đó, cần đào tạo dài hạn và bồi dưỡng, đãi ngộ thỏa đáng cho người tham gia duy trì bảo tồn có hiệu quả tiếng hát ru, dân ca, bài chòi... Những con người này trước hết phải là đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, đoàn viên, phụ nữ, lực lượng giáo viên các cấp. Bởi chính lực lượng này làm nòng cốt trong việc sưu tầm, phổ biến nhân rộng các loại hình hát ru trong đời sống xã hội. Họ cần được trang bị kiến thức cơ bản để có điều kiện hoạt động. Những Hội thi tiếng hát ru, hát dân ca, bài chòi cũng là cách thức phát động phong trào đồng thời cũng chính là cách phát hiện ra những hạt mầm gìn giữ, nuôi dưỡng và phát huy, phát triển loại hình này văn hóa phi vật thể này.
Sông Yên