Tên sách: Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội
Tác giả: Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo
Năm xuất bản: 2024
Số trang: 384
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật
Công trình Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội do GS. Trần Quốc Vượng cùng các cộng sự khảo cứu, biên soạn và xuất bản lần thứ nhất vào năm 2000, năm đầu tiên của thế kỷ XXI với mục đích chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và cung cấp tài liệu tham khảo hữu ích cho mọi đối tượng bạn đọc. Đến nay, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, có chỉnh sửa, bổ sung.
Cuốn sách Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần này gồm 4 chương. Chương I: Thăng Long - Hà Nội, đất thiêng của muôn đời, là những khái quát học thuật về Thăng Long - Hà Nội từ các kỷ địa chất cách ngày nay hàng triệu năm tới vị trí đắc địa, là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước; nơi hun đúc vượng khí của núi sông, anh linh của đất trời, là vùng đất thiêng của muôn đời.
Chương II: Đôi nét về nghề thủ công Việt Nam, các tác giả tiếp tục khái lược, làm rõ với nền tảng là trung tâm kinh tế lớn nhất và tiêu biểu của đất nước, với tài năng sáng tạo của người dân Kẻ Chợ, “trăm nghề”, “trăm phường”, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành một bộ phận quan trọng, là một trong những nhân tố cấu thành văn minh, văn hóa Việt Nam.
Chương III: Nghề, làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội và Chương IV: Nghề thủ công Thăng Long - Hà Nội, thực trạng và nhu cầu phát triển, các tác giả tập trung ghi chép, phục dựng chân thực, sống động Hà Nội “36 phố phường” phong phú, đa dạng trên truyền thống lịch đại và trên cả bình tuyến đồng đại các làng nghề, phố nghề. Tiêu biểu như các làng nghề Bát Tràng, Định Công, Thiết Ứng, Ngũ Xã, Triều Khúc, Bưởi, Yên Hòa; cùng các phố nghề nổi tiếng như Hàng Trống, Hàng Thêu, Nhị Khê, Hàng Khay, Hàng Bừa được khắc họa toàn diện từ sự hình thành, phát triển tới những đặc trưng dấu ấn, bản sắc. Qua đó, các tác giả đưa ra những đánh giá thực trạng mang tính lịch sử - văn hóa của nghề thủ công Thăng Long - Hà Nội; cùng với những dự báo phát triển vẫn còn nguyên giá trị định hướng trong công cuộc xây dựng, phát triển công nghiệp hóa của Hà Nội và cả nước trong tình hình mới.
Dù năm tháng đổi thay, mỗi làng xưa, phố cũ Thăng Long đã thay đổi theo cuộc sống, nhưng dẫu sao chúng ta của ngày hôm nay và cả mai sau vẫn cần nhớ, cần biết đến di sản “tài khéo đất rồng”, di sản thủ công nghiệp làng nghề, phố nghề vô giá này để kế thừa, tiếp nối dựng xây Hà Nội xứng đáng là một trong những thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo nxbctqg