Là người dân Việt Nam, hẳn ai cũng biết ngày 02/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng Lễ Độc lập với tư cách một chuỗi các sự kiện tạo nên ngày độc lập lịch sử của dân tộc Việt Nam diễn ra như thế nào thì không phải ai cũng biết !
Ngày 02/9/1945, Lễ Độc lập được tổ chức trọng thể tại vườn hoa Ba Đình. Hà Nội tràn ngập cờ hoa, biểu ngữ với các dòng chữ Việt Nam, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”; “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”; “Hoan nghênh phái bộ Đồng Minh”...
Từng đoàn người tề tựu về Quảng trường Ba Đình để đón chào Chính phủ của nhân dân và được thấy tận mắt vị Chủ tịch họ đã được biết tên nhưng chưa được gặp mặt là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Báo Trung Bắc Tân văn tường thuật ngày 02/9/1945 như một ngày “Tết nguyên đán vào hạ tuần tháng Bảy” , “ngày độc lập này có vẻ Tết hơn 100 ngày Tết khác”.
Bài báo viết: “Trong thành phố không ai là không lau chùi nhà cửa. Bàn thờ thì đèn nến thắp sáng trưng, hương trầm nghi ngút. Dân Hà Nội cúng bái tổ tiên. Và khi dâng rượu và đồ cúng lên thì những tràng pháo dài thi nhau nổ vang lên khắp phố”. Những người giúp việc trong các gia đình được chủ nhà cho phép nghỉ và hẹn nhau buổi chiều hôm đó “sẽ xếp thành hàng ngũ đi đón vị Chủ tịch của Chính phủ Lâm thời Việt Nam”. “Kẻ thì dán trên tường những dòng chữ tỏ rõ cái chí hiên ngang của mình: “Sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc”, “Giọt máu cuối cùng, hơi thở sau hết của ta phải dâng lên cho đất nước”. Kẻ thì làm thơ ca tụng nền độc lập bất diệt của nước Việt Nam”. Ở các phố, những cửa hàng mở buổi sáng, đón tiếp khách hàng niềm nở, “dù mua hàng hay không cũng mời nước, hút thuốc”. Các hiệu cao lâu không chỉ giảm giá mà còn “trích ra 50 phần trăm giúp Giải phóng quân”. Những người buôn bán ít vốn cũng “bán rẻ quá ngày thường”. Trong khi những người trẻ tuổi sửa soạn cờ, biển, sắp đoàn ngũ, hoặc tập hát những bản anh hùng ca, thì các ông già bà cả lo làm cơm cúng tổ tiên và mời mọc những người bạn đến uống rượu mừng ngày độc lập. “Với cái tinh thần cao quý ấy, sáng nay Hà Nội sống trong một làn không khí cực kỳ thân mật! Người người rặt là người! Đông quá! Hàng phố toàn chỉ rặt một hạng người nhanh nhẹn, nụ cười nở trên môi, lòng chứa chan hy vọng”. “Giời đất sáng bừng lên như có thêm lửa cháy” .
Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, người thiết kế Kỳ đài cho Lễ Tuyên ngôn Độc lập
A. Patti, một ngưòi trong phái bộ của Đồng Minh trực tiếp quan sát ngày độc lập tại Hà Nội, cùng Knapp, Bernique, Grelecki - những người làm việc trong Cục Công tác chiến lược (OSS) của Mỹ đi khắp các phố phường Hà Nội, chụp ảnh, ghi chép về các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích… Ông viết: “Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến Quảng trường Ba Đình.
Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả toán nhân dân miền núi với y phục địa phương của họ, và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền.
Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soọc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón.
Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt Nam: “Việt Nam của ngườiViệt Nam”, “Hoan nghênh Đồng Minh”, Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”, “Thà chết, không nô lệ”…”.
Từ 12 giờ trưa Chủ nhật, ngày 02/9/1945, từng đoàn người già trẻ, gái trai, có cả những cụ già ngót trăm tuổi cũng chống gậy, sắp hàng ngũ đi dự. Những nhà thờ ở Hà Nội buổi sáng tràn ngập người tham dự thánh lễ. Các linh mục đạo Thiên Chúa mặc áo trắng và xanh đen, cùng những chức sắc mang khăn quàng và dải viền đỏ, sau khi làm lễ đã dẫn đoàn con chiên băng qua những con phố tới quảng trường. Những nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu da cam, rồi các chức sắc Cao đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ, từ những ngôi chùa dẫn tăng, ni phật tử tới Ba Đình dự lễ Độc lập. Những giáo viên trang bị còi hay loa dẫn đầu từng đoàn học sinh hát vang những bài ca cách mạng. Những lá quốc kỳ đỏ rực do những nhóm thiếu nữ dương cao tương phản với những chiếc áo dài trắng tinh khôi… .
Các tầng lớp nhân dân vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận xếp thành từng đoàn tiến về quảng trường. Nhiều người trong số họ đến với tư cách đại diện những cộng đồng thôn làng, được dẫn dắt bởi những bậc cao niên, mặc áo dài, đội khăn truyền thống, có những người mang theo những thanh kiếm nghi lễ và những cây gậy bằng đồng từ những miếu thờ và nhà chùa địa phương. Những nhóm người dân tộc thiểu số từ vùng đồi núi cũng hiện diện, họ đội mũ, đeo khăn có màu sắc sặc sỡ, mặc váy và đeo khăn quàng vai.
Từ Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, Jean Sainteny, viên chức cao cấp của nước Pháp có mặt ở Hà Nội, quan sát thấy hàng chục ngàn người Việt Nam đi thành từng hàng tiến vào quảng trường. Ông ngạc nhiên trước sự tham gia công khai của giới Công giáo và sửng sốt trước sự trật tự của đám đông, không có bất kỳ hành vi gây rối nào . Cả Hà Nội tưng bừng màu đỏ. “Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ” .
Lực lượng an ninh bảo vệ Lễ đài Độc lập (Ảnh tư liệu phục chế màu)
Trước cuộc mít tinh, binh lính Nhật ở khu đất thuộc Phủ Toàn quyền cũ đã đặt một số súng máy chĩa về phía quảng trường. Trong Thành Hà Nội, quân Pháp vẫn đang bị Nhật giam giữ từ sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945. Để bảo đảm an ninh trật tự, Quân Giải phóng Việt Nam trong đội ngũ chỉnh tề, xếp hàng ngay ngắn, làm hàng rào danh dự cách lễ đài chừng 20 mét. “Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các loại vũ khí mới một cách hãnh diện trong tư thế lúc “đứng nghiêm” lúc “nghỉ”. Các đơn vị tự vệ, dân quân mang theo một loạt vũ khí “từ súng kíp, gươm, dao rựa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày… Có thứ hình như họ mới lấy từ các đình, chùa ở làng ra. Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động và kinh hoàng”. Những đội tự vệ công nhân, thanh niên sinh viên có vũ trang xếp hàng ngay ngắn trong những khu vườn gần lễ đài, luôn cảnh giác, sẵn sàng ngăn chặn mọi hoạt động quấy rối .
Ở vòng ngoài, chi đội Vi Dân, tự vệ thành Hà Nội, làm nhiệm vụ canh gác . Các lực lượng bảo vệ xếp thành hàng rào từ vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) đến trung tâm Vườn hoa Ba Đình.
Một đội tự vệ mang súng lục đứng chen khít nhau thành một hàng rào chung quanh lễ đài. Một đơn vị Giải phóng quân bồng súng đứng dàn hàng ngang từ lễ đài đến đầu đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Mọi người im lặng hồi hộp, đợi cho đến lúc đoàn xe của Chính phủ có cảnh sát hộ tống tiến vào quảng trường trong tiếng quân nhạc vang lên hùng tráng .
Theo kế hoạch, buổi lễ được cử hành lúc 14 giờ chiều, nhưng xe chở các thành viên Chính phủ lâm thời phải đi qua một đoạn đường có những đoàn người đứng chật ních, nên tới 14 giờ 25 phút buổi lễ mới bắt đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ quần áo kaki bạc màu cùng các thành viên Chính phủ bước lên lễ đài.
Trong không khí trang nghiêm, cả biển người đứng im phăng phắc làm lễ chào cờ. Bài Tiến quân ca vang lên trầm hùng giữa quảng trường lộng gió, tràn ngập ánh nắng thu dưới bầu trời xanh thẳm. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được nữ sinh Dương Thị Thoa (tức Lê Thi) và nữ du kích Đàm Thị Loan từ từ kéo lên cột cờ cao vút. Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, những người dân của nước Việt Nam mới hồi sinh.
Sau khi Nguyễn Hữu Đang, thay mặt Ban Tổ chức công bố chương trình buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp giới thiệu Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh. Cả quảng trường rung chuyển với những tiếng hô: “Độc lập! Độc lập!”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh “nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông” . Sau những năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình vắng mặt của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương, Hồ Chí Minh về đến Hà Nội để ra mắt quốc dân. Quãng đường từ làng Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đến Hà Nội chừng 300 kilometers nhưng ông đã phải đi trong thời gian một phần ba thế kỷ.
Đứng trên lễ đài, Hồ Chí Minh vẫy tay chào đồng bào, chiến sĩ và những người nước ngoài tới dự mittinh tại Quảng trường Ba Đình, rồi giơ hai tay lên cao làm hiệu cho mọi người im lặng. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bằng những lời “điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng. Không phải là cái giọng hùng hồn người ta thường được nghe trong những ngày lễ long trọng. Nhưng người ta tìm thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết; tất cả đều tràn đấy sức sống; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người”.
“Hỡi đồng bào cả nước”. Hồ Chí Minh ngừng lại và hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” Cả biển người đồng thanh đáp lại: “Rõ”. Từ thời điểm đó trở đi có một mối liên kết đặc biệt đã hình thành giữa lãnh tụ và quần chúng. Hàng vạn người chăm chú lắng nghe từng lời của Hồ Chí Minh. Vị Chủ tịch nước “cùng với cả biển người đã hoà làm một”.
A. Patti tuy không hiểu trực tiếp được tiếng Việt, nhưng “cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời” thì cũng hiểu rằng Hồ Chí Minh “đã thấu tới quần chúng”.
Quỳnh Chi (Còn tiếp)