Hồ Chí Minh vừa dứt lời đọc bản Tuyên ngôn, cả quảng trường vang dậy những tiếng vỗ tay và reo hò náo nhiệt của hàng chục vạn con người , bày tỏ ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập.
Khi tiếng vỗ tay và reo hò lắng xuống, các thành viên Chính phủ lâm thời đứng trang nghiêm tuyên thệ trước Quốc kỳ và quốc dân đồng bào:
“Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại biểu đại hội cử lên xin thề rằng: Chúng tôi kiên quyết lĩnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh đặng mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ” .
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (Ảnh tư liệu)
Thay mặt Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đọc diễn văn, trình bày tình hình trong nước và nhiệm vụ của Chính phủ. Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân thành công của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và sự đoàn kết của nhân dân nhất định chống lại bất cứ một cuộc xâm lăng nào.
Bài diễn văn của Võ Nguyên Giáp luôn bị công chúng ngắt quãng để vỗ tay hoan hô. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp khẳng định: Chính phủ lâm thời “là ý chí của toàn quốc chứ không phải là của một tổ chức chính trị nào. Từ khi thành lập, nó đã kêu gọi quốc dân đoàn kết thêm, bố trí cuộc chiến đấu mạnh mẽ thêm. Tinh thần của dân ta ngày càng cao, lực lượng của dân ta ngày càng lớn. Trung, Nam, Bắc cùng một lòng. Sĩ, nông, công, thương, binh cùng chung một chí. Cả đến các giáo sĩ đạo Phật và Cơ đốc, cả đến vua Bảo Đại cũng đã nhiệt liệt hưởng ứng, tình nguyện góp sức đánh quân thù. Chính phủ lâm thời là do sự đoàn kết, phấn đấu của nhân dân mà xuất hiện, nó lại làm cho sự đoàn kết, phấn đấu ấy sâu, rộng hơn nữa”.
Để gia tăng và củng cố sự phấn đấu ấy, Chính phủ lâm thời sẽ ra sắc lệnh triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ. Các đại biểu của Quốc hội đều do dân bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ chế định Hiến pháp và bầu ra một Chính phủ chính thức.
Bộ trưởng trình bày những nhiệm vụ của Chính phủ lâm thời trong lúc chưa bầu được Quốc hội là thi hành ngay những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, hành chính, văn hoá và cứu tế.
Về nội trị, chính sách của Chính phủ lâm thời là thống nhất và đoàn kết; xoá bỏ sự phân biệt Trung, Nam, Bắc và sự chia rẽ các dân tộc; tha thứ cho những người lầm lỗi mà biết quay lại con đường chính; tôn trọng tài sản của nhân dân và của người nước ngoài; đặc biệt là kiên quyết bảo đảm tự do và hạnh phúc của nhân dân. Để những chính sách đó được thực hiện trong cả nước, tránh sự hiểu lầm hoặc lạm dụng, Chính phủ lâm thời đặt sự liên lạc mật thiết giữa trung ương và các địa phương, đồng thời tuyên truyền cổ động và giáo dục quần chúng biết “giữ” và biết “dùng” quyền tự do dân chủ đã giành được.
Về quân sự, chỉnh đốn và phát triển Quân Giải phóng thành Quân đội quốc gia để bảo vệ nền độc lập và Chính phủ Dân chủ Cộng hoà; tổ chức đào tạo cấp tốc những cán bộ quân sự để chỉ huy quân đội chính thức và du kích, dân quân.
Về kinh tế, Chính phủ sẽ kiến thiết nền kinh tế quốc dân để cho mọi người được tự do kinh doanh; khuyến khích và giúp đỡ tư nhân trong hoạt động kinh doanh.
Về tài chính, dù đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ sẽ thi hành dần dần những điều mà quốc dân mong mỏi như bãi bỏ thuế thân, thuế chợ để giúp cho sinh kế của người nghèo được dễ dàng. Để giải quyết vấn đề ngân quỹ, phải có những phương sách đặc biệt như công trái, lạc quyên, đặt thuế lợi tức.
Về văn hoá, tạm thời giữ Ty Kiểm duyệt để tránh những thông tin hay tuyên truyền có hại đến ngoại giao hay nội trị đang biến chuyển hàng ngày; khi tình hình ổn định sẽ ban bố quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
Về giáo dục, thực hiện cưỡng bách giáo dục ở bậc sơ học; học trò nghèo được cấp học bổng; giảng dạy thiết thực, toàn diện, chú trọng giáo dục ý thức cộng đồng và “năng lực về kỹ thuật cần lao của con người”; bắt buộc học quốc ngữ để triệt để chống nạn mù chữ; gây dựng một nền học thuật quốc gia, bắt đầu bằng việc thiết lập những ban chuyên môn nghiên cứu về từng ngành hoạt động tinh thần; loại bỏ những tập quán xấu và sản phẩm phi văn hoá.
Hàng trăm nghìn người dự Lễ Độc lập ngày 02/9/1945 tại Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Về cứu tế, tập trung mọi nỗ lực chống nạn đói, coi việc cứu giúp đồng bào như một bổn phận thiêng liêng chẳng những vì nhân đạo mà còn vì tương lai dân tộc.
Về ngoại giao, chính sách ngoại giao Việt Nam phải dựa vào hai yếu tố: hoàn cảnh quốc tế và lực lượng trong nước. Chính phủ chủ trương thực hiện chính sách thân thiện với tất cả các nước. Riêng đói với Pháp, sẽ đối đãi tử tế với người Pháp, nhưng không phải là khiếp nhược họ. “Họ nên biết điều mà công nhận nền độc lập hoàn toàn của ta. Bằng như họ định dùng võ lực xâm phạm đến đất nước ta thì ta sẽ rỏ đến giọt máu cuối cùng để chống lại họ”.
Võ Nguyên Giáp dự báo nước Việt Nam mới sẽ gặp nhiều khó khăn trên các phương diện, nhất là về ngoại giao, đồng thời chỉ ra sự cần thiết phải phát huy tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, thống nhất, ủng hộ Chính phủ một cách thiết thực. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp kết luận:
“Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao nhiêu năm lầm than kiệt quệ.
Noi theo truyền thống của các thế hệ đi trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh “một trận cuối cùng” để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc”.
15 giờ 10 phút, Trần Huy Liệu, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời báo cáo với quốc dân về việc Bảo Đại thoái vị ở Huế. Ông nhấn mạnh điều đặc biệt trong việc thực hiện chính thể dân chủ cộng hoà là: “thể theo nguyện vọng chung của quốc dân và thuận theo bước tiến hoá của lịch sử, chính ông Vĩnh Thuỵ đã tự nguyện thoái vị, giao trả quốc quyền cho Chính phủ lâm thời”.
Trần Huy Liệu khẳng định: “Từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ cộng hoà, chúng ta chẳng thể thay đổi cái tên của chính thể là đủ, mà còn phải phấn đấu một cách cương quyết và nhẫn nại để thực hiện cho được một nền dân chủ chân chính, triệt để của toàn dân” .
Nguyễn Lương Bằng, đại biểu Tổng bộ Việt Minh đọc Lời hô hào quốc dân trong ngày độc lập . Ông nhấn mạnh những nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng vô cùng vẻ vang của mỗi người dân trong công cuộc bảo vệ thành quả cách mạng:
“Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thành lập. Bao nhiêu xiềng xích vừa được cởi mở. Toàn quốc đồng bào đang sống những ngày tưng bừng vui sướng, những ngày tự do đầu tiên từ khi Pháp chiếm nước ta”. Tuy nhiên, quyền độc lập của nước Việt Nam rất mong manh. “Giành chính quyền là một việc khó. Nhưng giữ vững chính quyền lại càng khó hơn”. Ông kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đoàn kết chặt chẽ, sẵn sàng phấn đấu chống mọi mưu mô xâm lược”.
“Lúc này ai là người yêu nước cũng có thể phụng sự Tổ quốc”. “Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức, người có tài trí giúp tài trí. Tất cả phải góp vào một hòn đá, một viên gạch, đặng xây dựng lâu đài dân tộc độc lập Việt Nam”.
Nguyễn Lương Bằng nêu rõ sứ mệnh lịch sử của mặt trận Việt Minh và kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất trong mặt trận để phấn đấu củng cố nền độc lập của đất nước: “Việt Minh, suốt mấy năm nay, kiên quyết phấn đấu, chịu bao sự hy sinh, đau đớn mới có ngày nay. Các chiến sĩ Việt Minh thắng lợi không kiêu, thất bại không nản. Ngày nay, chính quyền thành lập, Việt Minh không cho thế là đủ. Việt Minh biết rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chúng ta tất còn gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, còn phải đối phó với mưu đồ của Pháp chực khôi phục lại nền thống trị, cũng như phải ngăn ngừa mọi trở lực ngăn cản bước đường tiến của chúng ta”.
“Bởi vậy, Tổng bộ Việt Minh quyết lĩnh đạo đồng bào san phẳng mọi trở lực đặng giữ vững quyền độc lập
Các giới đồng bào, các đoàn thể yêu nước hãy đoàn kết chặt chẽ.
Lúc bình thường cũng như khi nguy biến, nhất định không chia rẽ, phải tỏ cho thế giới biết rằng: dân tộc Việt Nam ta đã thống nhất giành quyền độc lập thì cũng luôn luôn thống nhất liều chết giữ vững quyền độc lập ấy”.
Sau Lời hô hào của Tổng bộ Việt Minh, hàng chục vạn người trên vườn hoa Ba Đình đồng loạt hô vang lời thề độc lập:
- Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chúng tôi xin thề: cùng Chính phủ giữ gìn nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có chết cũng cam lòng.
- Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề:
Không đi lính cho Pháp.
Không làm việc cho Pháp.
Không bán lương thực cho Pháp.
Không đưa đường cho Pháp .
Sau mỗi lời thề, toàn thể đồng bào đều giơ tay hô lớn: “Xin thề!”, tỏ rõ ý chí kiên cường, không gì lay chuyển nổi của cả một dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do.
Kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra lễ đài một lần nữa. Ông căn dặn nhân dân kiên quyết hy sinh giữ vững nền độc lập vừa mới giành được: “Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ” .
Độc lập! Độc lập! Tiếng hô trong ngày 02/9/1945 vang lên từ Ba Đình, Hà Nội, vọng tới mọi miền đất nước.
Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bế mạc, trở thành một cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng của đông đảo quần chúng. Những người dự mittinh chia thành từng đoàn tuần hành trên các đại lộ dẫn về Hồ Gươm, rồi đem niềm hân hoan toả về các phố, đến từng mái nhà. Đêm hôm đó, cả Hà Nội không ngủ.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh dấu một bước nhảy vọt vĩ đại trong tiến trình lịch sử tiến hóa của dân tộc. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Một kỷ nguyên mới được mở ra, kỷ nguyên dân chủ cộng hòa, kỷ nguyên độc lập, tự do.
Quỳnh Chi (Tiếp theo và hết)