Vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú một màu xanh thiên nhiên, với sông nước miệt vườn ngút tầm mắt, những vựa lúa thẳng cánh cò bay và những mẻ lưới nặng trĩu cá tôm. Nổi bật trên nền bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy chính là sắc màu rạng rỡ của cuộc sống con người, nơi có lễ hội Ok Om Bok, hội đua thuyền, thả đèn gió rộn ràng trong những điệu ca vũ mê say…
Lễ hội Ok Om Bok. Ảnh dulichtravinh
Lễ hội Ok Om Bok (nghĩa là đút cốm dẹp) còn gọi là Lễ cúng trăng, một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer. Lễ hội được tổ chức vào khoảng rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm, thời điểm vừa kết thúc vụ mùa. Mặt trăng là biểu tượng cho lực lượng thiên nhiên gắn với đời sống sinh hoạt và lao động, chi phối những điều kiện tự nhiên cơ bản nhất cho hoạt động nông nghiệp, là một trong những biểu trưng tín ngưỡng quan trọng nhất của người Khmer.
Người Khmer có tín ngưỡng thờ thần Mặt trăng từ xa xưa, kết hợp với Phật giáo khi được truyền vào, tạo nên đời sống tâm linh phong phú của cộng đồng. Người Khmer thường đến chùa nghe kinh, niệm Phật vào những ngày rằm và ngày không trăng, đồng thời cúng trăng và cầu khấn các vị thần linh. Nghi lễ cúng trăng nhằm giáo dục cho con người biết ơn đấng tự nhiên đem lại sự sống cho con người, cho muôn loài, cho vạn vật, bày tỏ lòng thành kính tới Đức Phật, từ đó răn dạy con người hãy noi gương, học tập đức hy sinh, lòng từ bi hỉ xả của Đức Phật mà làm lành tránh dữ.
Người Khmer coi Mặt trăng là một vị thần cai quản và bảo hộ mùa màng trong nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, thần Mặt trăng mang biểu tượng của âm tính, lễ cúng trăng là sự đưa tiễn mùa mưa, chào đón mùa khô, đồng thời để tỏ lòng biết ơn thần Mặt trăng đã giúp người dân bảo vệ mùa màng, gửi gắm ước vọng về một vụ mùa mới tốt tươi, mưa thuận gió hòa, cuộc sống no ấm.
Tái hiện nghi thức "Cúng trăng" hay “Đút cốm dẹp” của đồng bào Khmer. Ảnh dangcongsan.vn
Lễ vật chủ yếu trong nghi thức cúng trăng là những nông sản của vụ mùa vừa thu hoạch được, chủ yếu là khoai, dừa tươi, chuối, các loại bánh kẹo, trà và đặc biệt là cốm dẹp, loại cốm làm từ hạt nếp được giã và sàng sảy cho hết vỏ trấu. Mâm lễ vật được bày biện khéo léo đẹp mắt trên một chiếc bàn đặt ở giữa sân chùa, sân nhà trong đêm trăng rằm, mọi người hướng tới mặt trăng cùng tạ ơn và cầu nguyện. Nghi thức quan trọng là người chủ sự nắm một ít thức lễ vật đút vào miệng từng trẻ nhỏ, vỗ về hỏi han các em về ước mơ, nguyện vọng tương lai. Những câu trả lời của đám trẻ với niềm tin của người Khmer như phản ánh ước vọng chân thực nhất của gia đình và cộng đồng.
Các hoạt động diễn ra xung quanh phần nghi lễ cũng thực sự cuốn hút. Các trò chơi dân gian, tiết mục văn nghệ được tổ chức hoành tráng, vui tươi và mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Nổi bật nhất và thu hút đông đảo người tham gia nhất chính là hoạt động thả đèn gió và đua ghe ngo.
Hoạt động thả đèn gió tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ. Mỗi chiếc đèn gió được làm từ giấy quyến và khung tre, thường có hình vuông hoặc tròn. Bên trong đèn thiết kế vật liệu đốt tạo lực đẩy đèn bay lên không trung. Mọi người thường cùng phối hợp nâng đèn và buông tay khi đèn đã đủ lực để tự cất lên cao. Từng chiếc đèn lần lượt bay lên trên nền trời đêm giữa buổi trăng rằm trong tiếng reo hò phấn khích của đám đông, lấp lánh bừng sáng cả một khoảng trời. Cảnh tượng kỳ vĩ từ ánh sáng đèn gió hiện lên trong hàng ngàn ánh mắt dõi theo như xua tan tai ương, rủi ro, bất trắc, soi rọi cõi tâm linh và gửi gắm ước vọng của người dân tới thần Mặt trăng, và luôn nghĩ đến thần đang nhìn mình và ủng hộ mình.
Thả đèn gió – hoạt động tín ngưỡng mang nhiều ước vọng của bà con Khmer. Ảnh sưu tầm.
Lễ hội Ok Om Bok càng sôi động hơn bởi hội đua ghe ngo, môn thể thao dân gian truyền thống mang đầy bản sắc vùng sông nước, thu hút hàng vạn người dân tham gia thi đấu và cổ vũ. Cuộc đua ghe Ngo diễn ra trước ngày rằm, là nghi thức tiễn đưa thần nước về với biển cả sau mùa gieo trồng. Đồng thời, đây cũng là nghi thức tôn giáo tưởng nhớ thần rắn Nagar xưa biến thành khúc gỗ để đưa Phật qua sông. Ghe ngo theo truyền thống là một thân cây gỗ lớn được khoét lõi, có chiều dài đến hơn 20 mét, thân hơi cong về phần mũi, trang trí các biểu tượng (như cọp, rồng, sư tử, cá…) của từng đội đua, gồm từ 50 - 60 tay chèo. Ghe ngo đại diện cho các phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa như một tài sản quý giá và thiêng liêng và tới ngày lễ Ok Om Bok mới được hạ thủy. Trong thời gian diễn ra cuộc thi này, hai bên dòng sông sẽ chật kín người dân cổ vũ, tiếng reo hò cùng tiếng nhạc thúc giục tưng bừng, bao trùm với sắc màu trang phục của các đội đua, tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt.
Hội đua ghe ngo ban đầu chỉ là một màn thi đấu diễn ra trong đêm cúng trăng cùng với các hoạt động văn hóa khác, với cùng ý nghĩa dâng lên thần Mặt trăng thưởng thức, và phụ nữ không được tham gia. Dần dần, cùng với quy mô và mức độ thu hút ngày một tăng, đua ghe ngo trở thành một lễ hội mang tầm khu vực, được tổ chức hoành tráng bao gồm nhiều đội đua, chia ra cả nam và nữ, tạo sức lan tỏa và tinh thần đoàn kết lớn trong cộng đồng. Theo quan niệm của người Khmer, chiếc ghe ngo là biểu tượng của sự no ấm, sung túc, đem đến may mắn và thành công, nên mỗi cuộc đua ghe là một cuộc chứng tỏ cho tinh thần, nghị lực, khát vọng và vinh quang của từng đội đua, do đó thường diễn ra quyết liệt, sôi động, có sức quy tụ cực lớn, trở thành biểu tượng văn hóa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Đua ghe ngo truyền thống mừng lễ hội Ok Om Bok. Ảnh truyenhinhdulich.vn
Với nhiều giá trị văn hóa truyền thống nổi bật, lễ hội Ok Om Bok đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 25/8/2014, như một sự khẳng định bản sắc văn hóa của cộng đồng Khmer, đồng thời tạo điều kiện để các dân tộc anh em tìm hiểu và giao lưu văn hóa. Lễ hội Ok Om Bok đã trở thành ngày hội lớn của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, tạo vai trò gắn kết nhiều hoạt động truyền thống đặc sắc khác, qua đó da dạng hóa việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Kỳ Vận