Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa bàn du lịch trọng điểm ở Việt Nam, là điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực và thế giới. Để phát triển mạnh mẽ nền “công nghiệp không khói” thời gian qua, ngoài các điều kiện thuận lợi sẵn có, con người nơi đây có nhiều sáng tạo đột phá để xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch. “Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng” (viết tắt tiếng Anh: DIFF) là sản phẩm lễ hội hiện đại tiêu biểu thúc đẩy phát triển du lịch.
Màn trình diễn pháo hoa của đội Trung Quốc trong đêm chung kết DIFF 2024 (nguồn ảnh: Báo điện tử Tiền Phong)
Về số lượng lễ hội truyền thống, Đà Nẵng chỉ có khoảng 29 lễ hội, con số này khá khiêm tốn so với các địa phương lân cận (Thừa Thiên Huế có khoảng 500 lễ hội, tỉnh Quảng Nam có khoảng 65 lễ hội). Vì vậy, lãnh đạo ngành văn hóa và du lịch của địa phương đã dành nhiều tâm sức để đưa ra các giải pháp phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này. Bên cạnh các cảnh quan thiên nhiên, bãi biển đẹp, muốn phát triển mạnh lĩnh vực du lịch cần phải phát huy hiệu quả các nguồn lực văn hóa. Lễ hội là một trong những nguồn lực văn hóa đó.
Cùng với các lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội mới, hiện đại của Đà Nẵng đã hình thành để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách như: lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, lễ hội Việt Nam - Nhật Bản tại Đà Nẵng, lễ hội Âm nhạc Đà Nẵng, lễ hội Ẩm thực quốc tế, lễ hội Đường phố Đà Nẵng, lễ hội Khinh khí cầu, lễ hội Bốn mùa tại Ba Na Hills, lễ hội Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng, lễ hội té nước SongKran Đà Nẵng, Lễ hội văn hóa Đức GBA Oktoberfest… Các lễ hội hiện đại nói trên đã và đang góp phần vào hành trình đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện - lễ hội. Đó cũng là cơ sở để du khách luôn cảm thấy hứng thú và hấp dẫn, luôn muốn đến và muốn quay lại Đà Nẵng.
Trong số các lễ hội hiện đại, lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã trải qua 12 lần tổ chức với qui mô và chất lượng ngày càng được nâng cao. Lễ hội này góp phần quan trọng thu hút du khách, đã khẳng định sự hấp dẫn và thương hiệu của ngành du lịch địa phương.
Năm 2008, lần đầu tiên lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng được tổ chức, ngay lập tức thu được thành công rực rỡ. Vì là lễ hội mới, nên lễ hội này đã có nhiều lần thay đổi về tên gọi, thời gian, chủ đề, cách thức đầu tư… Chính điều đó thể hiện những suy tư, trăn trở của các cơ quan chức năng cho một sản phẩm văn hóa hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cũng như đem lại hiệu quả cao nhất có thể.
Ban đầu, lễ hội này tổ chức vào 2 đêm cuối tháng 3 nhân Kỷ niệm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, sau đó chuyển sang 2 đêm cuối tháng 4 nhân Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Sự thay đổi lớn nhất diễn ra vào năm 2017, đây cũng là dấu mốc định hình một sản phẩm văn hóa lễ hội tiêu biểu của Đà Nẵng. Từ năm 2017, công tác xã hội hóa lễ hội này cơ bản được thực hiện khi UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho Tập đoàn Sun Group là đơn vị tổ chức; cũng từ đây, tên gọi “Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng” được chính thức khẳng định cho đến nay. Về thời gian diễn ra lễ hội, thay vì 02 đêm cuối tuần đã được kéo giãn ra 02 cuối tuần, số lượng đội thi cũng tăng lên.
Từ năm 2018 đến nay, thời gian đã tiếp tục được giãn ra tới khoảng 05 cuối tuần, diễn ra trong mùa hè. Như vậy, sản phẩm lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng chính thức có sự kết hợp với nhiều lễ hội khác trong mùa cao điểm du lịch. Sự kéo dài thời gian này giúp địa phương tránh được áp lực quá tải về tất cả các loại hình dịch vụ như vé máy bay, phương tiện giao thông phục vụ du khách, khách sạn, nhà hàng… Trên cơ sở đó, thành phố đã kích cầu du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo điều kiện cho nhiều du khách có kế hoạch đến với Đà Nẵng hơn. Và tất yếu, các dịch vụ du lịch sẽ bảo đảm tốt hơn, doanh thu cũng sẽ gia tăng.
Màn trình diễn pháo hoa của đội Phần Lan trong đêm chung kết DIFF 2024 (nguồn ảnh: Báo điện tử Tiền Phong)
Năm nay, DIFF 2024 diễn ra từ tháng 6/2024 đến ngày 13/7/2024, cặp thi đấu chung kết giữa đội pháo hoa Trung Quốc và đội pháo hoa Phần Lan đã khép lại lễ hội này. Sự thành công của DIFF 2024 đã góp phần to lớn trong kết quả của lĩnh vực du lịch: 6 tháng đầu năm 2024 lượng du khách đến Đà Nẵng ước đạt 5,14 triệu lượt, tăng 25,6%; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 28,4%. Đặc biệt, du khách quốc tế đến Đà Nẵng 6 tháng đạt khoảng 2 triệu lượt, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm cao nhất trước khi xảy ra dịch COVID-19). Đây là cơ sở để địa phương kỳ vọng đạt và vượt các chỉ tiêu về phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Như vậy, lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng cùng với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc khác đã góp phần để thành phố khẳng định được thương hiệu mạnh về du lịch. Đà Nẵng được Tổ chức Du lịch Thế giới (Word Travel Award) trao tặng các giải thưởng du lịch danh giá: “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2016; “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022; và nhiều giải thưởng của các tổ chức và tạp chí du lịch uy tín khác. Gần đây, cuối năm 2023, Tạp chí Condé Nast Traveller (tạp chí du lịch nổi tiếng tại Anh) tiếp tục ghi nhận Đà Nẵng đứng vị trí thứ 2 trong top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024 (là đại diện duy nhất của Việt Nam trong xếp hạng này).
Cùng với lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, các chủ thể văn hóa Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, khẳng định khả năng sáng tạo không giới hạn. Với niềm tin đó, thành phố bên sông Hàn sẽ phát huy hiệu quả hơn các nguồn lực văn hóa phục vụ sự phát triển ngành du lịch, phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng nhanh và bền vững.
Anh Vũ