Sau 20 năm không ngừng đổi mới sáng tạo, duy trì và phát triển, đến nay Lễ hội Thành Tuyên được coi là Lễ hội Trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước, với nhiều kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập: “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”... Lễ hội trung thu đã trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có, là điểm hẹn của người dân và du khách gần xa.
Mô hình Cá chép vượt Vũ môn hóa Rồng do nhân dân tổ 6, phường Tân Quang thực hiện nổi bật trong Lễ hội Thành Tuyên. Ảnh: Báo Tuyên Quang
Nét văn hóa đặc sắc
Lễ hội Thành Tuyên là một lễ hội Trung thu hết sức độc đáo và riêng có của tỉnh Tuyên Quang, được các cháu thiếu nhi và nhân dân của tỉnh cùng đông đảo du khách gần xa mong đợi. Mặc dù Rằm Trung thu tháng 8 Âm lịch thường rơi vào độ tháng 9 Dương lịch, nhưng khác với nhiều lễ hội, ở Lễ hội Thành Tuyên người dân đã "rục rịch" chuẩn bị các mô hình và diễn diễu từ trước đó khoảng 1 đến 2 tháng.
Lễ hội trước hết xuất phát từ tình yêu thương dành cho các em thiếu nhi với mong muốn đem đến cho các em một đêm Rằm Trung thu vui tươi, đầy ý nghĩa. Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng những chất liệu sẵn có như tre, nứa, giấy, decal... người dân đã tạo ra những mô hình đèn trung thu khổng lồ. Mỗi mô hình đều dựa trên những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử, như mô hình “Khu Di tích Cây đa Tân Trào Tuyên Quang”, “Trí khôn của ta đây”, “12 con giáp”, “Anh hùng tương ngộ”, “Đám cưới chuột”, “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”, “Chuyện tình Âu Cơ”,…
Đến với Lễ hội Thành Tuyên với nét văn hóa đặc sắc riêng có, du khách được đắm mình trong bầu không khí náo nức, rộn ràng của tiếng trống, tiếng nhạc với những điệu dân vũ truyền thống được biểu diễn bởi nam thanh, nữ tú trong những bộ trang phục dân tộc đầy màu sắc của 22 dân tộc nơi miền đất xứ Tuyên xinh đẹp, mến khách. Đặc biệt, hòa vào không khí Lễ hội, du khách như được trở về tuổi thơ cùng các cháu thiếu nhi trong không gian Trung thu mênh mang, lung linh muôn sắc màu của những xe mô hình đèn Trung thu khổng lồ, độc đáo, muôn hình muôn vẻ.
Hàng vạn du khách đến với Lễ hội Thành Tuyên. Ảnh: Báo Tuyên Quang online
Tạo sức hấp dẫn qua từng năm
Lễ hội thành Tuyên bắt đầu diễn ra từ năm 2004, khi ấy nhiều gia đình trang trí, cắt dán mô hình các con thú rồi kéo đi dọc theo các tuyến phố có múa lân, ca hát. Hình thức mới mẻ này không những làm trẻ em thích thú mà còn lôi cuốn rất nhiều người lớn cùng góp vui. Bắt nguồn từ hoạt động tự phát của người dân Tuyên Quang, sau mỗi năm, người xem lại thấy những lồng đèn trở nên đẹp hơn, cầu kỳ hơn. Thậm chí người làm lồng đèn còn rất sáng tạo khi chế ra nhiều kiểu mới, lạ mắt, biến nó thành một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của Tuyên Quang.
Sau 10 năm từ tự phát đến có tổ chức, từ năm 2008 đến 2014, Lễ hội Thành Tuyên chính thức được nâng lên cấp thành phố và từ năm 2014 đến nay, Lễ hội trở thành sự kiện cấp tỉnh có tính chuyên nghiệp, độc đáo, hấp dẫn và quy mô rộng lớn hơn. Hàng năm, bên cạnh hoạt động biểu diễu mô hình Trung thu, tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cấp khu vực và toàn quốc, tạo cho Lễ hội thêm sôi động và ý nghĩa, đồng thời kéo dài thời gian của du khách ở lại với Tuyên Quang để trải nghiệm, khám phá thêm về mảnh đất, con người Xứ Tuyên. Tiêu biểu như: Liên hoan nghệ thuật Hát Then - Đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ V (năm 2015); Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” (năm 2016); Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất (năm 2017); Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất (năm 2019); Lễ đón nhận Bằng ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2022). Đặc biệt, có sự tham dự của các Đại sứ quán, cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó một số địa phương, doanh nghiệp nước ngoài như tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Công ty cổ phần Anhei (Nhật Bản),… đã tham gia Lễ hội với các hoạt động phù hợp. Qua đó, đã thu hút ngày càng lớn lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Tuyên Quang để chiêm ngưỡng, trải nghiệm Lễ hội Trung thu độc đáo, đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang với quy mô tổ chức hoành tráng, rực rỡ mang tới sự nổi tiếng trong và ngoài nước.
Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất - Lễ hội Thành Tuyên. Ảnh: mytuyenquang.vn
Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh triển khai Đề án số 698/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 về đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, giai đoạn 2023 - 2025 với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch riêng có, quy mô khu vực, quốc gia và quốc tế, vì vậy trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra chuỗi các hoạt động đặc sắc hấp dẫn, điểm nhấn là Đêm hội Thành Tuyên với trên 60 mô hình đèn Trung thu khổng lồ, rực rỡ sắc màu tham gia diễn diễu, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế quan tâm theo dõi.
Thực hiện kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 17/6/2024 về tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024, hoạt động văn hóa với chủ đề “Tinh hoa hội tụ và tỏa sáng” hứa hẹn nhiều sự đổi mới, hấp dẫn, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa của tỉnh Tuyên Quang. Những ngày này, tại các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, người dân đã cùng nhau làm những mô hình đèn trung thu khổng lồ với nhiều màu sắc, hình dáng. Tất cả mọi người đều háo hức để hướng tới Lễ hội Thành Tuyên 2024 rực rỡ vui tươi. Sự thành công của các sản phẩm mô hình, nói rộng ra là Lễ hội Thành Tuyên là nhờ có sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, phong trào làm đèn trung thu đã trở thành nét văn hóa riêng, được nhân dân trên địa bàn đồng thuận, ủng hộ, sáng tạo và nuôi dưỡng trở thành một bữa tiệc văn hóa - nghệ thuật - thể thao đặc sắc của người dân cả nước.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính quyền và nhân dân trên địa bản tỉnh đã tích cực giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và những giá trị hết sức đặc sắc về lịch sử, văn hóa của miền đất Tuyên Quang giàu truyền thống, là "quê hương Cách mạng", "Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, qua đó từng bước xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch có thương hiệu và uy tín, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.
Trình Thị Thu Thảo